Buổi trải nghiệm “Virus Lòng Tốt”
Trên nền tảng cuộc khảo sát nhỏ diễn ra đầu tháng 05/2015 trong giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường Hoa Sen về “Đâu là những rào cản khiến bạn không thực hiện hành vi nhân ái thường xuyên?”, Dự án Hạt Giống Hạnh Phúc đã thu về một số phản hồi đại diện như sau:
- Do mất niềm tin vào lòng tốt/Cảm thấy làm điều tốt như muối bỏ bể.
- Do bận/Không thấy lý do để giúp người khác.
- Sợ bị lừa/Sợ dính rắc rối.
- Không có khả năng giúp.
Từ những mối băn khoăn thực tế trên, chúng tôi đã thiết kế một sự kiện kết hợp giữa hội thảo khoa học và thực thành tại chỗ để nâng cao lòng nhân ái cho người tham gia với tên gọi Buổi trải nghiệm “Virus Lòng Tốt” (The Kindness Virus) , để phần nào giải đáp những mối băn khoăn trên bằng những nghiên cứu khoa học về lòng nhân ái.
Nội dung chương trình:
- The What, Why, and How of Compassion (Lòng nhân ái: Bản chất, Lợi ích, và Phương pháp) – ThS. Trần Thu Hà.
- Thiền và lòng nhân ái – Khách mời: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
- Phương pháp “3 điều tích cực” và “Lắng nghe chủ động” – ThS.Nguyễn Hoàng Chiêu Anh.
- Hoạt động hỗ trợ sau sự kiện để giúp người tham dự duy trì hành vi nhân ái thường xuyên hơn.
Đôi nét về khách mời – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc:
“Nếu bạn có thời gian lọ mọ ở bất cứ hiệu sách nào, bạn sẽ thấy có cả một khu vực riêng dành cho sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Là một chuyên gia về y tế, nhưng lại có tinh thần của một triết gia, ông đã viết hàng loạt cuốn sách dành cho từ bé sơ sinh, tuổi mới lớn, bà mẹ trẻ, cho đến người già. Điểm một vài cuốn sách là: Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn, Viết cho tuổi mới lớn, Già ơi… Chào bạn!, Nghĩ từ trái tim, và đặc biệt là cuốn Thiền và Sức khỏe.
Ông đã tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997). Từ năm 1995 – 2014, ông là trưởng Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục Sức khỏe Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và hiện là Cố vấn Bộ môn Y Đức – Khoa học hành vi của trường.”