Để sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp
Sinh viên ngành Quản lý khách sạn – Nhà hàng quốc tế (Vatel) tại Đại học Hoa Sen gặp gỡ, giao lưu cùng đại diện khách sạn Le Meridien Saigon. Ảnh: Đức Long
Giải quyết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp phải được các trường đại học chủ động thực hiện và không chờ đợi các chính sách của nhà nước. Gốc của vấn đề này là doanh nghiệp, nơi sử dụng sinh viên tốt nghiệp, phải được tham gia vào chương trình đào tạo, thực tập, đánh giá và cuối cùng là tuyển dụng.
Hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp
Thông tin chính thức từ hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH tổ chức cho thấy, quý I/2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Việc các tân khoa sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm hoặc phải kiếm nghề trái ngành hoặc thậm chí phải đào tạo lại hiện đang là vấn đề nhức nhối của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Vấn đề này không chỉ đơn giản được giải quyết bởi các chính sách của Nhà nước mà còn cần sự hợp tác của các trường đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Theo số liệu do Bộ LĐTBXH công bố trong quý I/2017, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý IV/2016. Tuy nhiên thất nghiệp ở nhóm trình độ cao đẳng và đại học trở lên giảm chưa đáng kể.
Lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT – cho rằng: “Các cơ sở đào tạo chưa kết nối với doanh nghiệp như một yêu cầu tất yếu để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra trước khi họ tham gia vào thị trường lao động”.
Theo dự báo của ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTBXH, năm 2017 sẽ có những chuyển biến nhưng không nhiều. Mới đây, Bộ LĐTBXH đã xây dựng dự thảo “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với tham vọng đưa hơn 54.000 lao động có trình độ đi làm ở nước ngoài. Chi phí dự kiến cho đề án này khoảng 1.300 tỉ đồng.
Cần sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo
Trong khi các cơ quan chức năng còn loay hoay tìm giải pháp, thì một số trường đại học đã tự tìm lối đi cho riêng mình. Theo khảo sát của Trường Đại học Bách Khoa – Đại học quốc gia TPHCM, tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp của trường này tăng đều qua các năm 2014, 2015, 2016 lần lượt là 39,5%, 46,7% và 60,6%.
Một trong những chiến lược của trường là chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trường đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA ở 6 chương trình đào tạo, đạt chuẩn kiểm định Kỹ sư Pháp và Châu Âu CTI/EUR-ACE ở 7 chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp.
Còn Trường Đại học Hoa Sen, từ năm 2006 đã tiên phong đưa chỉ số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để đánh giá hiệu quả của trường và luôn công khai chỉ số này vào mỗi đầu năm học.PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho biết, cách Đại học Hoa Sen giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên chính là sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tạo môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên. Nhà trường có chiến lược xây dựng và giữ gìn chữ tín trong các hoạt động với doanh nghiệp. Doanh nghiệp biết rõ chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo vì họ đã đi cùng các sinh viên trong suốt thời gian học ở đại học nên hoàn toàn có đủ niềm tin vào chất lượng đào tạo khi tuyển dụng.
Cũng chính nhờ vào chiến lược này, sinh viên luôn biết mình đang học kiến thức gì và sẽ ứng dụng như thế nào khi làm việc. Không như nhiều trường khác, sinh viên không hề bỡ ngỡ ngay những ngày đi làm việc đầu tiên tại doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao tỉ lệ sinh viên của Đại học Hoa Sen bắt đầu làm việc từ khi còn đi học năm 2, năm 3 là khá cao và tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp luôn trên 81% và 3 tháng sau tốt nghiệp là 90%.
Cũng theo ông Hiệp, thị trường lao động mà nhà trường nhắm tới không chỉ là trong nước mà là trong toàn khu vực ASEAN và mở rộng ra thế giới. Thêm một điều đáng ghi nhận, chiến lược trở thành “đại học quốc tế của người Việt” của Đại học Hoa Sen bắt đầu gặt hái nhiều thành công khi nhiều chương trình hợp tác quốc tế được mở ra, nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức ở Đại học Hoa Sen thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu nước ngoài tham gia.
“Sinh viên tốt nghiệp có chất lượng thật sự và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường thì sẽ không lo thất nghiệp. Giải quyết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp phải được các trường đại học chủ động thực hiện và không chờ đợi các chính sách của nhà nước. Gốc của vấn đề này là doanh nghiệp, nơi sử dụng sinh viên tốt nghiệp, phải được tham gia vào chương trình đào tạo, thực tập, đánh giá và cuối cùng là tuyển dụng.
Ngoài ra, hướng các chương trình đến các chuẩn kiểm định quốc tế sẽ bảo đảm chất lượng sinh viên đạt chuẩn mực toàn cầu” – PGS-TS Lưu Tiến Hiệp chia sẻ.
Đức Long
(Nguồn: Lao động)