Đại học Hoa Sen – HSU

Đồng tiền quốc tế hay đường lưỡi bò tiền tệ

Việc Trung Quốc đề xuất sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch thanh toán và tài chính ngay tại Việt Nam không phải ngẫu nhiên, mà đã nằm sẵn trong lộ trình thực hiện tham vọng quốc tế hóa NDT trong gần một thập kỷ qua.

Lộ trình cho tham vọng lớn

Đến cuối 2013, NDT chính thức trở thành một trong 10 đồng tiền thanh toán nhiều nhất thế giới và kỳ vọng trở thành một trong ba đồng tiền giao dịch toàn cầu vào năm 2015, cũng như có khả năng trở thành đồng tiền dự trữ mới của thế giới.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã công bố Thượng Hải sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020. Tiềm lực kinh tế hùng mạnh cũng sẽ là yếu tố nội tại vững chắc hỗ trợ NDT lên giá trong tương lai. Tất cả điều này khiến Trung Quốc kỳ vọng NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ thứ hai thế giới sau đô la Mỹ trong tương lai.

Tham vọng quốc tế hóa NDT chính thức khởi động kể từ năm 2005 khi Trung Quốc để cho tỷ giá NDT/đô la linh hoạt hơn. Đặc biệt kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, NDT bắt đầu có ảnh hưởng lớn mạnh hơn trong khu vực. Kể từ tháng 6-2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thông báo từ bỏ chính sách neo tỷ giá vào đồng đô la bằng việc lấy một rổ tiền tệ bao gồm nhiều đồng tiền mạnh làm cơ sở tham chiếu khi điều hành tỷ giá NDT.

Về phương diện đối ngoại, trong thập kỷ qua, Trung Quốc tiến hành hàng loạt bước quốc tế hóa NDT. Năm 2002 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; năm 2004 khởi động thị trường NDT hải ngoại tại Hồng Kông và năm 2007 các ngân hàng thương mại Trung Quốc lần đầu tiên được phép huy động vốn bằng cách phát thành trái phiếu định danh NDT tại Hồng Kong. Từ tháng 7-2009, Trung Quốc tăng tốc mạnh mẽ sử dụng NDT trong thanh toán với các đối tác chính là Hồng Kông, Macau và các nước ASEAN. Thậm chí ngân hàng trung ương các nước Malaysia, Nigeria, Chile, Thái Lan, Brazil và Venezuela đã bổ sung NDT vào trong dự trữ ngoại hối quốc tế.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện đang giao dịch ở Hồng Kông và kỳ vọng phát triển mạnh sau đó tại chính quốc. Diễn biến này đang dẫn đến việc giới đầu tư quốc tế tăng cường đưa NDT vào danh mục đầu tư của mình. Hiệu ứng domino như vậy cũng sẽ đến với các quốc gia châu Á có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Điều mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng quan ngại là sẽ hình thành cơ chế tỷ giá hối đoái phi chính thức neo giữ đồng nội tệ các quốc gia châu Á này với NDT.

Tất cả hành động trên là những bước nhảy lớn trong quá trình quốc tế hóa NDT. Không dừng ở đó, Bắc Kinh đang nỗ lực thuyết phục các công ty trong nước và nước ngoài và khuyến khích ngân hàng trung ương các nước đưa NDT trở thành tài sản dự trữ quốc tế.

Ngoài ra trong khoảng ba năm gần đây Trung Quốc còn tìm mọi cách làm suy yếu đồng đô la. Quá trình loại bỏ đô la ra khỏi giao dịch bắt đầu với các nước BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và cả Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất, được tiến hành bằng các thỏa thuận chỉ sử dụng đồng tiền bản địa trong thanh toán, kể cả thanh toán mua bán dầu hỏa. Theo dự tính, năm 2020 là thời điểm Bắc Kinh vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới và đó cũng là thời điểm mục tiêu thực hiện thành công quá trình quốc tế hóa NDT.

………………………….

>> Xem thêm bài viết

Theo Trần Ngọc Thơ
(Nguồn: Thời báo kinh tế Sài gòn Online, ngày 22/012015)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo