Đại học Hoa Sen

HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT PHÒNG CHỐNG MA TÚY

Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa sử dụng ma túy, nghiện ma túy; giáo dục, tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy; áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma túy…là các giải pháp sẽ được tập trung đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma tuý trong thời gian tới.

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng ngừa nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo tại nhiều văn bản như: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025…

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chú trọng đến công tác tuyên truyền phòng ngừa nghiện ma tuý trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành; tổ chức tuyên truyền phòng ngừa cho người dân trong cộng đồng, học sinh, sinh viên, người có nguy cơ cao… với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội  đã tổ chức tập huấn, hội thảo, đưa phóng viên đi thực tế tại cơ sở nhằm giúp các cơ quan báo chí và phóng viên nắm rõ bản chất của vấn đề cai nghiện ma tuý, từ đó có sự phản ánh chân thực, khách quan về các vấn đề liên quan đến cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện, tại gia đình và cộng đồng. Công tác tuyên truyền phòng, chống nâng cao nhận thức về nghiện ma tuý và sử dụng trái phép chất ma tuý đã được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội quan tâm, chú trọng, trực tiếp thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức và chỉ đạo Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.

Đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, thực hiện tuyên truyền thông qua các hình thức như phóng sự, tọa đàm, ký sự, thông điệp, phổ biến kiến thức… với nội dung phong phú. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã có chuyển biến về nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực trong công tác này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hình thức tuyên truyền vẫn chưa phong phú, đa dạng; chưa hướng đến đối tượng đích là người nghiện và người sử dụng ma tuý; việc phối hợp tổ chức cung cấp thông tin thường kỳ hoặc chuyên đề cho phóng viên các cơ quan truyền thông đôi khi chưa tạo thành nền nếp, chưa kịp thời về kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và dự báo tình hình, định hướng mới; kết quả triển khai thực hiện mô hình, điển hình cũng như những vướng mắc, khó khăn hạn chế ở địa phương, cơ sở; năng lực chuyên môn của người làm công tác tuyên truyền phòng ngừa, cai nghiện chưa đáp ứng được yêu cầu…

Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma tuý nói chung và phòng chống nghiện ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý nói riêng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ tập trung vào thực hiện Tiểu dự án “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” theo Quyết định số 1393/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong đó, tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa nghiện ma túy (cả tiếng dân tộc thiểu số) gồm các nội dung như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy và cách phòng ngừa sử dụng ma túy; sàng lọc, đánh giá việc sử dụng trái phép chất ma túy; tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép ma túy.

Đồng thời, xây dựng mô hình khung về phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam (tại trường học, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng), gồm các nội dung: tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, các điều kiện bảo đảm hoạt động và các nội dung liên quan khác.

Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức tuyên truyền, nội dung thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Tuyên truyền, phổ biến trên không gian mạng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật phòng ngừa nghiện ma túy, ma túy, tác hại của ma túy tại trường học, nơi làm việc, cộng đồng theo nhiều hình thức phong phú, mới mẻ về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên; các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên. Giáo dục, tư vấn về phòng ngừa nghiện ma túy đối với người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy; đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho người thực hiện công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma tuý

Áp dụng thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma tuý tại địa phương với các nội dung chính: tiếp cận người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao với ma túy, tuyên truyền, vận động họ tham gia mô hình phòng ngừa nghiện ma túy; đánh giá, sàng lọc mức độ nguy cơ đối với chất ma túy và tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy.

Thực hiện thông qua các buổi đánh giá, sàng lọc riêng biệt hoặc kết hợp với các chương trình sức khỏe khác như khám sức khỏe định kỳ…; tư vấn cho người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao với ma túy về phòng tránh nghiện ma túy, lựa chọn các dịch vụ phòng ngừa nghiện ma túy phù hợp; kết nối để người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ cao tiếp cận được với các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện tự nguyện, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm…; tổng kết, đánh giá, tuyên truyền, nhân rộng mô hình phòng ngừa nghiện ma túy có hiệu quả.

Facebook Youtube Tiktok Zalo