Đại học Hoa Sen

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA LĂNG KÍNH ĐIỆN ẢNH

Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2023); 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2024). Đoàn trường Đại học Hoa Sen xin được giới thiệu những bộ phim điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh

1.NHÀ TIÊN TRI – 2015

Hình ảnh trong phim Nhà Tiên Tri – 2015

Bộ phim “Nhà tiên tri” (đạo diễn chính Vương Đức, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đặt hàng và đầu tư ngân sách vào sản xuất năm 2012 và Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện năm 2014. Phim lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1947-1950 tại Việt Bắc- nơi Bác Hồ đã tiên đoán về chiến thắng của quân và dân ta năm 1954, từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô.

Kịch bản “Nhà tiên tri” được được chuyển thể từ hai truyện ngắn của Hồ Chí Minh viết trước năm 1954 là “Việt Bắc anh dũng” và “Giấc ngủ 10 năm”. Đây là một điểm mới, sáng tạo của nhà thơ – nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khi chấp bút, xây dựng kịch bản. Bộ phim “Nhà tiên tri” lấy bối cảnh lịch sử những năm 1947 – 1950 – thời điểm cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta đầy cam go tại chiến khu Việt Bắc trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Phim gợi liên tưởng đến tài năng, tài tiên đoán của Hồ Chí Minh thấy được những bước đi của lịch sử, về thắng lợi của cách mạng Việt Nam năm 1954.

Bộ phim  “Nhà tiên tri” đã xây dựng thành công và làm nổi bật hình tượng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tại thời điểm lịch sử quan trọng, trong đó số phận Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với số phận dân tộc và nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, giai đoạn trứng nước của chính phủ kháng chiến trước đạo quân viễn chinh Pháp đầy sức mạnh. Hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt các sự kiện và tuyến nhân vật. Phim có những cảnh quay chân thực, cảm động khiến khán giả không nén nổi xúc động khi chứng kiến cảnh Bác và các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ cùng “nếm mật nằm gai” tại chiến khu Việt Bắc; cảnh nghẹt thở khi Trung ương Chính phủ đã kịp sơ tán trước sự vây ráp của kẻ thù; cảnh tác chiến trong điều kiện thế tương quan giữa ta và địch quá chênh lệch; cảnh trao quyết định phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp; cảnh cô cấp dưỡng bị mắc lựu đạn của Pháp trên đường đi hái rau đầy xúc động…

2. THẦU CHÍN Ở XIÊM – 2015

Thầu Chín ở Xiêm" chạm tới trái tim khán giả | VTV.VN
Poster phim Thầu Chín ở Xiêm – 2015

ược xây dựng từ kịch bản cùng tên của tác giả Đinh Thiên Phúc -đoạt giải nhất tác phẩm văn học nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – phim có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử, xoay quanh những diễn biến trong cuộc đời và hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928-1929. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, khi về đến Thái-lan đã lấy bí danh là Thầu Chín.

Tại đây, trong khoảng thời gian hơn một năm, Nguyễn Ái Quốc đã cộng tác với chính quyền sở tại làm công tác xã hội, đẩy mạnh tình đoàn kết giữa nhân dân Xiêm-Việt. Người cùng các cộng sự xây dựng nhà xưởng, trường học, chùa chiền, dạy chữ quốc ngữ và những kỹ năng khác cho các đồng chí. Nhận thấy sự nguy hiểm của các hội kín tại Xiêm, mật thám Pháp tung người dò la, truy sát. Song, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã vượt qua tất cả hiểm nguy, gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Bộ phim được đầu tư công phu với nhiều cảnh quay đẹp và kỹ xảo, thực hiện tại nhiều địa điểm ở Thái-lan và Việt Nam, dọc theo những con đường mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đi.

Đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng, người từng đạo diễn Những người viết huyền thoại và Đường lên Điện Biên, cho biết, hầu hết các nhân vật trong phim đều được xây dựng theo nguyên mẫu ngoài đời, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa và vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (o Nho). Bên cạnh đó, phim cũng có thêm nhân vật hư cấu o Hoàn để tạo nét mềm mại, lãng mạn và nhân vật tên gián điệp nhằm tăng thêm kịch tính, trào phúng. Bối cảnh và các chi tiết lịch sử cũng được đoàn làm phim nghiên cứu kỹ lưỡng và tái hiện một cách sát thực nhất. Nam diễn viên trẻ Nguyễn Mạnh Trường đảm nhiệm vai Thầu Chín.

