Đại học Hoa Sen – HSU

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Trụ cột gánh vác đổi mới công nghệ


Sản xuất bộ vi xử lý tại một công ty của Nhật Bản.
Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, trong bối cảnh biến động lớn của kinh tế thế giới cần hiện đại hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp từ viện, trường, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp KH&CN để tạo ra sự đổi mới sáng tạo, sự tăng trưởng.

Hiện đại hóa DNVVN tại Nhật Bản

Vào thập niên 1990, sức cạnh tranh quốc tế của kinh tế Nhật Bản suy giảm, số doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và các quốc gia khác tăng lên, suy thoái kinh tế làm số DNVVN trong 13 năm đã giảm 1/3, do đó nội dung tái thiết kinh tế bằng tăng cường nguyên lý thị trường cạnh tranh, vận dụng nhiều chính sách cạnh tranh đã được áp dụng.

Chính sách cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng chính sách cạnh tranh, phương châm là không đưa ra định hướng cơ cấu kinh tế cụ thể và hướng doanh nghiệp tới đó mà coi trọng hỗ trợ khởi nghiệp hay cải cách từng doanh nghiệp. Cụ thể là hướng tới hoạt động liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp lấy viện nghiên cứu, trường đại học là nguồn lực đổi mới kỹ thuật, công nghệ.Doanh nghiệp khởi nghiệp được xác định là trụ cột sáng tạo trong hoạt động kinh doanh mới, thực hiện đổi mới công nghệ thông qua hoạt động kinh doanh mới của doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ công nghệ, kỹ thuật được phát triển tại trường đại học, viện nghiên cứu.

Với việc thực hiện hoạt động sáng tạo kinh doanh mới thông qua các Công ty mới khởi nghiệp từ những hạt giống kỹ thuật nảy nở tại các trường đại học theo mô hình của Mỹ tại Stanford hay Harvard đã mang đến những kết quả thuyết phục. Cụ thể, vào năm 2001 chỉ trong khuôn khổ một đề án mục tiêu đặt ra trong 3 năm thành lập 1.000 doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ các trường đại học, viên nghiên cứu nhưng tới cuối tháng 3 năm 2003, số doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ trường đại học, viện nghiên cứu đã lên tới 1.099 doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp trong số đó đã thất bại và một số trong đó đã được tái sinh qua quá trình ươm tạo lại doanh nghiệp.

Việc chuyển hướng ban hành chính sách cơ cấu kinh tế định hướng phát triển doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ viện, trường loại doanh nghiệp KH&CN đã cho thấy trong bối cảnh này không còn có thể trông đợi vào doanh nghiệp lớn như trụ cột gánh vác đổi mới công nghệ, chính sách công nghiệp của Nhật Bản đã buộc phải mở sang lĩnh vực chính sách về DNNVV và đã đem đến sức sống mới cho nền kinh tế đất nước.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KH&CN

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế việc học tập, áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống các DNVVN, doanh nghiệp KH&CN phát triển như Nhật Bản là vô cùng cần thiết. Với các mục tiêu chính đã được đề ra đến năm 2015 xây dựng được 3.000 doanh nghiệp KH&CN, đến năm 2020 xây dựng được 5.000 doanh nghiệp KH&CN, đồng thời với việc đẩy mạnh các giao dịch công nghệ trên thị trường tăng trung bình 15-17%/năm theo Quyết định 418/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam là một nhiệm vụ không hề đơn giản và dễ dàng đạt được.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương chưa thực sự quan tâm nhiều đến cung cầu trong hoạt động của thị trường công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp khởi nghiệp cho dù ngân sách dành cho hoạt động KH&CN các địa phương vẫn tăng đều trung bình10%/năm trong giai đoạn 2001-2010.

Kết quả đánh giá sơ bộ cũng cho thấy nhiều điểm trong chính sách mới được ban hành khi triển khai vào thực tế đã bộ lộ nhiều hạn chế, thiếu tính hấp dẫn. Cụ thể là, các doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế sau khi được công nhận và sản xuất kinh doanh có lãi trên sản phẩm KH&CN. Thực tế cho thấy đối với doanh nghiệp khởi nghiệp từ viện, trường thì đây không phải là điều thực sự hấp dẫn và quan tâm nhất do yếu tố thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như chưa phát sinh. Về vấn đề tiếp cận đất đai tương tự vì phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đối với việc sử dụng kinh phí nghiên cứu và phát triển công nghệ (địa phương, trung ương) của các doanh nghiệp KH&CN cũng còn nhiều khó khăn do thiếu các văn bản, cơ chế quản lý, chính chưa phù hợp đối với hoạt động của  DNVVN, doanh nghiệp KH&CN, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khởi nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu mong muốn cần xây dựng và ban hành các chính sách đổi mới cho DNVVN để hiện đại hóa và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm nhất là một số vấn đề sau:

Một là, đổi mới hình thức, cách thức thực hiện và tăng cường phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, viện, trường và các cơ quan công trong nghiên cứu và phát triển công nghệ có định hướng thị trường, sản phẩm.

Hai là, tạo sự thông thoáng, đơn giản, dễ thực hiện việc công nhận và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ phần mềm, nội dụng số, vật liệu mới, công nghệ sinh học,.. 

Ba là, nhanh chóng ban hành cơ chế tài chính mới cho DNVVN khi tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ như: áp dụng chính sách tín dụng, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh đối với các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các Quỹ khác.

Cùng với đó là nghiên cứu áp dụng quy trình chẩn đoán doanh nghiệp áp dụng công nhận doanh nghiệp KH&CN qua đó làm tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp KH&CN tiếp cận được với nguồn vốn vay phát triển sản xuất từ ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng thương mại khác.
 

Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, để tái thiết đất nước Nhật Bản đã nhanh chóng ban hành và thực thi các chính sách kinh tế hết sức linh hoạt, phù hợp đối với DNVVN. Quá trình phát triển của hệ thống các chính sách chính đó có thể chia thành bốn giai đoạn như sau: 

– Giai đoạn thứ nhất (1948 -1954): Chính sách về DNVVN theo hướng dân chủ hoá nền kinh tế. Mục đích của chính sách ở giai đoạn này là xúc tiến dân chủ hoá nền kinh tế và phát triển DNVVN độc lập.

– Giai đoạn thứ hai (1955 – 1960): Chuyển đổi và xác lập chính sách về DNVVN  theo hướng chính sách cơ cấu kinh tế. Chính sách được ban hành trong giai đoạn này nhằm tập trung điều chỉnh sự chênh lệch năng suất giữa DNVVN và doanh nghiệp lớn, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp nặng và hoá chất.

– Giai đoạn thứ ba (1970 – 1980): Bước tiến mới trong chính sách về DNVVN  theo hướng chính sách cơ cấu kinh tế, với mục đích nhằm thúc đẩy phân công quốc tế và tập trung hóa tri thức cho DNVVN.

– Giai đoạn thứ tư (từ những  năm 1990 đến nay):  Chuyển đổi, xác lập chính sách về DNVVN theo hướng chính sách cạnh tranh.

 

Theo TS. Nguyễn Huy Cường-Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN

(Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn)

Facebook Youtube Tiktok Zalo