Giải cứu nền kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ và căn cơ
Gần 2800 công nhân của công ty Pouyen phải nghỉ việc trong khuôn khổ thực hiện cắt giảm lao động để ứng phó với khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Như vậy là thêm một doanh nghiệp lớn nữa tại TPHCM, sau công ty Huê Phong, phải điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất do hệ luỵ của dịch Covid – 19. Sức công phá của dịch bệnh đối với doanh nghiệp, nói chung đối với nền kinh tế chắc chắn sẽ còn kéo dài, dẫn đến nhiều thiệt hại. Cần có giải pháp đồng bộ và căn cơ nhằm ngăn chặn, khắc phục, hạn chế thiệt hại cả ở tầm vi mô và vĩ mô.
Đối với người lao động, được cho là thuộc thành phần dễ bị tổn thương mỗi khi có khủng hoảng kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn, cần có biện pháp bảo đảm công ăn việc làm ổn định. Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch cắt giảm lao động phải bảo đảm đúng luật và công bằng; vai trò của đại diện người lao động phải được phát huy tối đa để đạt được mục tiêu này. Những người lao động nghỉ việc do áp dụng kế hoạch cắt giảm lao động cần được tạo điều kiện có việc làm mới, đảm bảo sinh kế liên tục và bền vững. Các cơ quan tư vấn và giới thiệu việc làm phải tích cực hỗ trợ người lao động nghỉ việc tìm ra ngay việc làm mới phù hợp. Trong trường hợp người lao động được nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp khả quan và muốn sử dụng tiền đó như vốn khởi nghiệp trong lĩnh vực khác, thì các cơ quan, tổ chức có chức năng liên quan phải tích cực tư vấn và hỗ trợ kịp thời để người lao động có được phương án làm ăn khả thi, có hiệu quả kinh tế cao và rủi ro thấp.
Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hoặc thu hẹp thị phần vì sự tác động của các biện pháp giãn cách xã hội, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong chừng mực có thể. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể được hoãn nộp các khoản thuế, được hỗ trợ về lãi suất và được kéo dài kỳ hạn đáo nợ vay ngân hàng. Nhà nước có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa để giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, bù đắp sự thu hẹp thị phần do chính sách đóng cửa biên giới của các quốc gia nhằm ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cũng cần có biện pháp hỗ trợ đặc thù đối với các doanh nghiệp có lịch sử tốt về các phương diện – tuân thủ pháp luật; đối xử tốt với người lao động; minh bạch, sòng phẳng và tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
“Cần có biện pháp hỗ trợ đặc thù đối với các doanh nghiệp có lịch sử tốt”, – PGS TS Nguyễn Ngọc Điện. (ảnh minh họa: Internet)
Đối với toàn bộ nền kinh tế của quốc gia, Nhà nước phải có chính sách điều tiết thích hợp để nền kinh tế có thể vận hành với hiệu suất tối đa trong bối cảnh giao thương toàn cầu đang tạm thời bị đình trệ. Cần xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên được nhận hỗ trợ trong giai đoạn hiện tại để xây dựng giải pháp hỗ trợ thích hợp, có hiệu quả trong điều kiện các nguồn lực do Nhà nước nắm giữ có giới hạn. Việc xác định đối tượng ưu tiên được nhận hỗ trợ phải được thực hiện như thế nào để tạo sự động viên thiết thực đối với doanh nghiệp đồng thời bảo đảm tính công bằng của chính sách.
Cần nhấn mạnh rằng hiện khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp đến 70% tổng giá trị sản phẩm quốc nội. Sự đóng góp ấy xứng đáng được đền bù bằng sự quan tâm hỗ trợ mang tính nâng đỡ ưu tiên của Nhà nước, nhằm duy trì, bồi dưỡng nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội dài hạn và bền vững.
PGS TS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 22/6/2020)
>> CHI TIẾT NỘI DUNG