Đại học Hoa Sen

Bộ gene khởi nghiệp

Cách đây vài năm, tôi quyết định bỏ vị trí quản lý cấp cao trong một doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp.

Tôi gia nhập một khu làm việc chung, “Co-working space”, ở một quận ven trung tâm thành phố, nơi tôi có thể thuê một bàn làm việc nhỏ với chi phí hợp lý. Mô hình này có một mặt bằng lớn, dùng chung văn phòng dành cho nhiều cá nhân, nhóm dự án, các công ty khởi nghiệp khác nhau để tiết kiệm chi phí.

Khi tới thăm tôi tại chỗ làm mới, mấy đồng nghiệp cũ không giấu nổi ánh mắt ái ngại. Họ nhìn tôi ngồi giữa một nơi mà xung quanh toàn gương mặt “non choẹt”, vài người xăm trổ, người quần jean, áo pull đang cắm cúi với màn hình laptop. Họ ngỡ ngàng vì nó khác xa với hình ảnh cũ của tôi, một nhà quản lý cấp cao của một tổ chức hàng trăm người, ăn vận chỉn chu, ngồi trong căn phòng riêng sang trọng ở toà nhà hạng A, nhìn xuống con đường đẹp nhất Sài Gòn. Tôi còn nghe sau đó có người nghi ngờ tôi có vấn đề về thần kinh và là một kẻ điên rồ.

Cô giáo cũ, người chứng kiến nhiều lần tôi bỏ ngang sự nghiệp trong quá khứ, nhắn tin cho tôi: “Cô biết em có năng lực nhưng lại ưa mạo hiểm, nên cô rất lo cho em”.

Ba năm đã qua, tôi và cộng sự vẫn đang tiếp tục hành trình của mình với niềm tin nguyên vẹn.

Khởi nghiệp 4.0 đang là xu thế thời thượng. Khắp nơi, các diễn đàn, các nhà làm chính sách, giới doanh nghiệp, truyền thông cho tới các học giả, họ đều nói về khởi nghiệp 4.0. Nó tạo cho xã hội một cảm giác rằng dường như mọi rào cản, trở ngại đối với cộng đồng khởi nghiệp đang được dỡ bỏ, cả xã hội đang dành sự ưu ái và tôn vinh mạnh mẽ đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Nhưng là người đã thực sự dấn thân vào con đường này, cũng như trải qua đủ mọi cảm giác của người trong cuộc, gặp và làm việc với nhiều gương mặt khởi nghiệp đã thành công và chưa thành công qua các thương vụ M&A và gọi vốn từ các nhà đầu tư, chúng tôi đang ngày đêm đối mặt với một sức ép khác. Nó gớm ghê hơn rất nhiều so với những thách thức cạnh tranh trên thị trường.

Đó là việc tại Việt Nam đang thiếu vắng văn hoá nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp. Nền văn hoá của chúng ta tôn vinh thành công, nhưng không dung thứ, thậm chí vô cùng tàn nhẫn đối với thất bại.

Trước hết, chúng ta không có thói quen luôn khuyến khích, động viên với những ai có ý định bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân vào hành trình mới.

Thứ hai, văn hoá chúng ta không coi trọng việc gìn giữ, nuôi dưỡng và tôn vinh “gene mạo hiểm”, tất nhiên là mạo hiểm có hiểu biết. Theo thống kê từ các đại học Mỹ, du học sinh Việt Nam ít tham gia những môn thể thao mạo hiểm nhất, ví dụ leo núi và nhảy dù. Cho dù đây là những môn học rất hấp dẫn, luôn thu hút sự tham gia du học sinh từ những quốc gia khác. Tỷ lệ những người tham gia các môn thể thao mạo hiểm ở Việt Nam luôn ở hàng thấp nhất thế giới.

Tôi mới gặp một trong những “cá mập” nổi tiếng giới khởi nghiệp. Là người sáng lập một tập đoàn giáo dục lớn đã có lịch sử phát triển hơn 20 năm và gặt những thành công không thể phủ nhận nhưng anh vẫn luôn nhận mình là “doanh nhân khởi nghiệp”. Trong câu chuyện kéo dài xuyên đêm giữa chúng tôi về những dự định lớn lao, anh bảo “Thách thức lớn nhất tôi phải đối mặt là sự thiếu vắng nhân sự lãnh đạo cấp cao”. Bởi những người có năng lực mà anh gặp phần lớn đều không dám từ bỏ “vùng an toàn” – công việc quen thuộc và thu nhập cao, ổn định; hoặc họ chỉ tính toán, thu vén lợi ích ngắn hạn thay vì dấn thân trong hành trình chinh phục những mục tiêu mới và hạnh phúc vì ý nghĩa của việc mình làm.

Chúng ta hầu hết có xu hướng tìm kiếm một hành trình êm đềm trong sự nghiệp. Song, sự ưa thích mạo hiểm có hiểu biết mới thật sự là một bộ gene quí giá, đối với bất cứ cá nhân nào, gia đình, dân tộc nào. Nếu không phải chúng ta thì ai có trách nhiệm nuôi dưỡng, gìn giữ và truyền lại thế hệ sau tố chất đó?

Cuối cùng, tất cả những người đã dấn thân vào khởi nghiệp đều hiểu rằng cái giá của thất bại vô cùng lớn. Đó không phải chỉ là sự tổn thất về vật chất, tiền bạc, mà chính là sự tra tấn tinh thần từ sự khinh thị, chê bai, những lời đàm tiếu của những người xung quanh, cả người thân trong gia đình, họ hàng lẫn các mối quan hệ xã hội. Có nhiều ngày, tôi chỉ đọc thấy những ý kiến phê phán, chỉ trích, miệt thị, đay nghiến với những người chưa thành công mà không thấy những suy nghĩ tích cực, điểm tốt, sự động viên, ủng hộ và đặt niềm tin vào những người từ bỏ vùng an toàn để làm điều mới.

Đó là một lý do mà hàng năm, sau mỗi kì thi đại học, chúng ta lại chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng xảy ra đối với những học sinh thi trượt, rồi nghĩ quẩn.

Không cải thiện thái độ ấy, chúng ta phần lớn sẽ náu mình trong những vùng an toàn, hàng ngày kéo lê cuộc đời như một thói quen. Không phải vì ta muốn, không phải vì thiếu năng lực, mà là vì ta sợ.

Để nuôi dưỡng và thúc đẩy bộ gene khởi nghiệp, điều kiện thuận lợi hơn cho những người đã khởi nghiệp từ người làm chính sách vẫn là một mong chờ. Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Quan trọng hơn, phần chìm của tảng băng còn im ngủ. Chưa ai đánh thức những con người đầy năng lực, đầy ước mơ nhưng còn đang lưỡng lự, đang “sợ thất bại” dấn thân vào hành trình chông gai nhưng đáng giá này.

Một thế hệ khởi nghiệp, nếu được hình thành, sẽ kéo nền kinh tế lao đi mạnh mẽ. Chính nền kinh tế khởi nghiệp đã và đang tạo nên sự thần kỳ của các quốc gia như Israel,  Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Làm sao để cái tên Việt Nam nối vào danh sách?

Theo Vn.Express

Danh mục liên quan

Sự kiện
Facebook Youtube Tiktok Zalo