Đại học Hoa Sen – HSU

Diễn từ nhận giải Văn hoá Phan Châu Trinh của TS. Bùi Trân Phượng

Tối 29/3 tại TP.HCM đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần VI. Sự kiện này đã thu hút rất nhiều học giả, tri thức tham dự. Với những hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng nước nhà; TS. Bùi Trân Phượng – Nhân vật nữ duy nhất của mùa giải năm nay đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục”.

Ban biên tập Website –Đại học Hoa Sen xin trích dẫn lại diễn từ nhận giải của TS. Bùi Trân Phượng tại buổi lễ trao giải.

TS. Bùi Trân Phượng đọc bài diễn từ nhận giải. Ảnh: HĐB

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Bình, thưa quý vị,
 
Nhận giải là vinh dự, niềm vui, nhưng cũng là áp lực. Áp lực nặng hơn khi đó là về văn hóa, giáo dục. Và nói về văn hóa, giáo dục trong bối cảnh hiện tại của thế giới, nhứt là của Việt Nam, áp lực càng gấp bội. Nhưng, là người ít nhiều được hiểu về Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, tôi biết đây là sự gởi gắm niềm tin và kỳ vọng từ những người tâm huyết và vì vậy, bất khả từ nan. Tôi trân trọng cám ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về lòng tin cậy và kỳ vọng.
 
Tôi cũng hiểu kỳ vọng ấy không chỉ gởi vào một cá nhân, mà vào suy nghĩ, nỗ lực và thành quả của nhiều người, đã tác tạo tôi thành người làm việc trong ngành văn hóa, giáo dục và đã cùng tôi chung sức trong cả hành trình. Vì vậy, cho phép tôi tỏ lòng biết ơn nguồn cội và những người cùng tâm chí, kể cả các thế hệ học sinh, sinh viên của tôi.
 
Tôi may mắn sanh ra trong một gia đình coi trọng sự học, không phải nhiều đời khoa bảng, chỉ là gia đình nhà giáo bình thường. Ông ngoại tôi có một tủ sách nhỏ, nhưng trong đó có sách đặt mua từ bên Pháp; ông vốn là hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh Bến Tre, gồm mấy cù lao cách trở đò giang với thị thành, rồi sau đó là hiệu trưởng một trường Thực nghiệp (dạy nghề) ở Sài Gòn. Tủ sách của ông tích cóp từ đồng lương nhà giáo; nhưng lương nhà giáo thời đó cho phép ông một mình là trụ cột của gia đình đông con, đều là gái, mà tất cả đều được học hành tới nơi tới chốn. Ba tôi là anh hai trong gia đình nghèo, ít chữ nghĩa, đậu vô collège Mỹ Tho mà phải đợi năm sau thi lại, có học bổng mới đi học được. Ba có một tủ sách lớn hơn, cũng được góp nhóp từ những quyển mua hồi ông vừa tham gia kháng chiến chống Pháp, vừa bán nước đá nhận ven đường, nuôi đám em mồ côi cha và nuôi một ước mơ du học không thành; cho đến những bộ tự điển đồ sộ được người vợ hiền khuân về từ Anh, Mỹ, cũng từ đồng lương công chức vừa gánh cả giang sơn nhà chồng vừa tiếp sức cho hoài bão nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Việt của người bạn đời yêu quý. Các dì cô chú và sau này, em cháu của tôi, nhiều người theo nghề giáo. Ba tôi “xếp bút nghiên” từ tuổi thanh niên, chỉ bằng tự học đã trở thành nhà giáo được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu kính, nhà nghiên cứu có cống hiến riêng trong khám phá, giữ gìn ngôn ngữ Việt và di sản văn học phía Nam để cứu lấy “hòn máu rơi”, theo cách nói của ông và đưa nó hòa vào dòng chảy chung của văn học Việt.
 
Năm 10 tuổi, do một nguyên cớ ngẫu nhiên – trong cái rủi có cái may – vì không được thi vô đệ thất trường công mà tôi rẽ ngang từ tiểu học Việt sang trung học Pháp. Là con nhà dân thường, tôi được hưởng nền giáo dục lúc đó chủ yếu dành cho tầng lớp trung-thượng lưu của xã hội; cùng với một số ít học sinh khác, tôi đã hưởng học bổng của Hội Phụ huynh học sinh trường Marie Curie suốt 6 năm trung học. Tôi hiểu giá trị đổi đời của những học bổng tạo công bằng cơ hội, cũng như những gì xã hội công dân có thể chủ động tạo ra. Là chứng nhân cảm phục các hoạt động văn hóa, giáo dục và chính trị của ba, các bác cô chú đồng nghiệp và anh chị học sinh trung học trong Nghiệp đoàn giáo học tư thục, từ năm lên 8, lên 10 tôi được tiêm thuốc ngừa để suốt đời miễn nhiễm; một phần nhờ vậy mà an nhiên cùng các đồng nghiệp và sinh viên trường Hoa Sen theo đuổi công việc giáo dục chân chính bất chấp nhiều thành kiến nặng nề về trường công-trường tư, lợi nhuận-phi lợi nhuận kể cả trong và ngoài nước. 
 
Là học trò từ giữa thập niên 1950 và nhà giáo từ đầu thập niên 1970 đến nay phần lớn thời gian là ở Sài Gòn, tôi nghĩ mình có thể nói về giáo dục ở Việt Nam với tư cách người trong cuộc. Chất lượng và một số đặc thù của giáo dục phổ thông trung học Pháp có cho tôi chút ưu thế khi du học cũng như trong hoạt động chuyên môn lâu dài; nhưng, hầu hết thành viên gia đình tôi cũng như đông đảo bạn bè cùng thế hệ đều xuất thân từ giáo dục phổ thông và đại học Việt (công và tư) ở miền Nam trước 1975, bản thân từng thỉnh giảng ở đại học Cần Thơ đầu thập niên 1970 khi trường này mới thành lập chưa lâu, tôi hiểu những mặt mạnh, yếu của giáo dục ở Việt Nam trước và sau 1975. Hoạt động giáo dục hiện tại, với số đông thầy và trò xuất thân từ nền giáo dục non nửa thế kỷ trở lại đây, thực sự là thách thức lớn.
 
Bằng những sức mạnh nào, chúng tôi đã, đang đối mặt với thách thức? Tôi nói “đối mặt” theo nghĩa đương đầu, ứng phó, mà không nói “vượt qua”, càng không dám khẳng định là thắng được. Vì thách thức hiện vô cùng khắc nghiệt, lại sẽ tiếp tục phát sinh thách thức mới; còn năng lực vượt khó khăn, san bằng trở lực của cho dẫu không phải một cá nhân, mà là số đông người, cộng đồng dân tộc hay toàn thể loài người, suy cho cùng đều hữu hạn. Với ý thức tỉnh táo về hữu hạn của nhân sinh và vô hạn những vấn đề đặt ra, phức hợp và nan giải, tôi không có ảo tưởng về sự tất thắng nào của “chính nghĩa”, lẽ phải hay cái đúng, cái tốt đẹp; vả chăng, các khái niệm ấy cũng không ngừng bị tra vấn và thách thức. Tôi chỉ biết con người còn sống thì còn dự phóng tương lai, còn khát khao, phấn đấu vì những giá trị mình tôn quý. Văn hóa, giáo dục, sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam như một thành viên bình đẳng của cộng đồng nhân loại, đối với tôi, thuộc về các giá trị đó.
 
Chúng ta phấn đấu trước hết là bằng xác tín về phẩm tính làm người và về sứ mạng của văn hóa, giáo dục. Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội; nhưng không chỉ là một hệ quả thụ động, vô giác vô tri dù từ nhiều yếu tố hữu hình và vô hình nào. Phương Đông nói “nhân ư vạn vật chi linh”, làm người đứng giữa, đầu đội trời chân đạp đất. Phương Tây nói: “Tôi tư duy, tức là tôi tồn tại”, hay “Người là lau sậy, nhưng là cây sậy biết tư duy”. Lý tưởng làm người, dù Đông Tây kim cổ, đều hướng đến một đời sống tinh thần, đạo lý, tình cảm, trí tuệ, chớ không cam tâm làm cây thịt đội đèn, giá áo túi cơm. Có nghĩa là ngoài các nhu cầu sinh lý, làm người là có lương năng, lương tri để không ngừng học hỏi, để tự vấn về phải quấy, đúng sai, có tư duy độc lập để suy nghĩ, ước mơ, tưởng tượng, bảo vệ và sáng tạo ra giá trị. Giáo dục, bên cạnh chức năng trao truyền tri thức và giá trị kế thừa từ xã hội, đồng thời có chức năng khai sáng, thúc đẩy phát triển tri thức mới, giá trị mới, đáp ứng và kích thích những nhu cầu mới của con người, của xã hội trong hoàn cảnh mới.
Khi tham gia hoạt động giáo dục sau phổ thông kể từ đầu thập niên 1990 trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới, mơ ước của những người làm trường Hoa Sen là khởi xướng một mô hình giáo dục đoạn tuyệt với truyền thống nhà trường thoát ly thực tế, chỉ rao giảng cái mình (giả định) biết, không cần quan tâm đến nhu cầu kinh tế xã hội, chỉ đơn thuần nhai lại từ chương, mà không quan tâm kỹ năng, công nghệ, hay cả sự cập nhật tri thức, chưa nói đến sáng tạo, phát minh; đoạn tuyệt với ảo tưởng về “ngoại lệ” Việt Nam, dẫu là tự ti (không dám thú nhận, nhưng càng giấu giếm, trước hết là tự giấu mình, thì càng dai dẳng như căn bịnh khó chữa lành, vì không hề điều trị) hay tự phụ. Hoài bão của chúng tôi là đưa giáo dục sau phổ thông trở lại quỹ đạo bình thường của một nền giáo dục lành mạnh, hiểu theo nghĩa hòa vào dòng chảy của giáo dục thế giới, lấy chuẩn mực phổ quát để tự đánh giá mình, và bám gốc rễ từ thực tại của đất nước, góp phần giải bài toán nhân lực đủ trình độ cần thiết cho phát triển kinh tế cũng như tham gia suy nghĩ, giải quyết việc chung với trách nhiệm công dân của người có học.
 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, TS. Bùi Trân Phượng và các cá nhân nhận giải thưởng khác. Ảnh: HĐB
 
Khi xây dựng Hoa Sen thành trường đại học, đồng thời trở thành tư thục theo quyết định của nhà nước, chúng tôi đứng trước nhiều thách thức mới, nhưng đồng thời, có ý thức sâu rộng hơn về chức trách khai sáng, định vị toàn cầu và trách nhiệm xã hội của đại học. Trung thành với cội nguồn của đại học hiện đại là đại học châu Âu (vì sự chọn lựa đó, chúng tôi đã tham gia kỷ niệm 200 năm đại học Humboldt), cố gắng theo dõi sát sao những suy tư và chuyển động của giáo dục đại học thế giới vừa trên bình diện chung vừa trong từng quốc gia cụ thể, chúng tôi trăn trở tìm đường đi cho đại học Hoa Sen hội nhập giáo dục đại học quốc tế.
 
 Đại học Hoa Sen không theo đuổi danh xưng quốc tế hay vị trí nào trong xếp hạng, “phân tầng”. Chúng tôi muốn xây dựng một đại học Việt Nam thể hiện tính chất và bảo vệ các giá trị đại học chân chính, theo nghĩa hiện đại của ý niệm đại học. 
 
Theo nghĩa đó, tôi không coi Quốc tử giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đó chỉ là đỉnh cao của một hệ thống trường do nhà nước phong kiến lập ra, với mục đích không che giấu là làm cho học trò thấm nhuần tam giáo (thời Lý Trần) hay ngày càng độc tôn nho giáo (cuối Trần và Lê Nguyễn). Sứ mạng của nhà trường đó là đào tạo sĩ phu thành người quân tử theo lý tưởng nho gia, hay phổ biến hơn với số đông, thành tôi con (thần tử) tận trung với triều đình quân chủ. Những nhân cách trí thức lớn không phải là không có, nhưng khó xác quyết họ chỉ được giáo huấn ở nhà trường do các quan từ huyện, tỉnh đến Quốc tử giám phụ trách. Chưa kể vai trò của giáo dục ngoài nhà trường và phẩm chất riêng của cá nhân, phần lớn hơn của giáo dục Việt Nam truyền thống cho đến gần cuối thế kỷ 19, diễn ra ở các trường làng, là quê hương của các thầy đồ (có người từng hiển đạt, nhưng không phải là tất cả, cũng không phải số đông) hay là nơi có gia đình khá giả nào đó rước thầy về dạy học, không chỉ cho con cháu nhà mình, mà cho làng, cho địa phương; và nếu thầy nổi tiếng về tài đức, có cả học trò từ xa tầm sư học đạo. Việt Nam thực chất có truyền thống lâu đời về giáo dục tư, theo nghĩa không do nhà nước chủ xướng, tổ chức, điều hành và gánh chi phí và vì vậy, nhà nước cũng không hề có quyền trực tiếp chỉ đạo và chi phối. Giáo dục tư hay công, tất nhiên đều không thoát khỏi khuôn ý thức hệ thống trị, do chương trình, kinh sách, cách học và nhãn quan trong đó thầy và trò được giáo huấn; cao hơn hết là bởi mục đích sự học là các kỳ thi quốc gia, mà hệ lụy dai dẳng nhứt là não trạng tai hại “học để thi, để làm quan” đến nay vẫn còn hết sức nặng nề. 
 
Thậm chí nặng nề hơn xưa. Sự học ngày xưa tuy không đóng cửa với ai, nhưng về cơ bản vẫn tái lập bất công xã hội, “con vua thì lại làm vua”; song chính do các kỳ thi là cánh cửa hẹp, phần đông học trò dù muốn hay không đành chỉ “xin thầy năm ba chữ để biết đạo làm người” là chính. Còn ngày nay, do đại học đã đại chúng hóa, nó càng dễ bị coi là chiếc cần câu cơm người ta tranh nhau bán và mua bằng mọi giá, mọi cách! Hiện tình này không chỉ ở Việt Nam, khác chăng là chúng ta thiếu nền tảng của mấy trăm năm một lịch sử đại học chưa bị thị trường chi phối như nhiều quốc gia phương Tây có, nhiều chục năm đại học được một nhà nước độc lập đầu tư phát triển vì lợi ích quốc gia như nhiều nước láng giềng châu Á có. Chúng ta lại thừa nhiều yếu tố khác ức chế, cản trở, có nguy cơ triệt tiêu giáo dục khai sáng và giáo dục đại học.
 
Xây dựng một trường đại học đúng nghĩa, hay nói rộng hơn, hoạt động văn hóa, giáo dục đúng nghĩa trong bối cảnh Việt Nam, vì vậy, bội phần thách thức. Chúng tôi chỉ ấm lòng vì hiểu mình không đơn độc. Bạn bè, đối tác quốc tế không chỉ giúp mình theo một chiều “người đi trước rước người đi sau”, mà thực sự cùng mình chia sẻ được các băn khoăn, vấn nạn chính họ đang đau đầu suy nghĩ; họ cũng tìm thấy trong quan hệ với mình những cơ hội và giải pháp, sự hợp tác các bên cùng học hỏi, cùng phát triển. Trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng tôi tin mình đang cùng nhiều người tâm huyết khác tiếp nối những suy nghĩ và hoạt động văn hóa, giáo dục hơn một lần bị đứt gãy vì thời cuộc, có khi cả vì số phận vô thường. Cái chết của Nguyễn Trường Tộ năm 1871, của Phan Châu Trinh năm 1926 hay Nguyễn An Ninh năm 1943 cũng như của những nhà khai sáng có và không tên khác từng là những đứt gãy, đau lòng, một phần vì giáo dục chưa đủ rộng, dân trí chưa đủ cao để kịp có người tiếp bước.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh trao tặng giải thưởng cho TS. Bùi Trân Phượng. Ảnh: HĐB
 
