Cuộc sống kham khổ của ‘những anh hùng thầm lặng’ ở Nhật
Hàng trăm chuyên gia và công nhân trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I chỉ ăn bánh quy trong bữa sáng, nhịn bữa trưa, tắm bằng hơi cồn và không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.
Một nhóm công nhân chuẩn bị làm việc gần lò phản ứng số 3 và số 4 tại nhà máy Fukushima I. Ảnh: AP.
Vài ngày sau khi động đất và sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã sơ tán 750 người làm việc trong nhà máy, chỉ để lại 50 người để ngăn chặn nguy cơ nóng chảy của các lò phản ứng. Người dân và giới truyền thông Nhật Bản gọi những người ở lại là võ sĩ đạo thời hiện đại, anh hùng và “nhóm Fukushima 50”. Do TEPCO liên tục bổ sung nhân lực vào nhà máy, số lượng người trong đó hiện lên tới khoảng 400. Họ thay phiên nhau làm việc theo ca, mỗi ca kéo dài không quá 15 phút, để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
Báo Los Angeles Times đưa tin ông Kazuma Yokota, người đứng đầu văn phòng của Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản, đã sống trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I trong 5 ngày để đánh giá tình hình trong nhà máy. Hôm 28/3 ông đã cung cấp thông tin về cuộc sống của những người đang làm việc trong nhà máy.
Theo Yokota, cứ hai ngày một lần, một xe buýt chở người và hàng hóa tiến vào trung tâm của nhà máy điện Fukushima I. Các nhóm lần lượt tiến vào các vị trí rồi quay trở lại xe buýt để nhóm khác thay thế. Mỗi nhóm đều có công nhân và chuyên gia kỹ thuật như kỹ sư vận hành lò phản ứng, kỹ sư điện. Giờ làm việc của họ phụ thuộc vào nhiệm vụ, số lượng người có thể làm việc và nồng độ chất phóng xạ trong nhà máy.
Khi bơm nước nhiễm phóng xạ từ tầng hầm của tòa nhà chứa lò phản ứng hay sửa chữa máy móc trong phòng điều khiển, các công nhân thở bằng bình dưỡng khí và mặc trang phục bảo hộ màu trắng. Dù bao bọc cơ thể người từ đầu tới ngón chân, trang phục bảo bộ không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người. Họ có thể phơi nhiễm chất phóng xạ dù chỉ tới gần lò phản ứng trong chốc lát. Tất cả công nhân ăn và ngủ trong một phòng lớn có diện tích chừng 200 m vuông trên tầng hai của một tòa nhà nằm không xa các lò phản ứng. Với một chiếc chăn, họ sẵn sàng ngả lưng ở mọi khoảng trống, kể cả gần buồng tắm.
Do nhu yếu phẩm được cung cấp hạn chế, khẩu phần ăn của họ hết sức ít ỏi. Bữa sáng của họ là những gói bánh quy giòn chứa nhiều calo và chút nước rau ép, bữa tối gồm một gói nhỏ chứa cơm, một hộp thịt gà, cá thu hoặc cà ri. Họ không có bữa trưa.
Những người trong nhà máy uống nước đóng chai. Mỗi người được cấp tới 1,4 kg nước mỗi ngày. Nhưng họ không có nước để rửa tay, chứ đừng nói tới chuyện tắm, do hệ thống bơm đã hỏng. Thay vào đó, họ tắm bằng cách phun cồn.
“Một số người lo lắng về việc họ không thể thay đồ lót”, Yokota kể.
Các “anh hùng thầm lặng” không có cách nào để liên lạc với người thân ở bên ngoài vì trận động đất hôm 11/3 làm đổ những trạm phát sóng điện thoại gần nhà máy. Đường điện thoại cố định của nhà máy vẫn hỏng nên điện thoại vệ tinh là công cụ duy nhất có thể giúp người trong nhà máy liên lạc với thế giới bên ngoài. Có một đường dây điện thoại từ trụ sở của TEPCO tới nhà máy, song đường dây này không phục vụ những cuộc gọi cá nhân. Tuy nhiên, một số thông tin bên nhà máy vẫn tới được với thế giới bên ngoài nhờ mạng xã hội hoặc thư điện tử.
Các biện pháp bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động được tăng cường sau khi ba công nhân phơi nhiễm với phóng xạ liều lượng cao tuần trước. TEPCO thừa nhận họ không cảnh báo những người làm việc trong nhà máy về mối nguy hiểm tiềm ẩn của nước trong lò phản ứng số 3. Bản thân ba công nhân kia cũng phớt lờ những lời cảnh báo về nồng độ phóng xạ cao gần lò phản ứng.
Nhật báo Mainichi dẫn lời TEPCO cho hay, 9 công nhân đã phơi nhiễm với lượng phóng xạ lên tới hơn 100 millisievert (mSv) mỗi giờ từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân bắt đầu hôm 11/3. Tại Mỹ, giới hạn phơi nhiễm phóng xạ dành cho công nhân nhà máy điện hạt nhân là 50 mSv mỗi năm. Nhật Bản vừa nâng mức giới hạn lên 250 mSv vì công việc của những người trong nhà máy Fukushima I là khẩn cấp và quan trọng. Yokota nói trong 5 ngày tại nhà máy, ông phơi nhiễm với lượng phóng xạ 883 mSv, tương đương khoảng 9 lần chụp X quang. Ngay bên trong tòa nhà mà chuyên gia và công nhân ăn và ngủ, các hạt phóng xạ cũng tồn tại với nồng độ thấp.
Tiến sĩ Robert Peter Gale, cố vấn của chính phủ Nhật Bản về sức khỏe của những người làm việc trong nhà máy Fukushima I, nói rằng các bác sĩ đang chịu sức ép về việc lấy và lưu trữ máu của các chuyên gia và công nhân. Việc này sẽ giúp các bác sĩ điều trị các bệnh phát sinh bởi phóng xạ sau này.
Trong lúc chính phủ Nhật Bản suy tính biện pháp đối phó với sự cố hạt nhân trong tương lai, câu chuyện của Yokota cho thấy cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm, tạo môi trường đảm bảo vệ sinh cho những người bên trong nhà máy Fukushima I và giúp họ liên lạc với bên ngoài vẫn là thách thức lớn.
Masato Kino, người phát ngôn của NISA tại tỉnh Fukushima, nói rằng những người trong nhà máy Fukushima I vẫn chịu đựng được cuộc sống kham khổ bởi họ có tinh thần trách nhiệm cao và ý thức được tầm quan trọng của công việc mà họ đang làm.
(Nguồn: VnExpress)