Face và chuyện liêm chính trong học thuật
CLB FACE ra đời vào năm 2010 tại Trường ĐH Hoa Sen, với tôn chỉ: Góp phần “tái tạo niềm tin” vào một nền giáo dục không tiêu cực, không tham nhũng. FACE cam kết thực hiện những biện pháp cụ thể để phát huy giá trị trung thực và liêm chính, văn hóa giải trình và tính minh bạch trong môi trường giáo dục.
Từ lúc đi vào hoạt động đến nay, CLB FACE đã phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành nhiều cuộc hội thảo, những biện pháp cụ thể để phát huy giá trị trung thực và liêm chính, văn hóa giải trình và tính minh bạch trong môi trường giáo dục.
Những ngày đầu hoạt động, CLB FACE không được hưởng ứng, đồng tình. Nhiều buổi tọa đàm do FACE tổ chức, dù đã tuyên truyền rộng rãi nhưng chỉ lưa thưa vài sinh viên tham gia. Thành viên CLB rất khó khăn khi đi phỏng vấn, thu thập ý kiến, quay clip phản ánh quan điểm của mọi người vì… không ai chịu hợp tác, trả lời. Thậm chí, nhiều bạn tham gia FACE còn bị chính bạn bè trong lớp tẩy chay, cô lập. “Tụi mình từng bị xem như… người ngoài hành tinh vậy! Hoặc có bạn nói sau lưng tụi mình: “Không biết quay cóp thì không phải sinh viên. Ai thích “trong sạch” thì tự chơi tự học, tự cách ly nha!”, một thành viên CLB tâm sự.
TS Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, Chủ nhiệm CLB FACE, cho biết, trong lĩnh vực giáo dục và học thuật ở nước ta hiện nay, liêm chính cần phải được bảo vệ, cổ vũ, nhân rộng, để đẩy lùi những tiêu cực mà vốn đã trở nên rất đáng báo động so với những thông lệ và chuẩn mực của thế giới. Do vậy, mọi hoạt động liên quan đến liêm chính học thuật ở Trường ĐH Hoa Sen đều nhằm mục đích tái tạo lại một diện mạo giáo dục đúng nghĩa, trong đó chất lượng thật của việc dạy, học và nghiên cứu phải được tôn trọng và thực thi. Không thể để nạn sao chép, mua bằng, bán điểm cứ tiếp tục tràn lan mà chúng ta lại mong muốn hội nhập giáo dục hay xây dựng những trường đại học đáng tin cậy. Từng bước với nhiều hình thức tuyên truyền, nhận thức của SV trường đối với liêm chính học thuật ngày càng được nâng cao.
SV ĐH Hoa Sen ký tên cam kết không đạo văn trên “Cây học thật”
Tháng 7/2014, cuộc thi “Im lặng hay lên tiếng” do CLB FACE tổ chức, thu hút đông đảo sinh viên tham gia với hơn 100 tác phẩm dự thi, trong đó có 27 clip và 88 poster – vượt xa dự kiến ban đầu của BTC. Đây thực sự là bất ngờ lớn dành cho các thành viên tâm huyết của CLB.
Bất ngờ hơn nữa, các tác phẩm dự thi đều thể hiện quyết tâm không thỏa hiệp của người trẻ trước những vấn nạn giáo dục nhức nhối. Clip giành giải nhất truyền tải một thông điệp ý nghĩa khi kể lại câu chuyện cô bạn gái xinh đẹp, đáng yêu “tiếp cận” anh chàng mọt sách để chép bài. Chàng trai dẫu rất yêu mến cô nàng, nhưng nhận được lời đề nghị chép bài, đã thẳng thừng từ chối: “Tình yêu không có chỗ ở đây!”. “Điều đáng mừng nhất, chúng tôi cảm nhận được là suy nghĩ, nhìn nhận của các bạn sinh viên đã dần thay đổi. Họ không coi tiêu cực, tham nhũng giáo dục là chuyện xa xôi tận đẩu đâu nữa. Họ biết đó là vấn đề của mình, và cần có hành động cụ thể, lên tiếng phê phán thay vì im lặng” – TS Phạm Quốc Lộc chia sẻ.
Theo TS Phạm Quốc Lộc, yêu cầu trung thực trong dạy, học đã là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Trường ĐH Hoa Sen từ ngày thành lập trường, đến nay đã gần một phần tư thế kỷ. Những biện pháp bảo vệ liêm chính học thuật của nhà trường đã luôn hiển hiện suốt quá trình hoạt động của trường kể cả từ khi chưa là đại học. Riêng chuỗi hoạt động dưới hình thức như CLB FACE đề ra đã manh nha và được xây dựng từ trước khi nhà trường đưa ra chủ đề xuyên suốt 3 năm học “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu”.
Qua hơn hai năm thực hiện, thì chủ đề này của nhà trường cũng có những kết quả nhất định, đo lường được, cũng như những kết quả có thể được nhìn nhận bằng đánh giá cảm quan. Với “học đàng hoàng” thì nhà trường đã xây dựng được chính sách liêm chính học thuật và đưa vào đời sống học thuật của nhà trường. Sinh viên, giảng viên đều đang áp dụng chính sách này. Những hoạt động kiểm tra, thi cử cũng được thực hiện nghiêm túc. Nhưng đấy cũng chỉ là phần “kỷ luật”, và “học đàng hoàng” không thể chỉ là thực hiện đúng quy định và không bị kỷ luật.
Một phần quan trọng là phương pháp giảng dạy và học tập. Hiện nhà trường đã hình thành những đề án cải tiến chất lượng dạy và học, trong đó việc học không thể là “nghe, chép và thi”. Dạy và học đòi hỏi những sáng tạo về phương pháp giảng dạy và đánh giá, những quan niệm mới về thế nào là học. Nhà trường có chuỗi hội thảo về dạy và học ở cấp khoa cũng như cấp trường, để giảng viên trao đổi những cải tiến trong hoạt động giảng dạy của mình và cùng nhau thực thi những triết lý mới trong giảng dạy như lấy người học làm trung tâm, học chủ động, đánh giá thực tiễn… Ngay cả trong việc thiết kế chương trình đào tạo, nhà trường cũng đã tạo không gian cho sự sáng tạo và chủ động này. Sinh viên giờ không phải chỉ học trong lớp mà còn học ở cộng đồng, học ở doanh nghiệp, học lẫn nhau. Ngoài ra, nhà trường cũng đã và tiếp tục nghiên cứu để thực thi tinh thần giáo dục khai phóng thông qua việc phát triển những kỹ năng tổng quát cho sinh viên như tư duy phản biện và phân tích, kỹ năng giao tiếp, nhạy bén về văn hóa, kỹ năng đọc và xử lý thông tin, trách nhiệm xã hội, v.v.
Liên quan đến “sống tử tế”, nhà trường cũng đã có nhiều đề án, như đề án Hạt giống hạnh phúc, kêu gọi lòng nhân ái; những đề án của Trung tâm học tập phục vụ cộng đồng (Center for Service Learning) đưa sinh viên đến các cộng đồng khó khăn cần được hỗ trợ. Bản thân giảng viên và nhân viên nhà trường cũng đã có nhiều sáng kiến để quan hệ giữa người luôn được tử tế hơn. Gần đây nhất, một giảng viên đã có sáng kiến gọi là “toilet paper origami” nhằm kêu gọi mỗi người có những hành động dù rất nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm đến môi trường, đến vệ sinh, và nhất là thể hiện sự tôn trọng đối với người sử dụng nhà vệ sinh sau mình.
Song song với kêu gọi xây dựng một nền giáo dục sạch, nhà trường đã đưa vào sử dụng phần mềm chống đạo văn mang tên Turnitin gần hai năm nay và tôi cũng đã ban hành quy trình sử dụng, bao gồm các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh tính giáo dục của phần mềm, chứ không phải chỉ là một công cụ cung cấp minh chứng để xử phạt. Các khoa cũng đã đề xuất các môn học bắt buộc phải sử dụng Turnitin, các định mức, các tùy chọn cài đặt, cũng như quy trình xử lý. Hiện nay, giảng viên và sinh viên đã khá thành thạo phần mềm.
Với những nỗ lực không mệt mỏi từ các thành viên, hoạt động liêm chính học thuật của CLB FACE ngày càng tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nhà trường.
Liêm chính là điều kiện thiết yếu của giáo dục, bất kể bậc học, ngành học, bất kể công tư, lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Đó là sự thật phổ quát trên thế giới. Không liêm chính, giáo dục đơn giản không còn là giáo dục. Chúng tôi đã bước đầu tập hợp được gần 20 trường đại học, cao đẳng, không phân biệt công, tư, lợi nhuận hay không vì lợi nhuận quan tâm và nỗ lực thực hiện liêm chính học thuật. Đường đi còn dài và gian nan, nhưng chúng tôi tin là có thể. TS Bùi Trân Phượng |
Theo Công Chương
(Nguồn: Tạp chí Giáo dục thời đại, tháng 08/2015)