Phan Châu Trinh là một nhà văn hóa nổi bật vì sự nhứt quán, kiên trì và triệt để trong bản lãnh bảo vệ những quan điểm khác với số đông kể cả đương thời và hậu thế. Ông lại rất thành công trong việc quảng bá tư tưởng độc sáng của mình, chinh phục được đông đảo người Việt và cả một số cá nhân người Pháp vào thời mà quan hệ Pháp-Việt bất chấp mọi khao khát thành tâm của ông, vẫn đang là quan hệ thù nghịch. Đối với đồng bào, Phan Châu Trinh là tấm gương, là người truyền bá những tư tưởng vừa tưởng như quen thuộc nhứt – chẳng hạn, “không chi bằng học” – vừa gây bất an nhứt vì nó đi ngược mọi cảm nhận thông thường lúc bấy giờ, chẳng hạn: “Đừng bạo động, bạo động thì chết; đừng vọng ngoại, vọng ngoại là ngu.” Không chỉ tâm huyết, mà chủ yếu là lý luận sắc bén của ông đã khiến Phan Bội Châu đuối lý khóc sướt mướt; đã giúp ông tập hợp cả trí thức lẫn bình dân ở cả nông thôn, thành thị. Phong trào Duy tân (1904-1908) sôi nổi khắp Bắc, Trung, Nam được đánh giá “như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội khắp núi sông, đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi đã góp phần lớn lao Làm Mới con người và xã hội” (Nguyễn Văn Xuân).  
 
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, tuy nhiên, không chỉ gắn với tên tuổi một danh nhân, mà đang nuôi dưỡng một tinh thần, một ý chí và những hoạt động canh tân, khai sáng. Như chúng tôi từng có dịp chứng minh, đó là một tinh thần xuyên thế hệ, từ Nguyễn Trường Tộ đến các sĩ phu duy tân, rồi Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và nhiều thế hệ trí thức hậu sinh. Tinh thần đó, rốt cuộc có đủ sức đẩy lùi được dốt nát, tối tăm, thói quen hành xử từ cảm xúc hơn lý trí, sự hèn nhát khuất phục bạo lực cường quyền và cả sức mạnh được coi là vạn năng của đồng tiền lạnh tanh phi đạo đức, để đưa văn hóa, giáo dục Việt ra khỏi khủng hoảng, để giúp dân tộc Việt đạt được và giữ vững tư thế bình đẳng cùng các dân tộc khác hay không? Câu trả lời còn phía trước. 
 
Riêng tôi tin rằng nếu tinh thần đó sống được, nó sẽ sống không chỉ bằng ý chí, nỗ lực của số ít trí thức tâm huyết, mà phải thấm nhuần trong vô số những gia đình dân thường đang nuôi con ăn học, vô số những bạn trẻ ham học, ham hiểu biết, giàu lòng tự trọng và ý chí vươn lên. Một thế kỷ sau khi những người như ông ngoại tôi sanh ra (vào đầu thế kỷ 20), những gia đình như vậy không chỉ có trong nhà giáo, công hay tư chức có thu nhập trung bình, ổn định, mà có trong nhiều tầng lớp xã hội đa dạng. Những bạn trẻ như ba tôi năm 17 tuổi bền chí nuôi ước mơ học hành giữa nhọc nhằn lo toan cuộc sống chắc chắn cũng nhiều hơn. Làm cho tinh thần khai sáng, canh tân, nhân bản đơm hoa kết trái trên mảnh đất đầy tiềm năng đó, chính là nhiệm vụ của văn hóa, giáo dục, mà Internet và công nghệ truyền thông sẽ tiếp sức tuyệt vời, nhưng không thể làm thay.
 
Xin trân trọng cám ơn. 
 

 

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo