Đại học Hoa Sen

HỒ CHÍ MINH – NHỮNG ĐỊA ĐIỂM GHI DẤU CHÂN NGƯỜI

Nhiều địa danh, ngôi nhà đã trở thành “địa chỉ đỏ” – di sản của các địa phương lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc.

1. Quê ngoại: Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Làng Hoàng Trù còn gọi là làng Chùa. Đây là quê hương của mẹ Bác Hồ – cụ Hoàng Thị Loan, cũng chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc – cha của Bác Hồ được ông bà ngoại của Bác Hồ nhận nuôi dưỡng, giáo dục thành tài. Cũng chính tại nơi này, cha mẹ Bác Hồ nên duyên vợ chồng và sinh ra ba người con ưu tú, trong đó có một người con kiệt xuất nhất của dân tộc, đó chính là Nguyễn Tất Thành – Bác Hồ kính yêu của chúng ta, sinh ngày 19-5-1890.

2. Quê nội: Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen dựng lên để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ cụ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư, nơi để cụ dạy các con học chữ và cũng là nơi cụ mời bà con ngồi uống nước trà xanh vào các buổi tối. Nơi đây gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ những năm 1901-1906.

3. Trường Quốc học Huế

Tháng 5-1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận chức Thừa biện Bộ Lễ. Nguyễn Tất Thành theo cha, vào Huế sống và học tập. Bác thông minh, ham học và học giỏi, là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba trong kỳ thi vượt cấp vào học trường Quốc học niên khóa 1908-1909.

Tại trường Quốc học, Bác tiếp thu văn minh phương Tây và hiểu rõ hơn bản chất thực dân Pháp. Cùng thời kỳ đó, phong trào yêu nước do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can… khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức, Bác đã tham gia làm liên lạc và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các tổ chức yêu nước, đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước của Bác để Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

4. Bến Nhà Rồng, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 5-6-1911 tại bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã lên tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) với sứ mệnh tìm đường cứu nước. Xin làm phụ bếp với tên gọi mới là Văn Ba, Bác theo con tàu đi qua nhiều nước với mong muốn duy nhất là tìm một lối đi mới cho dân tộc mình. Và Bác đã tìm được con đường cách mạng đúng đắn, làm nên những thắng lợi vang dội, chấn động địa cầu, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, mở ra những trang sử huy hoàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

5. Khu di tích lịch sử Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng

Đây là địa điểm gắn với hoạt động của Bác Hồ giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng (1941-1945). Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc (tên của Bác Hồ) cùng 5 đồng chí về nước, ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Nơi đây đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

Trong thời gian ở đây, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu, đặc biệt là bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 6-6-1941) kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do.

6. Nhà sàn Bác Hồ

Sau 4 năm ở tạm trong Nhà 54, tháng 5-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ở trong ngôi nhà sàn 2 tầng bằng gỗ, nằm trong vườn cây Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ, được thiết kế theo yêu cầu của Bác với phương châm giản tiện nhất có thể.

Ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị đã trở thành biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.

Facebook Youtube Tiktok Zalo