Trường đại học sẽ tự chủ mở ngành, tự in phôi, cấp phát văn bằng
(GDVN) – Đây là một trong điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Sáng 30/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 và các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở một số điều khác nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.
Cụ thể theo đó, về tự chủ trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.
Các trường được tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật.
Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.
Về tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Các cơ sở giáo dục đại học được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Về khía cạnh tự chủ đại học, báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban cho rằng việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học.
Theo báo cáo, đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc học nêu, Ủy ban cơ bản nhất trí với nhiều nội dung sửa đổi của Dự thảo.
Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình.
Đồng thời, quy định trong Dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính và tài sản.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn