Đại học Hoa Sen – HSU

Forbes VN: TS. Bùi Trân Phượng là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam

Năm nay, lần đầu tiên tạp chí Forbes Việt Nam giới thiệu tới độc giả Việt Nam bảng danh sách 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Danh sách này không chỉ bao gồm những người làm kinh doanh mà cả những người hoạt động trong lĩnh vực chính trị, nghiên cứu khoa học, xã hội, giáo dục.

Ảnh: Theo Forbes Việt Nam

Phương thức đánh giá của Forbes dựa trên các tiêu chí: Ảnh hưởng tài chính, mật độ xuất hiện trên truyền thông, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực.

Thật đáng tự hào khi TS.Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen được vinh danh trong danh sách này. Theo đánh giá của Forbes Việt Nam, TS. Bùi Trân Phượng đã có những đóng góp hiệu quả góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam.

Cụ thể, tiểu sử của TS.Bùi Trân Phượng cùng những mốc son trong sự nghiệp của cô đã được Forbes ghi nhận như sau:

“Với mục tiêu lâu dài xây dựng ĐH Hoa Sen thành đại học phi lợi nhuận, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đưa Đại học Hoa Sen từ trường cao đẳng bán công trở thành một trong những trường đại học đào tạo có chất lượng. Năm 2015, tỉ lệ sinh viên mới tốt nghiệp (có việc làm ngay) của trường (niên khóa 2011 – 2015) là 81%”.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng du học Pháp từ năm 1968, tốt nghiệp cử nhân giáo khoa lịch sử đại học Paris năm 1972, thạc sĩ lịch sử tại Đại học Paris VII năm 1994 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ lịch sử tại đại học Lyon 2, Pháp năm 2008.

Forbes Vietnam bình chọn_TS Bùi Trân Phượng_Đại học Hoa Sen

TS. Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, nằm trong top 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.

Tốt nghiệp Đại học, TS. Phượng về nước dạy học tại trường Marie Curie và là giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Cần Thơ. Từ 1975 đến 1991, cô công tác tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM với các chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn lịch sử Việt Nam, phó chủ nhiệm khoa Sử. Năm 1991, cô chuyển công tác về trường cao đẳng bán công Hoa Sen, rồi đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen từ năm 2007 đến nay.

Đại học Hoa Sen hiện đang hình thành một đội ngũ trí thức được đào tạo chính quy từ nhiều nước khác nhau (100% giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đều tốt nghiệp từ các đại học quốc tế).

Ngoài việc là nhà quản lý giáo dục, TS. Bùi Trân Phượng còn là nhà nghiên cứu khoa học. Từ năm 1975 đến 1992, các công trình nghiên cứu của cô tập trung vào lịch sử cận – hiện đại Việt Nam và lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Đề tài luận án tiến sĩ của cô là: “Việt Nam 1920 -1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới”.

Cô được tổng thống Pháp trao tặng huân chương Quốc công bậc Hiệp sĩ năm 2012 và huân chương Bắc đẩu bội tinh bậc hiệp sĩ năm 2014 vì những đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Cô nhận giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của quỹ văn hóa Phan Châu trinh năm 2013 vì đóng góp có hiệu quả trong nhiều năm qua góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam.”

Có thể nói, ảnh hưởng nhất hay quyền lực nhất không phải là thứ mà đa số phụ nữ khao khát, và thường hai chữ “quyền lực” hiếm khi được nhắc đến khi người ta nhắc tới phụ nữ. Nhưng phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình phát triển của đất nước cùng với sự thay đổi và tiến bộ xã hội. Nhiều phụ nữ tỏ rõ vai trò xuất sắc của họ trong lĩnh vực mà họ hoạt động, trở thành những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng. Nhiều phụ nữ có vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng sâu rộng ngay cả khi họ không ngồi trong những vị trí quyền lực. Danh sách lần đầu tiên do Forbes Việt Nam thực hiện nhằm ghi nhận ảnh hưởng của những phụ nữ này. Bên cạnh TS Bùi Trân Phượng, nhiều nữ chính trị gia, doanh nhân khác cũng được vinh danh như: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk; bà Tôn Nữ Thị Ninh – chủ tịch quỹ Hòa bình & Phát triển Việt Nam tại TPHCM…

Phương pháp đánh giá, xếp hạng danh sách phụ nữ ảnh hưởng Việt Nam của Forbes Việt Nam dựa trên các tiêu chí: ảnh hưởng tài chính, độ xuất hiện trên truyền thông, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực.

  • Về ảnh hưởng tài chính của mỗi cá nhân, với những người hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, Forbes xem xét doanh số và lợi nhuận của công ty hoặc cá nhân họ thu về trong năm 2015. Với các tổ chức phi chính phủ là số tiền mà họ sử dụng, giải ngân qua các dự án. Với chính trị gia quốc tế, Forbes tính toán bằng giá trị GDP quốc gia. (Với các chính trị gia trong nước, Forbes đánh giá dựa trên tầm ảnh hưởng của vị trí lãnh đạo họ đảm nhận và những thành tích của họ.)
  • Về tiêu chí truyền thông, Forbes tính toán tần suất được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông của các cá nhân, kể cả báo in, báo hình và báo điện tử; và cộng thêm mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo, Youtube) trong vòng 12 tháng qua. Tại Việt Nam, Forbes có tính toán tới ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.
  • Về tầm ảnh hưởng: quyền lực của mỗi ứng viên được đánh giá bằng tầm ảnh hưởng của họ cả trong và ngoài lĩnh vực mà họ hoạt động.

(Theo Forbes Việt Nam – Tháng 3/2016)

 

​(Nguyên Minh – Bảo Trân tổng hợp) 

Tham khảo thêm:

Facebook Youtube Tiktok Zalo