Đại học Hoa Sen – HSU

Gia đình, bạn bè tri ân GS Hoàng Ngọc Hiến

Buổi tọa đàm tối 4/7 là dịp để gia đình, bạn bè, những người em, học trò của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến tưởng nhớ chân dung của một ‘bậc trí giả lương thiện’ đã có nhiều đóng góp cho nền lý luận phê bình văn học Việt Nam.

Tối 4/7, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội diễn ra tọa đàm “Hoàng Ngọc Hiến – bậc trí giả lương thiện”, nhân dịp sinh nhật ông, đồng thời giới thiệu cuốn sách “Hoàng Ngọc Hiến – Viết…” tập hợp những bài viết, nghiên cứu, phê bình của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến lúc sinh thời.

Suốt cuộc tọa đàm, chân dung Hoàng Ngọc Hiến được tái hiện ở hai khía cạnh: Một con người can đảm trong nghiên cứu khoa học; một con người đối đãi tử tế trong cuộc sống – với nhân tài, với bạn bè – đúng như cái tên “bậc trí giả lương thiện” mà những người tổ chức buổi tọa đàm đã đặt cho ông.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm “Hoàng Ngọc Hiến – bậc trí giả lương thiện”. Ảnh: Bách Việt.

 

Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến để lại khoảng 30 tác phẩm, công trình trên 3 lĩnh vực: Lý luận phê bình, Nghiên cứu Văn hóa, Dịch thuật, trong đó có những tác phẩm: “Maiacopxki, con người – cuộc đời và thơ”; “Maiacopxki” (hài kịch); “Văn học Xô-viết đương đại”; “Văn học – học văn”… Đóng vai trò một cỗ máy khổng lồ đưa lý luận, phê bình văn học thế giới về Việt Nam trong những năm 1970 – 1980, ông cũng là người tiên phong đề xuất nhiều khái niệm vừa mang tính lý luận vừa hàm chứa sự tranh luận. Sinh thời, những vấn đề Hoàng Ngọc Hiến đưa ra thường vấp phải luồng tranh cãi gay gắt nhưng chính nó đã kích thích sự phát triển của nền lý luận phê bình, đồng thời khơi nguồn sáng tạo cho một thế hệ nhà văn cận kề và sau năm đổi mới (1986).

Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (từ trái qua). Ảnh: Bách Việt.

 

Không ít người trong cuộc tọa đàm nhớ về Hoàng Ngọc Hiến với bài viết nổi tiếng của ông: “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” được in trên báo Văn Nghệ số 23, ngày 9/6/1979. Trong bài viết, lần đầu tiên GS Hoàng Ngọc Hiến đưa ra khái niệm “nền văn học phải đạo”, hay loại tác phẩm thuộc “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Hai chữ “phải đạo” nhằm phê phán sự trì trệ, minh họa của văn chương. Hai chữ “phải đạo” đánh một đòn chí mạng vào sự bất cập của nền văn học bao cấp, nền văn học được chỉ đạo, khi mà “sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại”.

Bài viết tạo ra một sự tranh cãi gay gắt và không ít sự đả phá vào thời điểm nó được công bố. Theo Phạm Vĩnh Cư, nếu không có bài viết này, sự nghiệp công danh của GS Hoàng Ngọc Hiến có thể còn thăng tiến. Ông có thể làm đến chức này chức nọ, nhưng Hoàng Ngọc Hiến đã không chọn con đường im lặng để thăng quan tiến chức. Ông chọn con đường vì khoa học.

Nhà văn Đặng Thân ví Hoàng Ngọc Hiến như vua sư tử với tiếng gầm đầy uy lực, vang đến đâu thì xác định lãnh địa của mình đến đấy. Với trọng trách của một “vua sư tử”, Hoàng Ngọc Hiến có trực cảm, trực quan nhạy bén với mọi vấn đề mới xung quanh mình để phát tín hiệu cho đồng loại. Theo Đặng Thân, “tiếng gầm” của Hoàng Ngọc Hiến kích thích sự sáng tạo của nhiều thế hệ, tạo lãnh địa cho nhà văn thỏa sức sáng tạo, dấn thân viết. Ngoài “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, Hoàng Ngọc Hiến còn có nhiều “tiếng gầm” khác trong cuộc đời nghiên cứu của ông như “văn học dương tính”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học có đáy – không có đáy”…

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận định, những vấn đề Hoàng Ngọc Hiến đưa ra đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy trí thức Việt đương thời, thúc đẩy nền văn học phát triển tăng tốc và rộng khắp, để những “Tản mạn thời tôi sống” (Nguyễn Trọng Tạo), “Không có vua” (Nguyễn Huy Thiệp), “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh),… và nhiều tác giả, tác phẩm khác xuất hiện, đóng góp cho nền văn học đổi mới Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh và vợ giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Ảnh: Pham Mi Ly.

 

Nửa sau của chặng đường khoa học, Hoàng Ngọc Hiến nghiên cứu về “minh triết” và là Chủ tịch hội đồng khoa học của Trung tâm Minh triết Việt, nghiên cứu về những giá trị sống đích thực của con người. Đặng Thân nhận định, Hoàng Ngọc Hiến làm lý luận, nhưng ông không phải là người quá hàn lâm, và đến cuối đời thì theo đuổi chân lý, theo đuổi sự thật. Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi đó là một cuộc “lật cánh” đầy can đảm trong khoa học của GS Hoàng Ngọc Hiến, người đã đi đến nước Mỹ để nhận ra chân lý của sự “cổ điển một cách tự nhiên”, và cuối cùng trở về với minh triết phương Đông.

Nhớ về Hoàng Ngọc Hiến, những anh em, bạn bè, học trò không thể không nhắc tới tư cách con người ông. GS Nguyễn Khắc Mai, người cùng với Hoàng Ngọc Hiến xây dựng Trung tâm Minh triết Việt cho biết, hai chữ “tử tế” là trăn trở một đời của vị giáo sư khi còn sống. Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, Lại Nguyên Ân, nhà thơ Trọng Tạo… đều tri ân Hoàng Ngọc Hiến như một người anh đã hết lòng trong việc đối đãi với nhân tài. Nguyễn Trọng Tạo nhớ, Hoàng Ngọc Hiến không cho mình gọi bằng thầy vì muốn tạo sự bình đẳng. TS Trần Thu Dung từ bên Pháp về kể câu chuyện về sự giản dị và tôn trọng người trẻ tuổi của Hoàng Ngọc Hiến, khi ông đích thân đi xe ôm hay đi bộ tới gặp nghiên cứu sinh. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – một trong những học trò ưu tú của GS Hoàng Ngọc Hiến – không nói nhiều mà chỉ đọc bài phú do ông tự sáng tác tưởng nhớ người thầy.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.

 

Tất cả tình cảm dành cho GS Hoàng Ngọc Hiến được các học trò của ông chia sẻ trong buổi tọa đàm. Tóm tắt toàn bộ chân dung Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi vị giáo sư là một “hiện thân đẹp đẽ của nền lý luận phê bình”. Theo Hữu Thỉnh, không ít lần, Hoàng Ngọc Hiến một mình “leo dây” trên dặm trường khoa học, và ra đi thanh thản vào cuối đời. Nhà văn Văn Chinh nói về chữ “Giáo sư” mà mọi người thường tôn kính khi nhắc tới Hoàng Ngọc Hiến, rằng “Giáo sư” – ấy là “người học trò học cả đời, đến 80 tuổi thì mộ đạo”. Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy kết lại buổi tọa đàm cho biết, con người Hoàng Ngọc Hiến vốn chứa nhiều nghịch lý (khẩu khí độc thoại/ vấn đề đối thoại, trí thức hàn lâm/ trí thức bình dân, khoa học/ minh triết…), nhưng chính những nghịch lý đó làm nên cuộc đời và sự nghiệp của ông.

GS Hoàng Ngọc Hiến (21/7/1930 – 24/1/2011) là một trí thức lớn của Việt Nam đương đại. Ông được biết đến với tư cách là một nhà lý luận phê bình, nhà nghiên cứu văn hóa và là một dịch giả nổi tiếng. Ông từng làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Mátxcơva, Liên Xô (cũ) vào năm 1959. Sau khi về nước, ông lần lượt giảng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa. Ông cũng chính là người đã sáng lập và đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du trong nhiều năm. Học trò của ông là những nhà văn, nhà thơ đã thành danh như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo…

Theo Hà An

(Nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2012/07/10966-gia-dinh-…)

Facebook Youtube Tiktok Zalo