Đại học Hoa Sen

Thành công với nghề Thư ký Y khoa

Quy tắc 3S: Công thức để thành công với nghề Thư ký Y khoa

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Pháp Việt, tại buổi Tọa đàm nghề Thư ký Y khoa do trường Đại học Hoa Sen tổ chức vào ngày 09/12/2017 thì với 3 chữ S (Style, Smile, Skill), các bạn trẻ sẽ dễ dàng thành công với nghề này và chắc chắn có được những trải nghiệm đáng nhớ trong môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế.

Buổi tọa đàm là dịp các sinh viên của khóa học Thư ký Y khoa được gặp gỡ với các diễn giả, khách mời đến từ các bệnh viện lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều vai trò khác nhau: bác sĩ, giảng viên, cấp quản lý, thư ký, trợ lý… Đây cũng là dịp những câu chuyện nghề nghiệp, những thắc mắc về mối quan hệ mật thiết giữa bác sĩ – thư ký y khoa – bệnh nhân được chia sẻ chân tình với sự dẫn dắt của TS.BS. Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Pháp Việt, ThS. Đào Thị Hải, Phụ trách Quản lý nhóm chương trình Quản trị, Trung tâm Đào tạo trường Đại học Hoa Sen cùng hai vị khách mời là cựu sinh viên ngành Thư ký Y khoa, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 1.

Thành công với nghề Thư ký Y khoa: Dễ hay khó?

Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều bạn trẻ chọn Thư ký Y khoa là hướng đi nghề nghiệp tương lai của mình. Và theo bà Nguyễn Thị Huế, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như Bệnh viện FV thì quy tắc người Thư ký Y khoa cần nhớ nằm gọn trong 3 chữ S. Đó là:

  • Style (bao gồm phong cách, ngoại hình tươm tất, gọn gàng, ngăn nắp, đem lại cảm giác thoải mái, yên tâm cho bệnh nhân khi bước chân vào môi trường đặc biệt của các bệnh viện, đơn vị y tế);
  • Smile (tức là nụ cười, nhưng nó không chỉ là quy tắc xã giao mà còn mang ý nghĩa về sự gắn kết. Người Thư ký Y khoa cần học cách mỉm cười, để người bệnh cảm thấy thân thiện, từ đó họ sẵn sàng chia sẻ về các triệu chứng bệnh lý của mình);
  • – Cuối cùng là Skill (gồm Kỹ năng làm việc mà người Thư ký Y khoa cần phải trang bị để làm việc tại các đơn vị y tế).

Bà Huế cũng lưu ý các bạn sinh viên rằng cần phải học tốt từ trên ghế nhà trường, tạo tiền đề quan trọng để thành công trong tương lai, đồng thời phải luôn luôn giữ lửa đam mê cho mình, vì đây là yếu tố quyết định cuộc đời sau này của mỗi người.

Hành trình 17 năm với những dấu ấn tiên phong 

ThS. Đào Thị Hải, một trong những “thuyền trưởng” đã mang lại dấu ấn đặc trưng của ngành Thư ký Y khoa tại ĐH Hoa Sen (trước đây là Cao đẳng Bán công Hoa Sen), khẳng định: Thư ký đã qua đào tạo bài bản là một nghề, với công nghệ đào tạo bài bản được học tập chắt lọc trực tiếp từ Viện Đào tạo xen kẽ của Pháp từ những năm 2000. Và thành công của chương trình đào tạo này được hầu hết các đơn vị y tế lớn tại TPHCM thừa nhận, cụ thể là  khóa đào tạo đầu tiên của nhà trường đã tạo một dấn ấn riêng, khẳng định vai trò của người Thư ký Y khoa, tách biệt hoàn toàn và có vị trí độc lập với nghề Điều dưỡng, Y tá. Được biết 18 học viên xuất sắc tốt nghiệp từ khóa học trên hiện có những cá nhân đang giữ những vị trí chủ chốt tại các bệnh viện lớn, chẳng hạn như Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành hiện tại của Bệnh viện FV. Ngoài ra, có rất nhiều bệnh viện và cơ sở y tế lớn ưu tiên tuyển dụng sinh viên đã qua đào tạo ngành Thư ký Y khoa từ ĐH Hoa Sen khẳng định một thương hiệu riêng của ngành học này tại nhà trường trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, theo TS.BS.Nguyễn Ngọc Minh, ngành Thư ký Y khoa cùng ngành Y đang thực hiện nhiệm vụ kinh tế y tế, đó là yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới hiện nay và là xu hướng chung của cả thế giới. Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu là phải xem bệnh nhân là trọng tâm chứ không phải người bác sĩ và tất cả bộ máy hoạt động của bệnh viện hay cơ sở y tế phải phục vụ cho bệnh nhân, đem lại sự thuận lợi nhất cho người bệnh. Người Thư ký Y khoa không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh mà còn phải phục vụ phòng khám và lớn hơn là cho bệnh viện, nói cách khác, Thư ký Y khoa là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân theo khía cạnh nhân văn. Cũng theo BS.Minh, hiện nay nhiều nơi sử dụng Điều dưỡng thay thế Thư ký Y khoa, gây ra sự chồng chéo, lãng phí nhân sự đã qua đào tạo. Vì vậy cần tách rời nghề Thư ký Y khoa và nghề Điều dưỡng, cần tuyển đúng đối tượng được bồi dưỡng, đào tạo đúng chuyên ngành, để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của người Thư ký Y khoa, cụ thể là các công việc:

  • – Tiếp nhận bệnh nhân, làm hồ sơ bệnh án điện tử một cách chính xác;
  • – Lên lịch khám đầy đủ;
  • – Giải đáp cho bệnh nhân những thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính tại bệnh viện;
  • – Lắng nghe bệnh nhân để ghi chép bệnh án chính xác;
  • – Đánh máy tất cả kết quả khám chữa bệnh;
  • – Chuyển thư từ công văn, giấy tờ;
  • – Nhắc nhở bác sĩ lịch làm việc, cuộc hẹn trong tuần;
  • – Gửi  thông tin tư vấn, phản hồi của bệnh nhân cho bác sĩ.

Các tố chất để trở thành Thư ký Y khoa:

  1. Ngoại hình dễ nhìn
  2. Giọng nói dễ nghe
  3. Ánh nhìn dễ chịu
  4. Hành vi dễ thương
  5. Thành thạo kỹ năng đánh máy, tin học văn phòng
  6. Nắm vững thuật ngữ chuyên ngành y khoa
  7. Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp
  8. Thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) là một lợi thế

Tại Đại học Hoa Sen, các khóa đào tạo “Thư ký Y khoa” được khai giảng định kỳ hằng tháng với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên nhiều kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng làm việc thực tế tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong và ngoòai nước.

thong_tin_chuong_trinh_hoc

Danh mục liên quan

Sự kiện
Facebook Youtube Tiktok Zalo