Đại học Hoa Sen

ROBOT, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐANG ĐE DOẠ TƯƠNG LAI BÁO CHÍ?

ROBOT, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐANG ĐE DOẠ TƯƠNG LAI BÁO CHÍ?

Nhiều người lo ngại một ngày nào đó, robot sẽ chiếm lĩnh các tòa soạn. Nhưng ít nhất trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo khó có thể thay thế được nhà báo bằng xương bằng thịt.

Nic Newman

Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford

Nic Newman là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford, nghiên cứu về xu hướng báo chí trong thời đại số. Ông Newman là thành viên sáng lập của trang BBC News và là tác giả chính của Báo cáo tin tức kỹ thuật số hàng năm của Viện Reuters.

ROBOT GIÚP VIỆC, CHỨ KHÔNG THAY THẾ NHÀ BÁO

Với sự xuất hiện của AI, cùng những gì nó đã, đang, và sẽ làm được trong tương lai, nhiều người lo ngại một ngày nào đó, robot sẽ thay thế phóng viên, biên tập trong tòa soạn. Nhưng theo tôi nghĩ, AI khó có thể thay thế được nhà báo bằng xương bằng thịt, ít nhất trong tương lai gần.

Suy cho cùng, trí tuệ nhân tạo được tạo ra và vận hành bởi con người. Robot có trở nên thông minh hơn hay giúp sức được nhiều hơn cũng là do con người lập trình mà ra.

Trong báo chí hiện đại, robot được sử dụng giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford) xuất bản tháng 1/2019 mà tôi là tác giả, hơn ¾ lãnh đạo tòa soạn bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc phóng viên bị quá tải, kiệt quệ, đồng thời cũng thừa nhận để có thể tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó.

Trong bối cảnh đó, AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên.

Đơn cử như việc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản tiết kiệm được cơ số thời gian rã băng ghi âm của phóng viên. Hay như việc các phần mềm có thể quét qua hàng nghìn trang văn bản, “đỡ đần” phóng viên trong công cuộc kiểm chứng thông tin.

Nói cách khác, việc triển khai AI trong tòa soạn sẽ góp phần giải phóng các phóng viên khỏi công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi nhiều công sức hơn trí tuệ. Nó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong kỷ nguyên hiện nay, mà còn tìm ra những biện pháp để theo kịp với quy mô ngày càng tăng của chính bản thân tin tức.

Quay trở lại với câu chuyện liệu có nhà báo robot hay không. Thời kỳ trước, phóng viên kinh tế AP trung bình một quý sản xuất được gần 400 bài viết về hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Hai năm sau, hệ thống AI của AP có khả năng tạo tương đương 3700 bài, tăng gần gấp 10 lần.

Xiaomingbot là robot viết tin bằng trí tuệ nhân tạo của dịch vụ tin tức Trung Quốc mang tên Toutiao. Trong 15 ngày diễn ra Olympic Rio 2016, robot này sản xuất được 450 tin, tập trung chủ yếu vào hai bộ môn cầu lông và bóng bàn. hầu hết tin này chỉ có độ dài khoảng 100 từ.

Tin được đọc nhiều nhất là trận đơn nữ cầu lông mà phần thắng thuộc về Wang Yihan, người từng giành huy chương bạc lại Olympic London. Tin này hoàn thành chỉ 2 phút sau khi kết thúc trận đấu và có 50.000 lượt đọc. Tuy vậy, Toutiao mới bị chính phủ Trung Quốc đình chỉ vì lưu truyền những thông tin không đúng sự thật.

Tất cả ví dụ trên đều cho thấy, robot có thể sản xuất được hàng loạt những bản tin với mức độ chính xác rất cao trong thời gian ngắn. Nhưng tất cả chỉ dừng ở yếu tố đơn giản, lặp đi lặp lại, dựa trên những cái có sẵn.

Những sản phẩm báo chí điều tra hay yêu cầu tác nghiệp hiện trường, làm sao robot thay thế con người? Trong báo cáo của tôi, gần 90% nhân sự cấp cao của tòa soạn đều khẳng định máy móc không thể thay thế được biên tập viên hay phóng viên. Người đoạt giải Pulitzer sẽ vẫn là phóng viên bằng xương bằng thịt chứ không thể nào là máy móc.

ĐỘC GIẢ SẼ NGÀY CÀNG CHỈ TIN NHỮNG GÌ HỌ MUỐN TIN?

Vì sao “đọc báo” trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến? Không chỉ vì thông tin đa dạng, cập nhật nhanh, độ lan truyền tin tức rộng và gần như là miễn phí mà mạng xã hội mang lại, lý do chủ yếu theo tôi là thông tin hiển thị được “cá nhân hóa”.

Các ông lớn mạng xã hội, như Facebook hay Twitter, dựa trên những dữ liệu phân tích hành vi người dùng sẽ biết được họ thích đọc thông tin mảng nào – giải trí, kinh tế hay chính trị – để ưu tiên hiển thị trước tiên.

Phóng viên, đương nhiên không thể đáp ứng nhu cầu tin tức của từng độc giả; nhưng AI làm được. Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các phóng viên kết nối tốt hơn với độc giả bằng cách theo dõi thời gian họ dành cho các bài viết và duy trì hiệu quả với những bài được đọc nhiều nhất.

Những bài viết được đọc nhiều, tương tác cao đều có chung đặc điểm. Nhưng đặc điểm đó là gì, cấu trúc của bài viết, xu hướng lựa chọn ngôn từ và mức độ phức tạp của câu? Điều này cần AI hỗ trợ phân tích. Kết quả phân tích chính là gợi ý để phóng viên xử lý tin, phỏng vấn, tập hợp thông tin, viết nội dung chính theo kiểu nhằm đạt được tương tác cao nhất.

Đối với một số trang báo có ứng dụng trên điện thoại di động, AI cá nhân hóa nội dung tùy theo đặc điểm ưa thích của từng độc giả, y như những gì mà các trang mạng xã hội đang làm bây giờ. Công cụ James được phát triển bởi The Times và Sun (Anh) cho người đọc chọn lựa phiên bản, chủ đề, thậm chí phóng viên yêu thích hiển thị lên trước tiên và gợi ý các tin tức liên quan mà có thể độc giả sẽ ưa thích.

Khi độc giả nhận được sự cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu của mình từ những trang báo uy tín, có lẽ họ sẽ từ bỏ dần thói quen đọc báo trên mạng xã hội hay ở những trang tin chưa được kiểm chứng.

Vài năm trở lại đây, trong thế giới truyền thông, có lẽ AI đã vượt quá phạm vi “một xu thế mới” để chính thức trở thành “một phương thức mới”, “một công cụ mới” hỗ trợ hay thậm chí là trực tiếp sản xuất các sản phẩm báo chí, cũng như giúp đẩy nhanh việc phân tích-nghiên cứu và tham khảo dữ liệu thông tin báo chí.

Đối với các nhà báo, vấn đề không phải là liệu có sử dụng AI hay không, mà là khi nào AI sẽ trở thành một phần gắn liền với hoạt động của tòa soạn. AI được tạo ra mới mục đích nâng cao chất lượng báo chí, chứ không phải thay thế lực lượng nhà báo.

Câu hỏi lớn cho các tờ báo là làm thế nào để sử dụng AI có trách nhiệm và minh bạch. Mặc dù tỷ lệ sai sót của máy móc là thấp nhưng không phải là không có, hoặc sản xuất tin với AI có tạo nên sự lệ thuộc? Hay chính là việc cá nhân hóa có vô tình tạo ra sự phiến diện, cái nhìn một chiều nơi độc giả?

Đương nhiên, nhà báo cũng như những nghề khác, luôn đặt đạo đức và cái tâm của mình khi tác nghiệp. Đạo đức trong AI là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, bởi rõ ràng cái tâm của nhà báo là yếu tố quan trọng mà máy móc không có được.

source: zing.vn

Danh mục liên quan

Sự kiện
Facebook Youtube Tiktok Zalo