Đại học Hoa Sen

Trở thành Thư ký Y khoa chuyên nghiệp: Cần nhẫn nại và cẩn trọng

Đó chính là yêu cầu tất yếu mà các bạn trẻ mong muốn trở thành Thư ký Y khoa nên trang bị cho mình bên cạnh trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm”, ông Phan Hoàng Nam – Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, đã nhấn mạnh trong buổi tọa đàm “Vai trò của người Thư ký Y khoa trong cơ sở y tế ngoài công lậpdo trường Đại học Hoa Sen tổ chức vào ngày 24/4/2018 tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng. Không chỉ giữ vai trò là tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm làm việc giữa sinh viên hiện tại, cựu học viên đã tốt nghiệp ngành Thư ký Y khoa tại Đại học Hoa Sen mà đây còn là cơ hội để kết nối doanh nghiệp (các đơn vị y tế ngoài công lập) với sinh viên cũng như giúp các bạn hiểu rõ hơn về nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.

Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng và tôn vinh nghề Thư ký, nhân dịp ngày “Thư ký Thế giới” đồng thời đã đem lại nhiều thông tin trao đổi thú vị về nghề Thư ký Y khoa dành cho các bạn sinh viên đang theo học ngành này tại trường Đại học Hoa Sen. Đặc biệt, trong thời gian tới, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc sẽ hợp tác cùng Đại học Hoa Sen tiếp nhận khoảng 30 sinh viên ngành Thư ký Y khoa đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm đồng thời đơn vị này sẽ tuyển dụng những ứng viên có năng lực và phù hợp với nhu cầu của bệnh viện trong tương lai.

Hướng đi tất yếu trong việc phát triển đội ngũ nhân lực tại các đơn vị y tế

Tại Việt Nam, cụm từ “Thư ký Y khoa” xuất hiện vào khoảng năm 2002, từ mô hình kinh doanh chuyên nghiệp theo hướng quốc tế của Bệnh viện Pháp Việt. Theo đó, đội ngũ nhân sự này được xem là cánh tay phải đắc lực của các nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ và điều dưỡng, khi góp phần giảm tải các thủ tục hành chính liên quan đến tiếp nhận bệnh nhân, chăm sóc, tư vấn khách hàng, xây dựng bệnh án điện tử. Từ nhu cầu chung của ngành y tế là theo hướng số hóa, người thư ký làm việc trong môi trường y khoa dần có một chỗ đứng nhất định đồng thời tham gia vào các công việc thường nhật như: Quản lý hồ sơ bệnh nhân, tiếp nhận, hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị, chăm sóc khách hàng, chuẩn bị các loại văn bản giấy tờ cho bác sĩ, giao tiếp với các phòng ban chức năng…

Theo ông Nam, tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc nói riêng cũng như các đơn vị y tế ngoài công lập nói chung, vai trò của người Thư ký Y khoa là vô cùng quan trọng. Họ vừa đảm nhận những công việc tương tự tại các đơn vị phòng khám, bệnh viện công lập, vừa có những điểm khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung, nghề nghiệp này có những hướng phát triển riêng biệt.

ông Phan Hoàng Nam – Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ

Ông Phan Hoàng Nam – Giám đốc Hành chính Nhân sự Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ

Cụ thể, tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, người Thư ký Y khoa khi được tuyển dụng luôn được hướng theo lộ trình đào tạo theo chương trình khung rõ ràng, từ cấp độ mới ra trường, biết việc, thạo việc cho đến vị trí chuyên gia. Song song đó, mọi nhân sự Thư ký Y khoa đều được hưởng chính sách đãi ngộ tưng xứng với năng lực, công sức đóng góp cho tổ chức và được đánh giá tăng lương hằng năm, tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, chương trình “Nhân sự kế thừa” hoặc chương trình “Work – Life Balance”.

Không chỉ các đơn vị ngoài công việc xây dựng những chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng đảm nhiệm vị trí Thư ký Y khoa mà ngay cả các bệnh viện công lập cũng chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ này theo hướng chuyên nghiệp hóa. Đơn cử tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đơn vị dẫn đầu về đội ngũ Thư ký Y khoa với gần 230 nhân sự đang làm việc tại nhiều Khoa, Phòng ban chức năng khác nhau, thì nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này vẫn còn rất cao. Đó là chia sẻ của hai cựu học viên Nguyễn Ngọc Linh Ân và Phạm Thị Bích Phương, đang làm việc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Yêu nghề và yêu con người

Thử sức với nghề Thư ký Y khoa sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực Biên – phiên dịch tiếng Anh, bạn Nguyễn Ngọc Linh Ân, hiện đang làm Thư ký Hành chính tại Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng nghề này cần gắn liền với tình yêu nghề và tình yêu con người. Yêu nghề để vượt qua những thử thách của giai đoạn đầu học nghề tại các bệnh viện và phòng khám, để dễ dàng thích nghi với môi trường y tế đầy khó khăn. Bên cạnh đó, tình yêu con người sẽ giúp người Thư ký Y khoa đồng cảm và thấu hiểu với người bệnh để có thêm sự nhẫn nại trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận bệnh cũng như xử lý các tình huống phát sinh.

Bạn Nguyễn Ngọc Linh Ân – cựu sinh viên ngành Thư Ký Y Khoa

Ngoài ra, bạn Linh Ân còn chia sẻ thêm, ngay trong quá trình được nhà trường gửi đi thực tập tại các đơn vị y tế, các bạn sinh viên nên tranh thủ học cách quan sát, cách học hỏi những người đi trước đồng thời phải tự học để nâng cao kiến thức, kỹ năng, để hiểu rõ môi trường làm việc của ngành y khoa. Có như vậy, sinh viên ngành Thư ký Y khoa mới bắt kịp công việc, đồng thời tìm được những niềm vui nhất định của nghề nghiệp đặc biệt này.

Bạn Phan Thị Bích Phương – Cựu sinh viên ngành Thư Ký Y Khoa

Đồng quan điểm với bạn Linh Ân, bạn Bích Phương – cá nhân đã có hơn 10 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nhắn nhủ thêm các bạn sinh viên nên trau dồi kỹ năng giao tiếp, học hỏi khéo léo từ đồng nghiệp xung quanh, rèn luyện thật vững vàng kỹ năng bàn phím – một kỹ năng quan trọng mà người thư ký chuyên nghiệp cần có.

Các vị trí công việc mà người Thư ký Y khoa có thể đảm nhận:

  • Phòng Chăm sóc khách hàng
  • Phòng khám
  • Phòng Kế hoạch tổng hợp
  • Phòng Tài chính kế toán
  • Khoa dược
  • Khoa Điều dưỡng

Để biết thêm về lợi thế nghề nghiệp của ngành Thư ký Y khoa, vui lòng liên hệ hotline 0906 800 096 hoặc xem tại đây

Cô Đào Thị Hải, chủ nhiệm chương trình Thư ký Y Khoa của trường Đại học Hoa Sen, Ông Hoàng Nam và các sinh viên cắt bánh kem Mừng ngày Thư ký Thế giới (Thứ Tư tuần thứ tư của tháng Tư)

Danh mục liên quan

Sự kiện
Facebook Youtube Tiktok Zalo