Đại học Hoa Sen – HSU

Để có một nền giáo dục – khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng

Tiến sĩ Quốc gia Đại học Paris, nguyên Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (ngành Vật Lý lý thuyết), làm việc tại Đại học Pierre & Marie Curie, Paris, giáo sư Phạm Xuân Yêm là một trí thức luôn quan tâm đến văn hóa, giáo dục và khoa học của nước nhà.

Nhân Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang nhóm họp để bàn về công tác giáo dục, khoa học, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư về các lĩnh vực này. Chúng tôi quan niệm, để tiếp cận và nhận thức vấn đề một cách khách quan, có thể, và cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau để có những kết luận và quyết định sáng suốt nhất. Với tinh thần đó, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

Phóng viên:Thưa giáo sư, khoa học, giáo dục cũng là những bộ phận, những thành tố cấu thành của một nền văn hóa, song trong nhận thức thông thường, bề ngoài, theo cơ cấu hành chính thì đó là ba ngành, ba lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Khoa học, giáo dục, văn hóa là ba chân kiềng tạo nên trí tuệ và phẩm chất, tư cách của một cộng đồng, một dân tộc. Là một nhà khoa học, đồng thời là nhà giáo, người am hiểu và quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa, nền văn hóa của đất nước, lại làm việc ở Paris – một trung tâm văn hóa lớn của thế giới, xin đề nghị giáo sư phân tích mối liên hệ hữu cơ của ba nhân tố này trong tổng thể một nền văn hóa? Yếu tố nào có vai trò tiên phong, định hướng sự vận động của nền văn hóa? Và yếu tố nào đóng vai trò động lực, chi phối sự vận động của nền văn hóa, của xã hội?

Giáo sư Phạm Xuân Yêm : Đúng như cách đặt vấn đề của quý Tạp chí, thực sự có mối liên hệ hữu cơ giữa ba nhân tố (khoa học, giáo dục, văn hóa) trong tổng thể một nền văn hiến, tôi thiển nghĩ chúng theo một tuần tự trước sau. Bằng cách đảo ngược vấn đề như một cách tiếp cận, theo chân nhà Phật và cũng là phương pháp thường được khai thác trong khoa học, tôi mạn phép dùng chữ Vô như vô văn hóa, vô giáo dục mà không cần dài dòng vì chúng ta đều cảm nhận rất rõ ràng chúng là gì trong muôn vàn khía cạnh phong phú của cuộc sống. Trái lại, ít ai dùng chữ vô khoa học, nó hẹp hơn và chỉ hàm nghĩa thiếu logic, thiếu thuyết phục bằng lý luận và thực nghiệm.

Giáo sư Phạm Xuân Yêm, theo nét vẽ của Hoàng Tường.

Văn hoá theo tôi hiểu là cả một tiến trình để đạt tới chân thiện mỹ, nó bàng bạc bao trùm mọi suy tư, hành động, ngôn từ, giao tiếp của con người cho đáng là người. Văn hóa chỉ có thể thăng hoa khi được xây dựng trên một nền tảng giáo dục cởi mở, không độc tôn, theo những tiêu chuẩn phổ quát tiến bộ của thế giới để dẫn đường người học trở nên công dân trung thực, đạo đức, có kiến thức đủ khả năng tự lập để suy xét và hành động; sau đó trong Giáo dục thì yếu tố Khoa học (với cả hai chân là Nhân văn và Tự nhiên) đóng vai trò hải đăng.

Sau đây tôi chỉ giới hạn đến yếu tố Khoa học tự nhiên. Nó không phải ngẫu nhiên mà có như ngày nay chúng ta biết. Khoa học được xem là khai sinh tại Hy Lạp cổ đại 2600 năm trước, nhưng rồi từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên nó phải nhường chỗ cho những quan tâm đạo đức, siêu hình, thần học, tôn giáo; chúng chi phối độc tôn cả văn hóa lẫn tư duy. Hơn ngàn năm sau (750 – 1100) là thời đại khoa học mang dấu ấn Hồi giáo vàng son rồi tàn lụi, kéo dài triền miên để vào thế kỷ 17 với Galilei, Kepler, Descartes, Newton, khoa học mới bức phá thoát khỏi các sợi dây trói buộc nó. Nó luôn luôn phải trả giá đắt cho những cuộc bức phá của mình. Từ đó Khoa học trở thành có tính khai minh, ảnh hưởng lan tỏa vào phong trào khai sáng ở thế kỷ 18 trên toàn lục địa Âu châu.

Từ thế kỷ 18 qua thế kỷ 19, khoa học đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, và được thể chế hóa vào các trường đại học, viện nghiên cứu, hàn lâm. Khoa học có giá trị ngày càng phổ quát. Giáo dục, Văn hóa và cả Kinh tế chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của khoa học. Khoa học đã dần dần thay đổi thế giới quan Trung cổ từ Âu sang Á. Đầu thế kỷ 19, với sự ra đời của đại học nghiên cứu Đức (Humboldt), khoa học được đưa vào trung tâm của giáo dục đại học, lấy nghiên cứu khoa học làm nòng cốt hoạt động. Chân lý không còn là bất biến, cái cấm kỵ, mà là “cái mãi mãi phải đi tìm”. Đại học do đó phải có tự do, tự chủ để nghiên cứu và giảng dạy, Khoa học phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Quyền lực tôn giáo mạnh mẽ và cũng tàn bạo biết bao nhiêu nhưng cuối cùng đã không ngăn chặn được sự phát triển khoa học của thời đại. Sự xuất hiện và phát triển khoa học đã có một tác dụng thâm nhập toàn khắp vào thế giới quan của con người và giúp con người nhận biết quyền lực nào đáng được tin hay không. Khoa học tự nó có hệ thống giá trị đạo đức của nó, có nguồn gốc trong sự cởi mở đối với các ý tưởng mới, và sự nghi ngờ trước những gì không được kiểm chứng bởi thực nghiệm và lý tính, tôn trọng cuộc truy vấn có lương tâm những chân lý mới, có tính chăm chút, cẩn trọng và hoàn hảo. “Trong các bông hoa đạo đức của khoa học thì không nghi ngờ tính trung thực là bông hoa cao cả nhất” như Max Planck, người khai sáng thuyết lượng tử, viết.

Chính thể nào không am hiểu sự phát triển lành mạnh của khoa học sẽ tụt hậu. Ở đâu không tôn trọng chân lý, mà lại bè phái, ở đó gian dối phát triển tràn lan. Khoa học là “sức mạnh đại diện” trên trường quốc tế. Quốc gia nào có khoa học phát triển lên đỉnh cao là có uy tín lớn trên trường quốc tế.

Có thể lấy dẫn chứng từ lịch sử dân tộc Việt Nam? Và có thể dẫn chứng từ các nước khác, nước Pháp chẳng hạn?

Giáo sư Phạm Xuân Yêm: Điểm son của triết lý giáo dục tiến bộ trên thế giới là sự bao dung, tôn trọng và bàn cãi tự do những tư tưởng, triết lý, chính kiến, tín ngưỡng khác nhau, chúng bổ túc cho nhau. Tư duy độc lập, phê phán, phản biện, tự vấn không ngừng là những yếu tố quyết định của một nền giáo dục tiến bộ và phổ quát. Không thể áp đặt độc tôn bất kỳ một hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo, triết học nào đó lên sự nghiệp giáo dục đào tạo con người. Nó kìm hãm tư duy sáng tạo, đẩy lùi nền văn hóa và phát triển xã hội.

Triết lý giáo dục ở Pháp dựa trên hai nền tảng: nhà trường thế tục và cộng hòa. Nhà nước tôn trọng và trung lập đối với mọi tín ngưỡng, chính kiến, tư tưởng, nhân sinh quan, triết học. Nhà trường là nơi hòa trộn mọi thành phần, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, giai cấp xã hội, lý lịch của học sinh.

Ta thấy rõ sự khác biệt so với thời phong kiến hàng ngàn năm bên Đông Á mà học thuyết cửa Khổng sân Trình đã độc tôn thống trị tư duy thần dân. Cũng như Cơ đốc giáo với giả thuyết địa tâm sai lầm bên Âu châu đã đưa Giordano Bruno lên dàn hỏa thiêu và Galileo Galilei phải quỳ gối tự chối bỏ tác phẩm đặt nền tảng cho Vật lý và Thiên văn hiện đại. Điển hình gần đây hơn là thời Stalin đã dùng quyền lực chính trị để áp đặt lý thuyết về di truyền của Lysenko, gây tai hại trầm trọng cho nền khoa học của Liên Xô vào giữa thế kỷ 20 vậy. Cũng vậy, giáo điều phát xít Đức đã đẩy lùi nền khoa học Âu châu trong bao năm, làm những tài năng phải di tản sang Mỹ châu. Gần đây hơn là thời đen tối của chủ nghĩa Mao bên Trung Quốc, của Taliban bên Afghanistan. Ở Việt Nam, vụ Nhân văn – Giai phẩm thời 1956 – 1958, dù muốn hay không đã ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, giáo dục, thậm chí khoa học kéo dài cả hàng thế hệ.

Việt Nam chưa có nền khoa học xứng đáng với tiềm năng. Vài con én không làm nổi mùa xuân nên đất nước mãi yếu kém. Nhà khoa học chân chính, lương thiện hiện nay có đồng lương không đủ sống cho gia đình. Làm sao có khoa học phát triển mạnh mẽ được. Nhà khoa học chưa phải lúc nào cũng thuận lợi nói lên sự thật, thì làm sao phục vụ quốc gia hữu hiệu được? Việt Nam là một phản thí dụ của Hàn Quốc gần Việt Nam nhất trong bối cảnh lịch sử cận đại: Thể chế kinh tế – chính trị chậm cải cách đổi mới, tính phi-trung thực, tinh thần bè phái, lợi ích cục bộ, không tôn trọng tiếng nói nhân dân và trí thức, thích nghe một chiều, không ngước nhìn thế giới để học và tự biên tự diễn, những cái đó giết chết văn hoá, khoa học và giáo dục.

Thăng trầm trong lịch sử của các nền văn hiến, đặc biệt Ai Cập, và của khoa học nói riêng cứ đeo đuổi tôi hoài.

Trung thực là một yếu tố quan trọng đầu tiên cho một nền giáo dục nghiêm chỉnh. Ảnh Minh họa

Thế nào là một nền giáo dục hay một nền khoa học hiện đại hay là các tiêu chí của một nền giáo dục – khoa học hiện đại?

Khách quan, định hướng theo khoa học, không giáo điều, không quan liêu. Mọi người cần phải được tôn trọng, và được trọng dụng theo tài năng chứ không theo tiêu chuẩn chính trị, tôn giáo, nguồn gốc gia đình, bè phái lợi ích cục bộ. Giáo dục cần phải khoa học, khai phóng, dân chủ, nhân văn, cởi mở với thế giới, không đóng kín, học hỏi thế giới, phi-ý thức hệ, phi – chính trị hóa.

Để có một nền giáo dục – khoa học hiện đại, cần một nền tảng văn hóa như thế nào?

Một nền văn hóa khai phóng, nghĩa là cởi mở với cái mới, tôn trọng chân lý, tôn trọng sự đa dạng của ý kiến kể cả chính kiến, quý trọng cái tiến bộ, phải biết cái gì cũ, lạc hậu cần phải bỏ và thay vào đó bằng cái mới, không ngừng đi tìm học hỏi ở các dân tộc khác. Cần nhìn nhận hoạt động dân chủ, thảo luận thẳng thắn. Tôn trọng nhân tài xứng đáng, vai trò trọng yếu của lực lượng khoa học, công nghệ.

Phải chăng một nền/hệ thống giáo dục hay một nền khoa học sẽ tạo những giá trị văn hóa của mình?

Đồng ý hoàn toàn, chỉ xin thay … chữ hay bằng chữ và, giáo dục và một nền khoa học…

Giáo dục và khoa học của các quốc gia/dân tộc có một nền tảng chung là tri thức. Phân biệt các nền văn hóa là nhờ sự khác biệt truyền thống/bản sắc. Theo giáo sư thì giáo dục và khoa học đòi hỏi những phẩm chất chung nào? Tại sao?

Mỗi quốc gia đều có truyền thống/ bản sắc. Hãy xem tấm gương Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ hiện đại hóa đất nước nhưng có mất mát truyền thống/ bản sắc của họ đâu? Còn Việt Nam với đường lối chính trị hiện thời có phù hợp với bản sắc và văn hóa dân tộc không?

Theo tôi, đường lối chính trị tất nhiên liên quan và tác động đến chính sách văn hóa, ảnh hưởng đến sự vận động và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, các thể chế chính trị dựa trên nền tảng các học thuyết chính trị khác nhau đều có thể có chính sách phù hợp để bảo tồn và làm sâu sắc hơn, phong phú hơn truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việt Nam không là ngoại lệ. Xin giáo sư trở lại những phẩm chất chung của giáo dục và khoa học?

Tính trung thực, niềm say mê, sự cần cù chăm chỉ, khắc nghiệt với chính mình, quyết tâm lao động, không sờn khó khăn của từng cá nhân có lẽ là những phẩm chất chung đòi hỏi bởi một nền giáo dục và nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh.

Trong lịch sử, và cả trong thế giới hiện đại, cả văn hóa, giáo dục và khoa học, nếu muốn phát triển phải phụ thuộc vào sự tiến bộ của cách thức tổ chức và quản trị xã hội. Một xã hội nếu giải phóng và phát huy được tiềm năng sáng tạo sẽ phát triển được giáo dục và khoa học, sẽ có một nền văn hóa tiến bộ và có nhiều giá trị ưu việt. Nhìn vào thực tiễn của đất nước hiện nay, theo giáo sư thì vấn đề nào, điều kiện nào có ý nghĩa quyết định để phát huy được những phẩm chất tốt đẹp về trí tuệ và tinh thần, cả nguồn lực vật chất nữa nhằm khắc phục tình trạng sa sút, lạc hậu của nền giáo dục, non yếu của nền khoa học và sự suy thoái của văn hóa?

Mỗi quốc gia muốn phát triển thành công, cần phải có một loại khai sáng nhất định từ những nhà lãnh đạo của các tổ chức và quản lý xã hội, càng cao càng phải có ý thức và trách nhiệm lớn hơn đối với lịch sử, điều dĩ nhiên trong một xã hội công bằng dân chủ. Các nhà lãnh đạo trước nhất phải là những nhà chính trị có tinh thần khai sáng, hiểu biết văn hoá thế giới, có tầm nhìn, hiểu biết giá trị của giáo dục, khoa học, của con người, của tính chính trực, của công bằng, của sự tôn trọng nhân cách, của những quyền tự do cơ bản, như quyền phát biểu, quyền nghiên cứu chân lý và phổ biến. Nhà nước cần tạo điều kiện để cùng với nhân dân tạo ra tri thức cần thiết cho sự phát triển đất nước, và trị vì trên cơ sở đó, chứ không phải áp đặt. Cứ nhìn sự khác biệt như mặt trăng mặt trời giữa hai cách thức tổ chức xã hội của Bắc và Nam Triều Tiên.

Đất nước nào xây dựng thành công đều có một triết lý của khai sáng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Trung Quốc, trong chừng mực nào đó, cũng có một loại khai sáng. Họ đã thành công. Họ hiểu quy luật của sự vận hành của khoa học trong xã hội, và đã tạo điều kiện về văn hoá, giáo dục, cơ chế để cho khoa học, công nghệ phát triển. Việt Nam còn lúng túng, chưa tìm ra một loại khai sáng cho mình, đổi mới thế nào, cách mạng công nghiệp là gì, và làm sao để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển. Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI cho thấy sự bế tắc trong việc thực hiện cuộc đổi mới toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách đã được đề ra từ 16 năm trước.

………………………………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Phan Thắng
(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)

Tham khảo thêm:

Facebook Youtube Tiktok Zalo