Củng cố hệ thống quản trị công để chinh phục các mục tiêu đề ra
Trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19, TPHCM vẫn đạt các mục tiêu kinh tế theo dự kiến. Thành quả đó chắc chắn sẽ trở thành nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố khi bước vào năm đầu tiên của thập kỷ thứ ba, thế kỷ 21, với các mục tiêu cần đạt được còn cao hơn.
Những con số thể hiện thành tựu đạt được chắc chắn sẽ kích thích lòng tự hào của những người tạo ra nó. Nhưng để chinh phục những cột mốc cao hơn thì cần tỉnh táo với những con số đó. Chẳng hạn, có thể đặt những câu hỏi: Liệu chi phí mà xã hội bỏ ra để có được những con số đó đã thực sự hợp lý? Thu ngân sách đã có thể nhiều hơn, tỉ lệ tăng trưởng có thể cao hơn nếu khắc phục được khuyết tật này, nhược điểm nọ của hệ thống quản trị công đang vận hành?…
Nói riêng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong mấy năm gần đây, TPHCM liên tục bị các địa phương mới nổi vượt qua, dù vẫn được cho là nằm trong “top” có thứ hạng cao. Điều đó có nghĩa là sức thu hút của thành phố đối với nhà đầu tư đang trên đà giảm. Tình trạng này phải được cải thiện, nếu không thì đến một lúc nào đó, thành phố sẽ không còn có đủ nguồn lực vật chất cho phép đặt ra và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển đầy tham vọng, xứng với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Cần tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, đặc biệt là hệ thống cơ quan cung ứng dịch vụ công. Trên cơ sở ghi nhận những trục trặc, những điểm chưa hợp lý, cần khẩn trương tiến hành xử lý bằng những giải pháp có căn cứ khoa học và khả thi.
Cho đến nay, công cuộc đổi mới trong lĩnh vực hành chính công vẫn chưa đạt kết quả kỳ vọng. Người dân và doanh nghiệp vẫn thường than phiền về sự chậm chạp trong quá trình giải quyết hoặc sự nhiêu khê của quy trình, thủ tục. Chưa nói đến nạn nhũng nhiễu vặt vẫn được ghi nhận ở nhiều nơi. Cần hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ công theo hướng tinh giản, minh bạch, trên cơ sở đặt lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp lên trên hết. Cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện tiến trình cải cách hành chính; nghiêm khắc, triệt để trong việc xử lý những sai phạm gây phiền hà, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Việc chuyển đổi số cũng cần được quan tâm đẩy nhanh tiến độ để hiện đại hóa nền tảng của hệ thống dịch vụ công, tạo ra nhiều tiện ích mới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, khi cần thực hiện yêu cầu dịch vụ công, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước (khai thuế, đóng thuế, nộp phạt…), một chiếc máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng thích hợp là đủ để thực hiện giao tiếp mọi nơi, mọi lúc.
Mặt khác, phải chú trọng việc trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của nền công vụ hiện đại và hội nhập. Công chức, viên chức ngày nay không chỉ có phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn tốt, mà còn phải biết khai thác các thành tựu công nghệ số, có khả năng giao tiếp một cách tự tin, đĩnh đạc bằng ngoại ngữ thông dụng. Công chức, viên chức của TPHCM phải thuộc nhóm ưu tú nhất trong đội ngũ công chức, viên chức đạt các yêu cầu đó.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 11/01/2021. >>CHI TIẾT)