Đại học Hoa Sen – HSU

Đại học phải là môi trường văn hóa

 

Các bạn tân sinh viên, các vị khách, đội ngũ giảng viên, nhân viên trường ĐH Hoa Sen, chị Bùi Trân Phượng hiệu trưởng quý mến,

Đại học là nơi thiêng liêng, là tài sản trí tuệ cao quý nhất của nhân loại. Vào đây để nghe tiếng vọng của chân lý, của khoa học từ ngàn xưa. Vào đây là đi tìm chân lý, muốn thấy sức mạnh kỳ diệu của chân lý, của lý tính, của ý tưởng mà bạn đang linh cảm. Hay nói một cách lãng mạn như một học giả, đại học là một thiên đường, với các dòng sông tri thức chảy ở đó, nghệ thuật, khoa học chảy từ đó, với những chiều sâu chưa thể khám phá hết được…
 
Einstein nói: Là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý.
 
Ông muốn nói: anh ta phải là con người của văn hoá, của đạo đức để có được những cảm nhận con người như thế. Các bạn thử tưởng tượng chúng ta sẽ ra sao, nếu chúng ta là những người sản xuất ra sắt, mà tâm hồn chúng ta lại đầy rỉ sắt, nói như nhà văn hào Goethe của Đức nói.

Văn hào Schiller của Đức đã khẳng định trong một bài thơ văn xuôi mang tên Cái lớn lao của Đức nhấn mạnh tính chất đạo đức, và văn hoá của dân tộc Đức như sau: “…người Đức sống trong/ một ngôi nhà sắp sụp đổ, nhưng bản thân anh ta/ là một cư dân cao cả, và trong khi/ Vương quốc chính trị chao đảo/ phẩm chất tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây/ củng cố bền chặt và hoàn hảo hơn”.

John Stuart Mill, tác giả quyển sách nổi tiếng Bàn về Tự do, trong một bài diễn văn khai mạc đại học St. Andrew 1867 đã nói về tính văn hoá, nhân văn của đại học như sau: Con người là con người, trước khi con người là luật gia, bác sĩ, nhà kinh doanh, hay nhà sản xuất; và nếu chúng ta làm cho họ thành những người có năng lực và nhạy cảm, họ sẽ tự làm cho họ thành những luật gia hay bác sĩ có năng lực và nhạy cảm. Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa.[…].

Đại học phải là môi trường văn hoá. Đó là điều quan trọng Humboldt đã nhấn mạnh luôn. Và giáo dục phải được thực hiện trong một môi trường văn hoá. Nếu không, chúng ta giống như những con người sản xuất ra sắt, mà tâm hồn chúng ta đầy rỉ sắt.

Nếu các bạn tìm lại các bậc vĩ nhân thì sẽ thấy bao giờ họ cũng có những Mentor (chữ này nên viết hoa trân trọng), những người truyền cảm ứng và nuôi dưỡng tinh thần họ.

Đằng sau Thomas Jefferson, người viết Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, và cũng của nhân loại, Abraham Lincoln, người giải phóng nô lệ, hay Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại của mọi thời đại, Galileo Galilei, nhà khoa học khai sáng cha đẻ của ngành vật lý học hiện đại, hoặc Wilhelm von Humboldt, nhà cải cách giáo dục đại học Đức và thế giới, đều có các Mentor của họ. Họ là đều là những con người bám rễ vào văn hoá. Chỉ có như thế họ mới làm nên những gì vĩ đại.

Các bạn hãy tìm cho mình những Mentor cho cuộc đời mình, để được luôn luôn nuôi dưỡng và đánh thức.

Con người phải là cái gì thì mới làm được cái gì, như Goethe nói. Đúng thế. Không là cái gì thì mình sẽ không làm được cái gì, phải không các bạn? Cái gì đó chính là một con người có năng lực chuyên môn, và có văn hoá và đạo đức, nghĩa là một con người trọn vẹn. Lúc đó bạn mới làm được những điều thật sự hữu ích, và mới hạnh phúc với chính mình. Giá trị của quốc gia là giá trị của những con người văn hoá.

Xin chúc các bạn tân sinh một năm học mới đầy ý nghĩa với nhiều cảm xúc cao quý. Chúc các bạn, tất cả chúng ta và chúc Đại học Hoa Sen thành công.

Xin cám ơn tất cả các Bạn và Anh Chị.
 

Nguyễn Xuân Xanh 06/10/2012
 

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo