Đại học Hoa Sen – HSU

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Sáng nay (18/09/2012) tại Hội trường lầu 2, cơ sở số 2 Tản Viên, Q.Tân Bình, khoa Khoa học và Công nghệ, trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức buổi hội thảo mang tên “Vai trò chuẩn kỹ năng Công nghệ thông tin và kỳ sát hạch kỹ sư Công nghệ thông tin cơ bản” (The role of information technology skills standards and FE examination) với sự tham gia của ông Phạm Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, ông Miyazawa – Phó Tổng Giám đốc cơ quan phát triển nhân lực Công nghệ thông tin Nhật Bản, TS. Đỗ Văn Bình – Giám đốc Trung tâm đào tạo VITEC, PGS.TS.Bùi Xuân An – Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ, TS.Trần Vũ Bình – Giám đốc dự án ERP, cùng nhiều giảng viên, sinh viên.

Sức hút của kỳ sát hạch kỹ sư Công nghệ thông tin Nhật Bản

Hội thảo “Vai trò chuẩn kỹ năng Công nghệ thông tin và kỳ sát hạch kỹ sư Công nghệ thông tin cơ bản” nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác về Công nghệ thông tin (CNTT) giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để phát triển nguồn nhân lực CNTT ở nước ta. Theo ông Phạm Ngọc Minh, kỳ thi sát hạch kỹ sư Công nghệ thông tin cơ bản nhằm hướng đến việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung cho những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Được biết, IT là một trong lĩnh vực chủ lực trong tiến trình phát triển vượt bậc của Nhật Bản, do đó kỳ thi sát hạch kỹ sư CNTT Nhật Bản được hệ thống hóa, hướng tới mục tiêu là một từ điển cần thiết, phân ra làm 11 ngành nghề, 35 lĩnh vực chuyên môn ứng với từng ngành nghề.

Ông Phạm Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Dựa vào thành tích thực tế và năng lực từng cá nhân mà tiêu chuẩn này chia làm nhiều cấp độ khác nhau và từ năm 2008, theo tiêu chuẩn mới nhất của Nhật Bản, kỳ sát hạch bao gồm các cấp như cấp IT passport (IP) dành cho đối tượng vừa tốt nghiệp Đại học hay mới làm việc tại các công ty, với tỷ lệ đậu là 40%, cấp kỹ thuật viên thông tin cơ bản (FE – Fundamental IT Engineer Examination) dành cho đối tượng đã làm việc tại các công ty chuyên về IT khoảng 3 năm và tỉ lệ đậu là 25%. Hai cấp độ cao nhất của kỳ thi sát hạch kỹ sư CNTT Nhật Bản là kỹ thuật viên ứng dụng (AP – Applied IT Engineer Examination) với tỉ lệ đậu là 20% và kỳ thi liên quan đến kỹ năng kiến thức chuyên nghiệp (Advanced Professional Examination) dành cho các thí sinh trên 30 tuổi với tỉ lệ đậu là 15%.

Đối với giới IT, kỳ thi này khá khó nhưng thí sinh vẫn quyết định dự thi nhiều lần để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Hiện nay những kỳ thi Kỹ sư CNTT hằng năm thu hút 60 vạn người dự thi tại Nhật Bản, ở Phillippine 80% người đậu trong kỳ thi đều làm việc tại những công ty của Nhật, riêng tại Việt Nam thì những nhân viên IT có chứng chỉ kể trên cộng với trình độ tiếng Nhật tương đối thì có thể làm tại Nhật. Ngoài ra, theo ông Miyazawa – Phó Tổng Giám đốc cơ quan phát triển nhân lực Công nghệ thông tin Nhật Bản, các công ty hàng đầu về IT tại Nhật đều dùng kỳ thi này để đánh giá và có chế độ khen thưởng, tăng lương cho nhân viên. Ngoài ra việc công khai số lượng nhân viên đậu kỳ thi ITEE (IT Engineer Examination) sẽ giúp quảng bá đáng kể hình ảnh của doanh nghiệp.

Ông Miyazawa – Phó Tổng Giám đốc cơ quan phát triển nhân lực Công nghệ thông tin Nhật Bản

Hiện tại toàn thế giới đang khan hiếm nguồn nhân lực IT có trình độ cao và riêng tại khu vực ASEAN thì Nhật Bản đang tiến hành hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn nhân lực IT về việc cấp chứng chỉ và cũng như ra đề thi. Việt Nam, Phillipine, Myanma, Thái Lan, Mông Cổ được Hội đồng sát hạch CNTT khu vực (ITPEC – IT Professionals Examination Council) đứng ra tổ chức kỳ thi cùng ngày, cùng giờ và mỗi năm có khoảng 2 vạn 9000 người dự thi. Kỳ thi IP, và FE được tổ chức 2 lần/năm, AP tổ chức 1 lần/năm.

Lời khuyên dành cho những bạn trẻ đam mê IT

Theo TS. Trần Vũ Bình – Giám đốc dự án ERP trường ĐH Hoa Sen, thì những bạn trẻ yêu thích lĩnh vực IT nên tìm một con đường, một lối đi riêng cũng như tình yêu và đam mê dành cho sự lựa chọn của mình. Ngoài ra, mô hình học mới mẻ hiện nay là học chính quy, học kinh nghiệm theo công việc, học từ chia sẻ của chuyên gia (phát triển năng lực qua cộng đồng), học từ chia sẻ ngang đồng thời tìm kiếm những kiến thức mới và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua những khóa học trực tuyến trên Internet của những trường ĐH danh tiếng như MIT, Havard, Stanford…

TS. Trần Vũ Bình chia sẻ về vai trò hệ thống chứng chỉ với sự nghiệp cá nhân và chương trình đào tạo

 

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, TS. Đỗ Văn Bình – Giám đốc Trung tâm đào tạo (VITEC), thì việc sở hữu giấy chứng nhận chuẩn kỹ sư theo tiêu chuẩn Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam ký và có giá trị tương đương tại Nhật Bản, sẽ giúp những bạn trẻ đang mê học tập và làm việc trong lĩnh vực IT có nhiều cơ hội phát triển trong nghề nghiệp. Tại Việt Nam, từ năm 2002, có 10.000 thí sinh tham gia sát hạch và hơn 1.000 thí sinh đạt được chứng chỉ. Riêng tại kỳ thi sát hạch FE mùa xuân 2012 (diễn ra vào tháng 4/2012), sinh viên Phạm Văn Chung (ngành Công nghệ thông tin, ĐH Hoa Sen, lớp QL081) đã đứng thứ ba trong mười thí sinh có tổng điểm cao nhất (AM Score 635; PM Score 650).

TS. Đỗ Văn Bình cũng kêu gọi các bạn trẻ yêu thích CNTT của ĐH Hoa Sen nên thử sức với kỳ sát hạch FE mùa thu sẽ diễn ra vào ngày 28/10/12 sắp tới để tìm kiếm một chứng chỉ giá trị cho con đường nghề nghiệp của bản thân.

Các đại biểu chụp hình bế mạc hội thảo

 

Thông tin chi tiết về kỳ thi sát hạch chuẩn kỹ sư Nhật Bản có thể xem chi tiết tại đây

Phương Thảo

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo