ĐH Hoa Sen tổ chức thành công buổi tọa đàm về Giáo dục khai phóng
Vừa qua, tại trường Đại học Hoa Sen đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề Giáo dục khai phóng tại các trường đại học ở Châu Á do giáo sư Earl Jude Paul Cleope trình bày. Buổi tọa đàm nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia đông đảo từ phía các Khoa, Bộ môn, chủ nhiệm chương trình cùng các giảng viên, nhân viên của trường.
Đông đảo giảng viên, nhân viên tham gia buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, giáo sư Earl Jude Paul Cleope, trưởng khoa Giáo dục thuộc Đại học Silliman (Philippines) đã trình bày một cách sơ lược về lịch sử hình thành của nền giáo dục khai phóng. Xuất hiện ở Tây phương từ rất sớm, nền Giáo dục khai phóng được biết đến thông qua các môn học cốt lõi về nhân loại học, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và nghệ thuật nhằm “khai sáng” cũng như “khai phóng” khả năng sáng tạo, tư duy độc lập ở mỗi cá nhân để từ đó có thể thích nghi và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu luôn biến đổi.
Giáo sư Earl Jude Paul Cleope trưởng khoa Giáo dục thuộc Đại học Silliman (Philippines)
Giáo sư cũng cho rằng việc áp dụng nền giáo dục khai phóng vào châu Á nói chung, cũng như Đông Nam nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là việc yêu cầu các sinh viên học các môn giáo dục tổng quát bên cạnh các môn chuyên ngành. Điều này xem ra lại đi trái với đường lối giáo dục của một số quốc gia khi tập trung đào tạo chuyên ngành để theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn.
Các giảng viên Hoa Sen tham gia thảo luận về Giáo dục khai phóng.
Theo giáo sư Paul Cleope, các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều trường đại học thành công với mô hình khai phóng này. Đối với khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Philippines cũng đã bắt đầu theo hướng giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì vẫn chưa tìm thấy nhiều số liệu cho sự thay đổi này. Ông hy vọng rằng, trường Đại học Hoa Sen sẽ tiến một bước mạnh trong việc đưa chương trình khai phóng vào giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tư duy, sáng tạo và khả năng thích ứng suốt đời.