Đại học Hoa Sen – HSU

Dân lập: Kiêu hãnh và định kiến

Tìm đến GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long để được nghe ý kiến của bà về sự việc nhiều địa phương từ chối sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập vào làm công chức, bà nói ngắn gọn: “Trên thế giới chẳng ai làm thế cả. Chuyện này sẽ làm nhiều nước tròn mắt lên ngạc nhiên!”

Trải qua 23 năm chinh chiến để xây dựng mô hình Thăng Long là trường ĐH ngoài công lập cam kết phi lợi nhuận, những chia sẻ của GS Sính gợi lên một điều: Từ khi xuất hiện đến nay, “dân lập” trở thành hai từ nhạy cảm, bị đóng đinh vào định kiến xã hội.

“Tôi cũng gặp rất nhiều công chức học công lập mà làm việc chẳng ra gì nhưng lại không ai nói gì, không có phản ứng gì, không nói nguồn gốc anh học công lập. Đó là do định kiến xã hội.”

“Còn những kỳ thi công chức ư? Người ta chỉ đồn với tôi là mất 100 triệu. Chỉ có thế thôi, còn hình thức thi tuyển như thế nào thì người ta chẳng nói.”- GS Hoàng Xuân Sính thẳng thắn.

Vậy thì từ đâu định kiến sinh ra? Trả lời cho câu hỏi này, GS Sính không nói gì. Bà chỉ kể lại những câu chuyện từ ngày đầu thành lập ĐH Thăng Long cho đến hôm nay.

Câu chuyện đầu tiên, cửa ải nhân dân đã không dễ để vượt qua:

“Khi nghe tin trường thành lập, một người dân bình thường ở miền Nam đã viết cho chúng tôi một bức thư và nói rằng họ rất vui mừng vì nhận được tin này. Họ có một số tiền để ủng hộ, nếu nhà trường đồng ý, họ sẽ cho người mang tiền ra Bắc chuyển đến trường.

Trong khi đó, ngoài bắc, con em của các phụ huynh mang đến trường,ai cũng hỏi một câu duy nhất: Nếu về sau Bộ không công nhận trường này thì con tôi sẽ thế nào? Ai sẽ chịu trách  nhiệm? Chỉ có sự nghi ngờ, không có sự chia sẻ, ủng hộ.

Thái độ miền Nam và miền Bắc rất khác nhau bởi vì miền Nam, người ta đã quen với hệ thống trường công và trường tư song hành từ ngày xưa. Còn miền Bắc không có. Họ chỉ biết trường công, chỉ cho trường công là tốt, và không biết đến trường tư.”- Một sự đối lập giữa hai thái độ khiến cô Sính nhớ mãi.

Định kiến đã bắt đầu từ đó, chứ không phải đến bây giờ, khi Bộ cho phép thành lập, nâng cấp hàng loạt trường lên ĐH.

Từ đó, trong “cuộc đời dân lập” đã không ít lần phải đấu tranh với định kiến từ trong chính tư duy lãnh đạo ngành giáo dục, dù ĐH Thăng Long được nước ngoài coi như bằng chứng của đường lối chính trị “mở cửa” của Việt Nam thời đó.

Cuối những năm 90, qua những vòng thi với cán bộ các trường công lập khác, một cán bộ trường ngoài công lập đã giành được suất học bổng thạc sỹ nước ngoài duy nhất. Nhưng cái “mác” dân lập trở thành nguyên nhân khiến hồ sơ bị Bộ GD-ĐT kiên quyết từ chối.

“Lần đó, trong chính cuộc gặp với trí thức khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mới lên nhậm chức, tôi đã kiến nghị với ông về việc này. Tôi không thể chấp nhận sự phân biệt như vậy. Lúc đó, Tổng bí thư nói ngay với bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Tại sao lại không cho cán bộ này đi? Phải cho đi ngay chứ!” – GS Sính cho biết.

Rồi cho đến những năm gần đây, cán bộ của các ĐH dân lập mới được đi học nước ngoài bằng ngân sách của nhà nước. Đó cũng là kết quả của những đấu tranh không mệt mỏi từ các trường dân lập để không bị coi như “đứa con rơi” của ngành giáo dục.

Vị chủ tịch Trường ĐH Thăng Long, tuổi đã gần 80, trong những ngày này, sức khỏe của bà không được tốt.

Khi tiếp phóng viên, bà không nói nhiều, chỉ chia sẻ vài câu chuyện như vậy trong 23 năm lăn lộn với ngôi trường do chính bà sáng lập. Dù sức khỏe như vậy, bà vẫn đi làm đều đặn, vẫn chủ trì những cuộc họp.

Đứng trước câu chuyện của Nam Định, GS Hoàng Xuân Sính không phân tích bởi nó cũng tương tự như những gì bà đã trải qua. GS chỉ chia sẻ thẳng thắn: “Đây là chuyện vụng về của những cán bộ lãnh đạo tỉnh Nam Định. Còn chúng tôi, chỉ tự mình chứng minh mình tồn tại và phát triển.”

Còn vị phó hiệu trưởng của trường có mặt trong cuộc gặp gỡ, ông dùng từ “chúng ta đang bị “loạn xì ngầu” để chỉ vòng luẩn quẩn của những định kiến không được điều chỉnh và làm minh bạch. Theo ông, mọi đánh giá vẫn chỉ dựa trên cảm tính, chưa có cơ sở khoa học, thống kê nào chứng minh thuyết phục. Trong khi đó, kiểm định chất lượng ĐH nghiêm túc, công bằng minh bạch từ nhà nước vẫn còn là chuyện phải chờ đợi. Cách hành xử của Nam Định, theo ông, là không lành mạnh trong một xã hội văn minh.

Khác với nhiều trường ĐH ngoài công lập mới mở hoặc mở đã lâu vẫn trầy trật trong khâu thu hút thí sinh, những năm gần đây, nguồn tuyển của Trường ĐH Thăng Long tương đối ổn định với mức tuyển sinh đầu vào cao hơn các trường khác vài điểm.

(Nguồn:  Vietnamnet)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo