Dư luận quốc tế phản đối “đường lưỡi bò”
Các nguồn dư luận khách quan trên thế giới đều cho rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà đặc biệt là yêu sách “đường lưỡi bò” là những đòi hỏi vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế và cũng hoàn toàn mâu thuẫn với tài liệu lịch sử chính thống của người Trung Quốc. Thế nhưng, các hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” không chỉ khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại mà còn bị cộng đồng quốc tế phê phán như là sự đe dọa tới quyền tự do hàng hải cũng như lợi ích của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đảo Sơn ca thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam
Công hàm của Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Thềm lục địa mở rộng ngày 7-5-2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện yêu sách chính thức của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường yêu sách 9 đoạn”, “đường chữ U”) và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố bản đồ đường yêu sách này với thế giới. Ngoại trừ các học giả Trung Quốc, tất cả các học giả nước ngoài đều chỉ rõ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Theo đó, vùng nước trong “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Ðông mà Trung Quốc cho là “vùng nước lịch sử” của họ là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một vùng biển lớn nhất nhì thế giới thuộc về quyền tài phán của một nước. Thậm chí, Indonesia là một nước không hề có tranh chấp Biển Đông cũng phải chính thức gửi công hàm phản đối “đường lưỡi bò”, cho rằng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “rõ ràng không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”. Cộng đồng quốc tế càng ngạc nhiên hơn với yêu sách phi lý của Trung Quốc trong khi trước đó, nước này đã cùng ASEAN ký kết và nhiều lần tái khẳng định bằng những tuyên bố long trọng “cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.
Theo TS Peter A. Dutton, Viện Nghiên cứu Hàng hải Hoa Kỳ, từ “đường lưỡi bò” yêu sách chủ quyền trên Biển Đông tham lam “lờ đi những giới hạn luật pháp được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển Quốc tế 1982 (UNCLOS)” đến những hoạt động thực tế mang tính gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết “giữ nguyên hiện trạng”, “không làm căng thẳng tình hình” trong DOC mà nước này đã ký năm 2002 với các quốc gia ASEAN. Kể từ giữa năm 2009, Trung Quốc liên tục “gây chuyện”, với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp, và lan rộng ra với cả khu vực. Trung Quốc tăng cường xây dựng đơn vị hành chính, đơn phương cấm đánh bắt cá, bắt giữ và đòi tiền chuộc với các tàu cá của các quốc gia Đông Nam Á, va chạm với tàu Hoa Kỳ, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam, tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp… là những bước leo thang có tính toán trong việc làm gia tăng căng thẳng tình hình trên Biển Đông. TS Peter Dutton nói: “UNCLOS nói rõ rằng, tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong “đường lưỡi bò”, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật pháp quốc tế”. TS Peter Dutton còn cho rằng, “đường lưỡi bò” là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về yêu sách “đường lưỡi bò” thêm một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này. Trung Quốc yêu sách “đường lưỡi bò” nhưng lại không thể biện minh “đường lưỡi bò” thể hiện điều gì. Hành động của Trung Quốc đại diện cho một làn sóng mới về sự khẳng định chủ quyền một cách áp đặt và gây hấn trên Biển Đông. Trung Quốc đang ra sức áp đặt một cơ sở pháp lý để chứng minh rằng họ “quản lý Biển Đông” và có quyền quản lý hành chính ở đó. Hành động của Trung Quốc rất nguy hiểm bởi vì họ không dựa trên sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế. Nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc từ chối làm rõ, một cách chính xác những gì mà họ đang đòi hỏi chủ quyền. Các yêu sách của Trung Quốc thường trong tình trạng mơ hồ và do đó dễ gây hiểu lầm. Trong khi đó, hành động của họ trên thực tế đang đẩy mạnh việc tăng cường kiểm soát Biển Đông càng nhiều càng tốt.
Trong khi Philippines phản đối đích danh “đường lưỡi bò” thì Công hàm của Trung Quốc lại không hề đả động chút nào đến “đường lưỡi bò” này. So sánh hai Công hàm 2009 và 2011 của Trung Quốc, các học giả lại càng thấy hai Công hàm này mâu thuẫn nhau. Trong khi Công hàm 7-5-2009 của Trung Quốc đòi hỏi “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Đông (mà họ gọi là Biển Nam Trung Hoa) và các vùng nước kế cận”, có nghĩa là theo yêu sách “đường lưỡi bò”, thì Công hàm 14-4-2011 lại lờ đi “đường lưỡi bò” mà cho rằng quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS. Các học giả cho rằng, việc hai công hàm trong vòng 2 năm đã có những mâu thuẫn cho thấy bản thân Trung Quốc còn lẫn lộn và mâu thuẫn với chính họ, không biết giải thích thế nào về “đường lưỡi bò” cho có lý. Hoặc cũng có thể coi đây là lập trường nhất quán cố tình tạo lẫn lộn, tung hỏa mù, áp dụng tùy tiện lúc theo UNCLOS, lúc theo yêu sách lịch sử theo kiểu “mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột”, một chiến thuật mập mờ thường hay được sử dụng để buộc dư luận phải “tin” vào những điều phi lý.
Trong cuộc hội đàm tại Thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ ngày 21-6-2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng cấp Nhật Bản Toshima Kitazawa cũng đã ra Tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm đối với sự ổn định tại khu vực. Nguyên do là bởi khi nhắc đến DOC, Giám đốc Ban An ninh Chính trị thuộc Ban Thư ký ASEAN TS Termsak Chalermpalanupap tiết lộ rằng, ASEAN đã ít nhất 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối. Vì thế, hầu như dư luận thế giới đều có chung lời kêu gọi rằng Trung Quốc cần tỏ rõ thiện chí hơn nữa trong việc tham gia thực hiện DOC và tôn trọng các cam kết mà họ đã ký trong UNCLOS về các vấn đề liên quan tới Biển Đông. “Trung Quốc đang gây khó khăn trong đàm phán về quy tắc ứng xử”, vị học giả đại diện cho ASEAN nói, “muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, trước hết, Trung Quốc phải thay đổi quan điểm của mình”.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain phát biểu trong một hội thảo về an ninh Biển Đông mới đây khẳng định: “Điều khiến tôi lo ngại, và tôi cho rằng nhiều người trong số các quý vị cũng vậy, là những tuyên bố đòi chủ quyền bành trướng mà Trung Quốc đang đưa ra ở Biển Đông. Lý do đưa ra cho những tuyên bố này thì không có cơ sở nào theo luật quốc tế; và những hành động ngày càng quyết liệt mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm khẳng định quyền tự tuyên bố của họ, trong đó có cả những vùng biển thuộc phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của các nước ASEAN, cũng như hàng loạt vụ việc gần đây liên quan đến Việt Nam và Philippines”.
Sự quyết đoán và các hành động gia tăng gây hấn của Trung Quốc trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông trong các năm 2009, 2010 và 2011 đã gây ra một phản ứng quốc tế dữ dội. Nó đã thúc đẩy các quốc gia ASEAN lại gần nhau hơn và cung cấp cơ hội cho Indonesia, Chủ tịch ASEAN năm 2011, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. Vấn đề này nổi bật tại Diễn đàn Khu vực ASEAN và tại buổi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng hồi năm ngoái. Trung Quốc đã dùng thủ đoạn ngoại giao và tìm cách hạn chế tổn hại bằng cách đồng ý khôi phục lại Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc đang bị “hấp hối”, để thực hiện DOC. Nhóm làm việc này vốn từ lâu đã bị tê liệt vì sự khăng khăng bất hợp tác của Trung Quốc, cho rằng tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết song phương giữa các nước liên quan. Gần đây, ASEAN càng ra sức thúc giục Trung Quốc nâng cấp DOC thành quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc hơn. Một số nhà ngoại giao trong khu vực hy vọng rằng, một thỏa thuận như thế có thể đạt được vào dịp kỷ niệm lần thứ mười của DOC, tháng 11 năm 2012. Tuy vậy còn phải chờ xem thái độ của Trung Quốc ra sao.
Trước sức ép của cộng đồng thế giới mà đặc biệt là của ASEAN, trong một hội nghị mới đây tại Bali (Indonesia), ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về một văn bản gọi là Dự thảo các biện pháp hướng dẫn hành động hợp tác trên Biển Đông, tức là Văn bản hướng dẫn thi hành DOC. Các giới chức ASEAN và Trung Quốc cho biết các biện pháp hướng dẫn này không có tính chất ràng buộc cho việc thực thi DOC mà các bên đã cam kết thực hiện từ năm 2002. Như vậy sự kiện này có nghĩa vẫn là chưa vượt qua khỏi các cam kết DOC, nói gì tới Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Một số quốc gia thành viên ASEAN cho rằng những biện pháp hướng dẫn này vẫn còn mang tính chất mơ hồ và không đầy đủ để buộc các bên cam kết phải thực thi nghiêm túc.
Một trong những chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Theo các nhà phân tích quốc tế, điều quan trọng là ASEAN và những cường quốc ủng hộ phải kiên quyết trong mục tiêu hướng tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trên cơ sở của UNCLOS. Nếu không, “kẻ mạnh sẽ làm những gì họ có thể làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải chịu”, như sử gia Hi Lạp Thucydides đã từng cảnh báo từ nhiều thế kỷ trước. Có học giả cảnh báo, nếu cộng đồng thế giới để mặc cho Trung Quốc chuyển đổi Biển Đông thành một phiên bản hiện đại của “mare nostrum” (biển của chúng ta) chắc chắn sẽ làm suy yếu một chế độ pháp lý quốc tế đang đóng góp cho trật tự toàn cầu và khi đó, yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc có thể vượt xa ra ngoài Biển Đông vươn tới tận bờ biển Mexico chẳng hạn.
Trên cơ sở diễn giải xuyên tạc luật biển quốc tế, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định luật pháp trong nước để mở rộng yêu sách của mình trên các vùng biển mà Trung Quốc nói là xác lập theo UNCLOS. Tuy nhiên, các yêu sách chủ quyền cũng như cách diễn giải xuyên tạc luật biển quốc tế của Trung Quốc không chỉ thách thức nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền của các nước trong khu vực Biển Đông mà còn đe doạ các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của các nước ngoài khu vực. Điều đó đã gây quan ngại nghiêm trọng cho cộng đồng thế giới; hơn nữa, càng làm cho tình hình Biển Đông ngày càng “nóng” lên bởi các hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm “thực thi” yêu sách chủ quyền đơn phương của họ ở Biển Đông theo bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý.
(Nguồn: daidoanket)