Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải đảm bảo 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ
Ngày 12/04 tại Hội trường Thống nhất, Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có sự tham gia của hơn 300 diễn giả, khách mời từ nhiều các đơn vị khác nhau, chính phủ, trung ương, các cấp ban ngành từ địa phương, các doanh nghiệp, các tập đoàn và các đơn vị đào tạo. Sự tham gia đông đủ này cho thấy tầm quan trọng và tính thời sự cấp bách của hoạt động phát triển, đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch,
Kết quả của các phiên thảo luận liên quan tới đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam có 3 vấn đề cần lưu ý.
1. Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp đều thống nhất đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch phải đảm bảo 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ
Trong thái độ: chúng ta không hiểu 1 cách đơn giản là thái độ trong vấn đề nghề nghiệp mà thái độ là bao gồm cả tư duy để tiếp cận phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Hội nghị cũng có 1 thống nhất cao là các cơ sở đào tạo khi đổi mới các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, thực hiện một cách đầy đủ thực tập thực hành cho sinh viên, nội dung thực tập thực hành phải được cập nhật và tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương đảm bảo 3 vấn đề: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
2. Các cơ sở đào tạo phải có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Mỗi cơ sở đào tạo có một yêu cầu khác nhau về nguồn nhân lực, yêu cầu này phụ thuộc vào điều kiện, mục đích kinh doanh, văn hóa của daonh nghiệp, điều này gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở đào tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo nên tăng cường nhận đặt hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp và thiết kế những chương trình đào tạo đặc thù để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho từng doanh nghiệp.
“Hiện nay, Trường Đại học Hoa Sen đang đi theo đúng hướng về đào tạo nguồn nhân lực như vậy, nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải đưa ra những yêu cầu cụ thể về chất lượng nguồn nhân lực cho phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. Trong năm 2019, Trường Đại học Hoa Sen cũng đã có những hợp đồng về cung ứng nguồn nhân lực cho khách sạn dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.” NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ chia sẻ.
Như vậy, hướng đi đúng đắn cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực hiện nay mang nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội.
NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ tổng kết lại các nội dung được thảo luận trong diễn đàn.
3. Các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ có cơ hội hợp tác với nhau trong việc đào tạo nguồn nhân lực gián tiếp cho du lịch
Đây cũng chính là gợi mở của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phiên thảo luận sáng 12/04/2019. Theo đó, sẽ thực hiện đa dạng phương thức đào tạo, công nhận chuyển đổi giữa các ngành, không cứng như thời gian vừa qua, sẽ rà soát sắp xếp các cơ sở bồi dưỡng cán bộ du lịch theo hướng chuẩn hóa. Song song đó sẽ sắp xếp phân bổ theo không gian gắn với vùng phát triển du lịch để học sinh học gắn với thực hành; khuyến khích xã hội hóa, nhất là doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo, chuẩn mực quốc tế hóa.
Để phát triển du lịch, chính những người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch là những người rất quan trọng chứ không chỉ là người đào tạo ở các trường. Tính hiệu quả gắn với giá trị và chất lượng mang lại, những người thân thiện hữu ích có giá trị hơn nhiều với những cơ sở hạ tầng xa hoa. Chính những cộng đồng, người dân sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Bộ ghi nhận những vướng mắc và sẽ thực hiện đa dạng phương thức đào tạo, công nhận chuyển đổi giữa các ngành, không cứng như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó bộ cũng sẽ rà soát sắp xếp các cơ sở bồi dưỡng cán bộ du lịch theo hướng chuẩn hóa.
Song song đó sẽ sắp xếp phân bổ theo không gian gắn với vùng phát triển du lịch để học sinh học gắn với thực hành; khuyến khích xã hội hóa, nhất là doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo, chuẩn mực quốc tế hóa.
4. Đào tạo phải được phân luồng là đào tạo nguồn trực tiếp và gián tiếp
Theo đó, các cơ sở đào tạo hiện nay còn có thêm một sứ mạng nữa là đào tạo nguồn lực gián tiếp. Nguồn lực gián tiếp không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào các cơ quan Quản lý nhà nước.
NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ cho biết: “Hiện nay, Trường Đại học Hoa Sen cũng đã đào tạo theo hướng này, cùng 8 cơ sở đào tạo về du lịch đã ký kết trong Diễn đàn hôm nay, chúng tôi sẽ tạo ra mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại TP.HCM. Mỗi đơn vị có một điểm mạnh nhưng tựu trung lại là đào tạo nguồn gián tiếp này, mỗi người dân là một đại sứ du lịch như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ. Và qua đây, chúng tôi cũng mong muốn đặt hàng với Sở Du lịch TP.HCM trong thời gian tới, Trường Đại học Hoa Sen nói riêng cũng như liên minh các trường đại học có đào tạo du lịch sẽ có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học để có những chương trình thực tập, trải nghiệm để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch đáp ứng yêu cầu của Doanh nghiệp.”
Trong 2 năm sắp tới, Website của diễn đàn vẫn thường xuyên hoạt động và cập nhật thông tin, hy vọng trang web (http://vntourismforum.com/vi) sẽ nhận được nhiều thông tin chia sẻ của tất cả các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và hai năm sau chúng ta sẽ gặp lại ở diễn đàn với những chủ đề khác nóng hơn, hấp dẫn hơn và nhiều thông tin hữu ích hơn, NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ cho biết thêm.
Trường Đại học Hoa Sen ký kết thỏa thuận hợp tác với các Doanh nghiệp.
Như vậy, Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch 2019 đã chính thức khép lại. Trong khuôn khổ diễn đàn, có hơn 60 cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự và đưa tin, 60 tham luận được gửi về cho BTC. Trong phiên thảo luận buổi sáng có 7 tham luận được trình bày và 1 phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, phiên thảo luận buổi chiều có 8 ý kiến tham luận và thực hiện phiên thảo luận chung.