Đại học Hoa Sen

Buổi diễn thuyết về danh nhân Đạm Phương nữ sử và Phan Thị Bạch Vân

Lúc 9h00, thứ Tư, ngày 30/11/2016
Phòng NZ903, trường Đại học Hoa Sen, sô 08 Nguyễn Văn Tráng, Q.1

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập trường Đại học Hoa Sen, Ban Giám hiệu nhà trường trân trọng kính mời quý đồng nghiệp, thân hữu và sinh viên tham dự buổi thuyết trình về hai danh nhân Đạm Phương nữ sử và Phan Thị Bạch Vân, với hai chủ đề như sau:

  • “Hoạt động văn hóa và tranh đấu cho nữ quyền của Phan Thị Bạch Vân” do PGS. TS. Võ Văn Nhơn trình bày.
  • “Từ Công nữ Đồng Canh đến Đạm Phương nữ sử: dấn thân trên con đường đấu tranh cho nữ quyền bằng báo chí đầu thế kỷ XX” do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc trình bày.

Nội dung chủ đề 1: Hoạt động văn hóa và tranh đấu cho nữ quyền của Phan Thị Bạch Vân

Phan Thị Bạch Vân, nhà văn, nhà báo, sinh năm 1903 tại Biên Hòa, mất năm 1980 tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1928 bà sáng lập Nữ lưu thơ quán ở Gò Công, tập hợp được nhiều tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị. Thư quán cũng góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, phụ nữ. Sách của thư quán từng là sách gối đầu giường của thanh niên thời đó. Nhiều đầu sách của Nữ lưu thơ quán đã bị cấm lưu hành, thư quán bị đóng của và năm 1930 Phan Thị Bạch Vân bị thực dân Pháp giải ra tòa.

Phan Thị Bạch Vân là một cây bút rất đa dạng. Bà dịch thuật, viết xã thuyết, thơ, đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết… Vào đầu thế kỷ XX, lúc bình quyền nam nữ còn là một vấn đề mới mẻ, Phan Thị Bạch Vân đã tranh đấu cho nữ quyền bằng hành động và sáng tác của mình. Đây là một trong những hiện tượng phụ nữ làm văn hóa độc đáo vào bậc nhất của Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Đôi nét về diễn giả- PGS.TS Võ Văn Nhơn

PGS TS Vo Van Nhon

PGS.TS. Võ Văn Nhơn sinh năm 1956 tại Hóc Môn – Gia Định, Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam của khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. HCM.

Một vài công trình xuất bản gần đây của ông: Văn học quốc ngữ trước 1945 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP. HCM – Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007; Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (tập 2): Phụ nữ Việt Nam thời Pháp thuộc (1862-1945) (đồng tác giả), Nxb Phụ nữ, 2012; Văn chương phương Nam – Một vài bổ khuyết (viết chung với Nguyễn Thị Phương Thúy), Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2016.

 

Nội dung chủ đề 2: Từ Công nữ Đồng Canh đến Đạm Phương nữ sử: dấn thân trên con đường đấu tranh cho nữ quyền bằng báo chí đầu thế kỷ XX

Công nữ Đồng Canh sinh ra ở thời điểm sự phân hóa của triều đình và hoàng tộc nhà Nguyễn ở đỉnh điểm và thực dân Pháp đã áp đặt được nền thống trị lên dân tộc ta. Chính sự bế tắc của con đường cứu nước theo ngọn cờ quân chủ đã khai sinh con đường cứu nước theo tư tưởng dân chủ, dân quyền. Được hấp thụ nền giáo dục Hán học từ nhỏ nhưng bà sớm thức tỉnh, tiếp thu trào lưu tư tưởng mới của thời kỳ Duy Tân. Ràng buộc bởi bổn phận làm vợ và làm mẹ, bà đã khéo chọn cho mình con đường canh tân đất nước, dùng sự nghiệp báo chí để đấu tranh cho dân quyền trong đó có nữ quyền.
 
Cây bút Đạm Phương nữ sử là một cây bút mạnh mẽ đầy sinh lực trên các trang báo toàn quốc, từ Nam Phong đến Lục Tỉnh Tân Văn, Hữu Thanh, Trung Bắc Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn. Từ năm 1918 đến tháng 3/1930, bà đã viết gần 120 bài báo với những chuyên mục do bà đảm nhiệm như “Lời đàn bà” (Trung Bắc Tân Văn). Bà còn là người tiên phong trong nghiên cứu tuồng, lập hội Nữ công học hội (1926).

Đôi nét về diễn giả – Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc

Nha nghien cuu Tran Viet Ngac

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sinh năm 1939 tại Huế.

Ông giảng dạy và nghiên cúu Lịch sử Việt Nam cận đại tại Đại học Sư phạm Huế (1967-1982), Đại học Sư phạm Tp.HCM (1982 -2008) và thỉnh giảng ở các Đại học Hùng Vương, Đại học Lạc Hồng về Văn hóa Việt Nam… Nghiên cúu chuyên sâu về Phong trào Cần Vương,về Duy Tân hội, Phong trào Duy Tân… và các nhà cách mạng đầu thế kỷ: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…

image image image