Đại học Hoa Sen – HSU

Dòng Mekong là tài sản chung

Quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong là một trong những nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Mekong – Lan Thương diễn ra ngày hôm nay theo hình thức trực tuyến.

Đây là hội nghị được tổ chức định kỳ hai năm một lần với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là các quốc gia có lãnh thổ năm trên lưu vực sông Mekong.

Từ bao nhiêu đời nay, sông Mekong được coi là tài sản chung của các nước nói trên. Trong một thời kỳ dài, tất cả các nước hữu quan đều sử dụng, khai thác nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác của dòng sông này một cách hoà thuận, bình yên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN.

Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Mekong là một nguồn phù sa dồi dào làm cho vùng đất Tây Nam Bộ luôn màu mỡ; là nguồn nước ngọt khổng lồ làm tươi mát ruộng vườn quanh năm. Hơn hết, đó là danh từ gắn liền với mùa nước lũ trứ danh đầy ắp những giai thoại về tôm, cá, chuột đồng, rắn,… rất ly kỳ, hấp dẫn. 

Cuộc sống của cư dân định cư dọc theo lưu vực sông đã là nguồn cảm hứng thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, góp phần làm phong phú di sản phi vật thể của các dân tộc.

Tuy nhiên, trong thời gian vài chục năm trở lại, sông Mekong không còn là dòng nước thênh thang, hiền lành như vốn thấy từ nhiều thế kỷ. Việc xây dựng các đập ngăn dòng chảy để dẫn nước  cho các hồ thuỷ điện đã khiến lượng nước tự nhiên chảy về hạ lưu giảm mạnh. Đây được cho là nguyên nhân chính của một loạt những biến đổi bất lợi về điều kiện tự nhiên của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: lượng phù sa không còn dồi dào khiến cho đất nhanh chóng bạc màu; bờ sông, lòng sông thiếu đất bồi, cộng với nạn khai thác cát sông trái phép khiến  hiện tượng sạt lở càng phổ biến trên diện rộng gây hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng; diện tích mặt nước giảm dẫn đến lượng thuỷ sản thiên nhiên cũng giảm;…

Đặc biệt, sự biến đổi khí diễn ra trên toàn cầu làm nhiệt độ trái đất tăng lên khiến băng tuyết vạn niên ở hai cực trái đất tan chảy làm cho nước biển dâng. Hệ quả là sự xâm nhập mặn nghiêm trọng ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi vốn đã có địa hình thấp so với mực nước biển. Điều đó cộng hưởng với dòng chảy yếu từ thượng nguồn sông Mekong càng làm cho hạn mặn trở nên khốc liệt.

Bảo đảm sự phát triển bền vững của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, qua đó góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của các nước, là bài toán cần một giải pháp tổng thể gồm nhiều nội dung.  Việc đạt được một thoả thuận nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mekong là một phần quan trọng của giải pháp đó.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa quốc gia, dân tộc mình đến sự thịnh vượng, phồn vinh. Nhưng trong điều kiện các nguồn lực thiên nhiên có giới hạn, cần phải thấy rằng việc chiếm lĩnh của một quốc gia, dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên đồng nghĩa với việc quốc gia, dân tộc khác không có điều kiện tiếp cận khối tài nguyên thiên nhiên đó.

Trong trường hợp sở hữu chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên như trường hợp của các nước tham gia Hội nghị Mekong – Lan Thương, việc thảo luận nghiêm túc và trên tinh thần hợp tác cùng phát triển là  cần thiết. Hy vọng rằng các bên tham gia hội nghị sẽ tìm được tiếng nói chung để cùng nhau làm cho dòng Mekong luôn là nguồn nước dồi dào, nhiều phù sa và sản vật vun đắp cho sự phát triển bền vững của tất cả các nước hữu quan. 

PGS TS Nguyễn Ngọc Điện

Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Bài đăng chuyên mục Chuyện đầu tuần trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh số 4352 ngày 24-8-2020)
>>CHI TIẾT NỘI DUNG

Facebook Youtube Tiktok Zalo