Đại học Hoa Sen – HSU

Đường lưỡi bò trong sách Việt Nam

Cộng đồng mạng đang xôn xao về trường hợp quyển sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa “có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc”, đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm nay. Thông tin này gây bất bình trong nhiều người. Ðây là quyển sách dạy tiếng Hoa, tác giả: Ngọc Huyên, do doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành từ quý 4-2005 (giấy CNKHXB 316/1528 CXB cấp ngày 9-9-2005)

Hình ảnh trong sách đang gây phẫn nộ cho cộng đồng mạng – Ảnh: L.Điền

Sách bao gồm các bài khóa, hướng dẫn cách đọc tiếng Trung Quốc, qua đó người học làm quen với một số thông tin về đời sống học sinh, khí hậu các vùng, thói quen du lịch, các quan hệ giao tiếp, lễ kỷ niệm… của Trung Quốc. Nhưng tại trang 274, thuộc chủ điểm 2 của bài 17, phần giới thiệu các thông tin cơ bản của quốc gia Trung Quốc, sách in kèm một hình vẽ bản đồ Trung Quốc với cả đường lưỡi bò (đường chữ U đứt đoạn) thể hiện như một đường biên bao trùm các đảo.

Giới quan sát cho rằng đây là cách làm việc cẩu thả và tắc trách của người soạn sách và lãnh đạo Nhà xuất bản Thanh Niên – nơi cấp phép và chịu trách nhiệm nội dung sách này.

Xét trong bối cảnh quan hệ các bên ở biển Ðông, việc công bố bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc đang bị Việt Nam và các bên liên quan phản đối. Báo Tuổi Trẻ cũng từng dẫn lời thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định đường lưỡi bò của Trung Quốc là “vô căn cứ” (Tuổi Trẻ ngày 3-9-2009). Do vậy, việc ấn phẩm của một nhà xuất bản Việt Nam lại thể hiện hình vẽ bản đồ đường lưỡi bò trong nội dung là đi ngược lại chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. 

Và tại khoản 4, điều 10 Luật xuất bản Việt Nam năm 2004 có quy định những nội dung “xuyên tạc sự thật lịch sử” là một trong những hành vi bị cấm trong xuất bản.

(Nguồn tuoitre.vn)

Facebook Youtube Tiktok Zalo