Doanh nghiệp cùng trường Đại học bắt tay đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao
Đó là khẳng định của TS.Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo” với sự dẫn dắt của các chuyên gia hàng đầu về CNTT đến từ Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, TMA Innovation Center và Công ty Seedcom diễn ra tại Trụ sở chính Trường Đại học Hoa Sen vào ngày 25/7/2019.
Theo TS. Thụy, việc bắt tay hợp tác cùng doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đào tạo hàng đầu của trường Đại học Hoa Sen ngay từ những năm đầu thành lập (1991). Trải qua gần 30 năm phát triển, Hoa Sen tiếp tục giữ vững hướng đi này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường lao động. Trong thời gian qua nhà trường tiếp tục mở rộng hướng đi này đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo, phục vụ nhu cầu chung của xã hội mà gần đây nhất là chủ trương xây dựng và vận hành đô thị sáng tạo của TP.HCM.
TS.Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.
Tọa đàm thu hút đông đảo đại diện các doanh nghiệp, các trường Đại học tham dự.
Tham gia buổi tọa đàm, Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, đã chia sẻ những thông tin thú vị liên quan đến các cuộc Cách mạng Công nghiệp 2.0, 3.0 và 4.0 đồng thời khẳng định sứ mệnh của các trường Đại học, Cao đẳng là nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Cụ thể, sinh viên cần chủ động trang bị kiến thức liên quan đến công việc bên cạnh việc sở hữu kỹ năng “4C”, bao gồm: Communication (Kỹ năng giao tiếp); Creativity (Kỹ năng sáng tạo); Critical Thinking (Kỹ năng tư duy phản biện); Collaboration (Kỹ năng hợp tác).
Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt.
Nhắc đến làn sóng AI, ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc TMA Innovation Center, chia sẻ TMA từng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư CNTT chuyên về AI bởi thực trạng khan hiếm đơn vị đào tạo về AI hoặc đại đa số các bạn trẻ chỉ ở bước tự học chứ không chuyên sâu. Để khắc phục, TMA đã đưa ra giải pháp tự đào tạo bằng cách hợp tác với các trường Đại học lớn trong các dự án R&D như Đại học Oslo, Đại học Adelaide hoặc mời các chuyên gia quốc tế đến TMA tham gia đào tạo. Hướng đi này từng bước gặt hái được nhiều thành công và tính tới thời điểm này TMA đã đào tạo thành công 300 kỹ sư CNTT thành thạo về các công nghệ mới.
Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc TMA Innovation Center.
Phần trình bày của diễn giả Ngô Xuân Bằng, Giám đốc MIS Công ty Seedcom, xoay quanh chủ đề về ứng dụng AI trong hệ thống thông tin quản lý (ERP và CRM) cùng những thông tin tổng quan về sự khác biệt giữa ERP truyền thống và hiện đại. Ông Bằng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới như AI, sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngành bán lẻ và thương mại điện tử.
Ông Ngô Xuân Bằng, Giám đốc MIS Công ty Seedcom.
Chính những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 cũng như của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay đã đặt ra không ít thách thức cho các trường Đại học trong việc đào tạo nhân lực chất lượng về công nghệ cao, cụ thể là AI. Đó là lý do mà trong thời gian qua, Khoa Khoa học & Kỹ thuật trường Đại học Hoa Sen đã có sự chuẩn bị “dài hơi” để triển khai hướng chuyên ngành: “Trí tuệ nhân tạo ứng dụng theo hướng công nghiệp”. Theo TS. Tô Hoài Việt, Trưởng bộ môn Kỹ thuật phần mềm, trường Đại học Hoa Sen, thì hướng ngành nay sẽ bao gồm các nội dung như: AI Tech (Kỹ thuật trí tuệ nhân tạo và Ứng dụng; Học máy, Học sâu; Khai thác dữ liệu, Dữ liệu lớn); AI in business (Thương mại điện tử, Business Intelligence, Phân tích dữ liệu kinh doanh); AI smart city (IoT, Blockchain, An toàn thông tin). Kết quả các hướng đi này đã gặt hái được những thành công bước đầu khi triển khai chương trình nghiên cứu đề tài của sinh viên Hoa Sen và Jeju University, trao đổi hợp tác chương trình đào tạo với trường CESI và CNAM của Pháp.
Phiên thảo luận bàn tròn tại tọa đàm.
Buổi tọa đàm khép lại với những phiên thảo luận và chia sẻ thông tin hữu ích của các diễn giả liên quan đến nhu cầu đào tạo và hướng đi mới trong việc ứng dụng AI vào những lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống trong thời gian tới. Ngoài ra, dịp này Trường Đại học Hoa Sen – đơn vị có hơn 28 năm kinh nghiệm về giảng dạy CNTT, cũng giới thiệu chương trình đào tạo liên quan đến AI lần đầu tiên được tuyển sinh trong năm 2019 với tên gọi: “Trí tuệ nhân tạo ứng dụng theo hướng công nghiệp”. Chương trình được dự đoán sẽ đón đầu làn sóng ứng dụng AI trong tương lai, đặc biệt là trong việc xây dựng đô thị sáng tạo thông minh theo chủ trương chung của TP.HCM.
Được biết, ngay từ năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định việc triển khai và vận hành mô hình đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ chiến lược để thành phố trở thành đơn vị đầu tàu trong công tác ứng dụng công nghệ cao. Để làm được điều đó, Ban lãnh đạo thành phố đã kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các trường Đại học từng bước xây dựng khu Đông thành mũi nhọn tiên phong về đô thị thông minh. Nắm bắt định hướng trên, Trường Đại học Hoa Sen từng bước phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Theo TS. Tô Hoài Việt, Trưởng bộ môn Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Hoa Sen, định hướng phát triển đô thị sáng tạo của thành phố đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với các trường đào tạo về khoa học – kỹ thuật – công nghệ, đặc biệt là các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Đó là lý do mà các trường Đại học phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nội dung và hình thức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và không bị tụt hậu lại phía sau trong quá trình đào tạo nhân lực. Cũng theo ông Việt, khái niệm ứng dụng AI còn khá mới tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, nên rất cần nhiều kênh kết nối giữa các doanh nghiệp và trường Đại học để cùng chia sẻ, thảo luận và tìm ra những hướng đi thích hợp trong việc ứng dụng AI để triển khai và vận hành mô hình đô thị thông minh. |
Tin: Trần Hà Phương Thảo
Ảnh: Vũ Ngọc Mạnh, Trần Anh Hùng