“Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”: Cần cuộc cải cách lớn toàn xã hội
Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” vừa được bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) hoàn thiện với việc hướng tới đánh giá học sinh trong cả quá trình, bỏ kiến thức hàn lâm, học thiết thực. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại về sự tin cậy đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi con đường vào đại học được đánh giá bằng kết quả kỳ thi này.
Giảm “kiến thức hàn lâm”
Một trong những kỳ vọng lớn của bộ GD-ĐT trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục trong giai đoạn tới đó là việc “tăng cường cả tích hợp và phân hóa trong quá trình dạy học”.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết ở bậc tiểu học, sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên – xã hội (lớp 1, 2, 3); lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và 5 sẽ điều chỉnh và hình thành 2 môn là khoa học – công nghệ và tìm hiểu xã hội.
Ở bậc THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục công dân; lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng hai môn học mới là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các môn được xây dựng bảo đảm tính logic, sắp xếp sao cho có sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh trùng lặp.
Ở bậc THPT sẽ phân hóa theo hướng tự chọn. Dự kiến lớp 10, học sinh học 7-10 môn bắt buộc, còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 11 và 12 sẽ phân hóa mạnh và hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh sẽ học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, 3 môn/chủ đề tự chọn (như vật lý, hóa, sinh, địa lý, lịch sử, công nghệ, khoa học về máy tính, kinh doanh, ngoại ngữ 2, nghệ thuật…).
Tán thành với quan điểm chương trình hiện nay nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm, thậm chí “vô bổ”, PGS.Văn Như Cương (hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh) cho rằng, kiến thức toán cấp 3 hiện nay quá cao siêu, kiến thức văn kiến học sinh học xong có thể thành “nhà nghiên cứu”… Trong khi chương trình lại đang đặc biệt thiếu những kiến thức thực tế, đặc biệt là những kỹ năng trong cuộc sống, để học sinh không chỉ học để lấy kiến thức mà còn học để làm Người.
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, 24/9/2013)