Tọa đàm: Bạn là nô lệ hay là chiến binh văn hóa
Bạn đã từng “sốc văn hóa” khi đi du lịch, hoặc khi du học, hoặc khi làm việc trong công ty nước ngoài chưa?
Bạn đã từng cảm thấy bản thân khó thích nghi trong một môi trường mới, dù đó chỉ là một không gian mới, một vị trí mới rất gần, như: trường học mới, bạn bè mới, nơi sống mới, hàng xóm mới, công ty mới…
Bạn đã bao giờ cảm thấy bản thân có thể làm tốt hơn nữa, thể hiện tuyệt vời hơn nữa, nhưng thế giới xung quanh lại chưa từng trao cho bạn một cơ hội vì cảm thấy bạn quá khác biệt. Họ khiến bạn cảm thấy đơn độc, một chút tổn thương và nhiều áp lực.
Bạn đã bao giờ cảm thấy cả một tập thể quay lưng với mình vì bạn nhận quá nhiều trách nhiệm, hoặc họ luôn để lại công việc cho bạn thể hiện và chẳng tham gia gì, giữa bạn và các thành viên có vài khác biệt nào đó chưa thể dung hòa được.
“Sốc văn hóa” đôi khi ta tưởng chừng như nó chỉ diễn ra đối với những ai phải rời xa để đến một đất nước hoàn toàn khác. Vậy nhưng, “sốc văn hóa” lại tồn tại hiện hữu ngay trên đất nước này, ngay trong một tổ chức, ngay trong một nhóm làm việc, bởi những khác biệt về văn hóa vùng miền, khác biệt văn hóa truyền thống gia đình, khác biệt về kinh tế, đời sống …
Hiểu những điều đó, Trung tâm Thông tin Thư viện hợp tác cùng Friend English Center (FEC) tổ chức tọa đàm “Bạn là nô lệ hay là chiến binh văn hóa” với sự dẫn dắt của PGS. TS Nguyễn Phương Mai, đến từ Amsterdam University of Applied Sciences (Hà Lan).
Sau khi tham dự tọa đàm, bạn sẽ:
- Biểu cách sử dụng các lý thuyết khoa học về não bộ để ”khám phá” cách mỗi cá nhân tiếp thu, xử lý thông tin từ bên ngoài và kiến tạo nên những suy nghĩ và hành vi của chính họ và của chính bản thân mình.
- Hiểu và biết cách phát huy ”nội lực” của chính mình: Dùng bản sắc văn hóa riêng biệt làm vũ khí để gìn giữ, phát triển và tạo ra giá trị nổi bật cho bản thân;
- Hiểu rõ bản thân mình là ai, định vị được năng lực và giá trị bản thân có thể đóng góp gì trong tập thể, trong cộng đồng. Từ đó, tự hoạch định lại những chiến lược phát triển cá nhân và biến nó thành ”vũ khí” thành công trong mọi mục tiêu cần đạt đến.
Nội dung tọa đàm bao gồm 7 hoạt động (phiên):
- Phiên 1 (15 phút): Giới thiệu tuyển tập tài liệu chủ đề “quản trị đa văn hóa”
- Phiên 2 (10 phút): Làm việc cá nhân với case study xoay quanh các định nghĩa về văn hóa
- Phiên 3 (10 phút): Thảo luận về những định nghĩa và chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của cá nhân về các case study trong phiên 2
- Phiên 4 (30 phút): Văn hóa dưới góc nhìn khoa học về não bộ
- Nghỉ giải lao 15 phút
- Phiên 5 (30 phút): Bạn là nô lệ hay chiến binh văn hóa?
- Phiên 6: Thảo luận mở
- Phiên 7 (10 phút): Kết thúc tọa đàm