3. HẸN GẶP LẠI SÀI GÒN – 1990

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 2
Hình ảnh trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn – 1990

Có thể nói, Hẹn gặp lại Sài Gòn là bộ phim đầu tiên và cũng là thành công nhất về đề tài Hồ Chí Minh. Bộ phim của đạo diễn Vân Long được sản xuất vào năm 1990 nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh nhật Bác. Câu chuyện trong phim kể về những năm tháng Bác Hồ sống và học tập ở Huế trong giai đoạn 1895 – 1901 và 1906 – 1909 dưới cái tên Nguyễn Tất Thành. 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đầy ước mơ hoài bão, và luôn đau đáu trong lòng nỗi đau giống nòi, nỗi đau mất nước. 

Với tư tưởng “muốn nên nghiệp lớn, phải ra biển cả”, Nguyễn Tất Thành đã vào Phan Thiết dạy học rồi lên Sài Gòn với hi vọng tìm đường ra nước ngoài. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ và có cảm tình với Út Vân – một cô gái xinh đẹp, nền nã và dịu dàng. Tuy nhiên, gác lại tất cả tình cảm cá nhân, người thanh niên yêu nước đã rời bến Nhà Rồng ra đi để tìm ra con đường cứu dân tộc mình thoát khỏi kiếp sống lầm than. Trước khi đi, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với Út Vân, và cũng là với đất nước “hẹn gặp lại Sài Gòn”. 

Trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, diễn viên Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành. Có thể nói, Tiến Hợi là người có ngoại hình và phong thái giống nhất trong số những diễn viên vinh dự được hóa thân thành Bác. Bằng tất cả tình cảm kính yêu dành cho Bác, bằng sự nỗ lực, tìm tòi và học hỏi của bản thân, Tiến Hợi đã tái hiện thành công hình ảnh của chàng thanh niên yêu nước, đau đáu nỗi đau nước nhà Nguyễn Tất Thành, đem đến nhiều xúc cảm khó phai trong lòng khán giả. 

Bên cạnh đó, nhân vật Út Vân của NSƯT Thu Hà cũng góp phần làm nên thành công của Hẹn gặp lại Sài Gòn. Dù là một diễn viên miền Bắc, song Thu Hà đã vào vai một thiếu nữ Sài Thành nền nã, dịu dàng “rất ngọt”. Để rồi khi bộ phim khép lại, chúng ta còn nhớ mãi hình ảnh người con gái nhỏ bé, mong manh song cũng rất mạnh mẽ, kiên cường bên cạnh chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành.

4. HÀ NỘI MÙA ĐÔNG NĂM 46 – 1997

3 bộ phim không thể không xem về Bác Hồ 5
Hình ảnh trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 – 1995

Bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 được sản xuất năm 1997. Bộ phim đưa người xem quay trở lại Hà Nội vào năm 1946, khi đất nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này, thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong thời điểm cam go này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách vô cùng hợp lý và sáng suốt. 

Hà Nội mùa đông năm 46 đã đem đến cho người xem những thước phim đầy xúc động về Bác trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bác lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng, Bác trầm ngâm hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang: “Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?”, Bác và Trung ương, Chính phủ rời Hà Nội trở lại Việt Bắc trong đêm chúng ta nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19 tháng 12 năm 1946 với lòng quyết tâm sục sôi “nhất định sẽ trở về Hà Nội”. Mọi tình tiết trong phim đều khiến chúng ta thêm ngưỡng mộ và kính yêu Người cha già – linh hồn của dân tộc.

Trong Hà Nội mùa đông năm 46, diễn viên Tiến Hợi một lần nữa được vào vai Bác. Nếu trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, Tiến Hợi thể hiện thành công hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trung thực, trong sáng, hoài bão, thì trong Hà Nội mùa đông năm 46, anh lại lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Có thể nói, với Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh, cùng dàn diễn viên xuất sắc, đã làm nên một câu chuyện điện ảnh xúc động về Bác. Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang lớn tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế. 

Facebook Youtube Tiktok Zalo