Đại học Hoa Sen – HSU

Cơ hội và thách thức cho KH&CN trong tái cấu trúc kinh tế

Để thực hiện được nhiệm vụ “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” mà Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 mới đây đã đề ra, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của KH-CN, tri thức trong tất cả các giai đoạn của hoạch định chính sách, dự án, từ khâu cải cách thể chế ở tầm vĩ mô đến tầm vi mô.

Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã mạnh mẽ khẳng định yêu cầu: “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, … tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công;  cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư cũng thăng thẳn đề ra yêu cầu khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm”. Những yêu cầu này xuất phát từ thực tế kinh tế-xã hội của đất nước là hiệu quả đầu tư rất thấp, chi phí đầu tư quá cao, chi phí sản xuất và tiêu hao năng lượng, điện, nước, tài nguyên, vật liệu đều rất cao trong tất cả các ngành từ nông nghiệp đến công nghiệp, xây dựng v.v., vừa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, vừa không tạo ra năng lực cạnh tranh cần thiết trên thị trường trong nước và thế giới. Kinh tế Việt Nam đã phải cần một lượng đầu tư, tiền, tín dụng cao hơn hẳn các nước trong khu vực để đạt được tốc độ tăng trưởng chỉ bằng họ nhưng lạm phát, nhập siêu, bội chi ngân sách, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài tăng lên nhanh chưa từng thấy. Việt Nam phải thực thi những cải cách mạnh mẽ và có hiệu lực, nếu không tình hình kinh tế- xã hội sẽ có thể diễn biến rất phức tạp. 

Điều hiển nhiên là đã có những con người, cơ chế, chính sách nhất định dẫn đến tình trạng rất đáng lo ngại trên. Để thay đổi mô hình tăng trưởng gắn liền với tái cơ cấu kinh tế cần thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách do những người cải cách thực hiện. Rõ ràng rằng không thể thay đổi mạnh mẽ mà không thay đổi tư duy, cơ chế, chính sách. Trong toàn bộ quá trình này KH-CN thuộc tất cả các bộ môn có cơ hội đóng góp to lớn và cũng đứng trước những thách thức không nhỏ.

Để thực hiện được nhiệm vụ đúng đắn được đề ra trên đây, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của KH-CN, tri thức trong tất cả các giai đoạn của hoạch định chính sách, dự án, từ khâu cải cách thể chế ở tầm vĩ mô đến tầm vi mô.

Nhiệm vụ đầu tiên là phải mở rộng dân chủ, thực sự thu hút các nhà khoa học, chuyên gia độc lập để phân tích chính xác, khoa học, khách quan thực trạng kinh tế, những nguyên nhân trực tiếp và căn nguyên sâu xa dẫn đến thực trạng được phát hiện. Những nhận định của Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng là những căn cứ quan trọng để tiếp tục đào sâu, chỉ rõ những cơ chế chính sách nào đã tạo ra cơn đại hồng thủy về đầu tư, vay nợ tràn lan với trình độ KH-CN rất lạc hậu. Cần phải làm rõ những cám dỗ nào đã dẫn đến tình trạng các tập đoàn kinh tế nhà nước đua nhau dùng tiền vốn của nhà nước lập các công ty con, cháu, đầu tư ra ngoài ngành trong khi nhiệm vụ chính còn rất nhiều bất cập. Cần làm rõ những “nhóm lợi ích” nào đứng đằng sau việc đua nhau xây cảng biển, sân bay, thủy điện, cho nước ngoài thuê rừng v.v. bất chấp các kiến nghị của các nhà khoa học và các chuyên gia. Chính sự cám dỗ và động lực vật chất ngắn hạn đó đã giết chết động lực đầu tư vào KH-CN, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Chừng nào không thay đổi được xu hướng kiếm được lợi nhuận dễ dàng bằng cách khai thác tài nguyên, khai thác mỏ, phá rừng với chi phí rất thấp thì động lực vận dụng KH-CN, sáng tạo, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để tăng trưởng lâu dài không có chỗ đứng.

Để thực hiện những cải cách đúng đắn đã được nêu trên, trước hết, rất cần lập ra Ủy ban Cải cách Kinh tế của Bộ Chính trị, có quyền hạn và nhiệm vụ thích đáng, tổ chức việc nghiên cứu, giao nhiệm vụ, giám sát, thúc đẩy việc thực thi các cải cách cho Chính phủ và bộ máy các cấp thực hiện. Ủy ban này sẽ thực hiện dân chủ rộng rãi, huy động các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia sôi nổi, năng động của các đoàn thể, các tổ chức, hiệp hội chuyên môn cũng như các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Trong toàn bộ quá trình này, KH-CN, các hiệp hội và chuyên gia có vai trò rất to lớn trong việc xác định được nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình đất nước. 

Trong ba khâu đột phá quan trọng được Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định, rõ ràng khâu cải cách doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là then chốt và trọng yếu nhất, vì khu vực này đang nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế và những ngành công nghiệp, dịch vụ có ‎ nghĩa quyết định hiệu quả, năng suất của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thay vì bổ nhiệm các chủ chốt bằng những quyết định không có điều kiện ràng buộc, thiếu công khai, minh bạch cần chuyển sang tuyển chọn công khai các ứng cử viên từ các nguồn trong xã hội trên cơ sở cạnh tranh nhằm đáp ứng những yêu cầu nhất định đối với tập đoàn hay tổng công ty do các chuyên gia đề xuất như yêu cầu tăng năng suất lao động, tăng tỷ suất lợi nhuận, đổi mới KH-CN, giảm tiêu hao năng lượng, vật tư, ô nhiễm môi trường, tăng xuất khẩu v.v.. mà doanh nghiệp cần đạt được.Các chức danh chủ chốt cần được bổ nhiệm công khai trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm có thời hạn, thực thi các yêu cầu nêu lên. Nếu thực hiện trên mức cam kết sẽ được thưởng, nếu không thực hiện được sẽ phải thay đổi. Bằng cách đó có thể tạo ra luồng sinh khí mới trong khu vực kinh tế trọng yếu này.

Hy vọng những cải cách mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ tạo ra động lực và môi trường thuận lợi để phát huy KH-CN.

(Tác giả: Lê Đăng Doanh. Nguồn: Tiasang)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo