Đại học Hoa Sen – HSU

Chưa rõ “tự chủ đại học”

Nhiều chuyên gia đánh giá bản dự thảo Luật giáo dục đại học (GDĐH) mới nhất sẽ được trình Quốc hội hôm nay đã có những chỉnh sửa khá quan trọng so với các dự thảo trước.

Tuy nhiên, một số cho rằng dự thảo vẫn chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề mang tính chiến lược của GDĐH.

Dự thảo quy định trường ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh nhưng lại nói bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh. Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

 

Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là vấn đề tự chủ của cơ sở GDĐH. Tờ trình dự thảo luật khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH… là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật.

Vẫn còn mờ nhạt

Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, hiện tại các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều và phần lớn còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở GDĐH thực thụ, nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.

“Dự kiến cuối năm 2012 Trung ương Đảng sẽ họp bàn về GD-ĐT, trong đó có GDĐH. Những quyết định của cuộc họp này là cơ sở đường lối chính sách của Nhà nước về GDĐH. Rõ ràng hiện vẫn chưa có chiến lược, chính sách mà lại nhảy vào làm Luật GDĐH trước là quy trình ngược”.
GS PHẠM PHỤ

“Như vậy dự thảo giới hạn lại vì thực trạng không đồng đều này. Rất tiếc lộ trình và làm gì để thực trạng này giảm dần thì không tìm thấy trong dự thảo. Chỉ biết là sự hạn chế của quyền tự chủ tùy thuộc vào sự phân tầng” – GS Trân nói.

PGS.TS Trần Cảnh Vinh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng rất nhiều vấn đề đang tồn tại của GDĐH chưa được làm rõ trong dự thảo luật. Hệ thống các trường ĐH thuộc các bộ ngành hiện không còn phù hợp. Hiện có nhiều quy định chồng chéo của các bộ đang “trói” các trường này vẫn chưa được làm rõ trong dự thảo luật GDĐH. “Các trường ĐH cần có sự tự chủ về tài chính, nhân sự và cơ cấu tổ chức. Việc này cần thể hiện cụ thể trong dự thảo luật, nếu không thì vẫn là xin – cho” – ông Vinh nói.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng luật phải đặt ra, thúc đẩy sự thay đổi, trong khi luật để hợp thức hóa những cái đã có rồi thì rất vô lý. Nếu trường ĐH quá chuyên ngành trực thuộc một bộ ngành nào đó như hiện nay thì không thể nào tự chủ được. Một trường ĐH phải đủ người có trình độ, hiểu biết để tự quản lý và không cần nơi nào can thiệp vào. Trong khi phần lớn các trường ĐH ở VN không đủ điều kiện này.

Trong khi đó, PGS.TS Mai Hồng Quỳ – hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM – cho rằng Luật GDĐH cần có quy định ghi nhận quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ của mình để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ của cơ sở ĐH không là mục đích, đó chỉ là phương tiện để xã hội có được sản phẩm ĐH có chất lượng. Tăng tự chủ cho cơ sở GDĐH không có nghĩa là Nhà nước không có vai trò gì. Nhà nước cần có sự thay đổi trong việc can thiệp và Luật GDĐH cần có cơ chế rõ ràng về sự can thiệp này.

GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), nhận định: “Vấn đề tự chủ ĐH trong dự thảo luật này viết rải rác, mù mờ. Vấn đề hội đồng trường đã được đặt ra nhưng những quy định về quyền hạn vẫn rất chung chung, chưa làm rõ vai trò của các bộ chủ quản”.

Theo GS Phạm Phụ, không phải các trường đều tự chủ như nhau, chỉ những trường nào mạnh, có hội đồng trường thực chất mới được tự chủ. Khi có hội đồng trường mạnh, hoạt động đúng chức năng mới thực hiện được quyền tự chủ. Từ đó khái niệm bộ chủ quản tự mất đi.

Đi bên lề thực tế

GS Nguyễn Ngọc Trân nhận xét: “Đọc dự thảo luật thấy không có vấn đề gì lớn trong mảng ĐH tư thục, trong khi trên thực tế ở đây có rất nhiều vấn đề khá nóng bỏng mà cốt lõi là một trường ĐH tư thục có phải là một doanh nghiệp cổ phần thông thường hay đặc thù… Tôi e rằng dự thảo Luật GDĐH sẽ đi bên lề thực tế của ĐH tư thục, và nguy hơn nữa đã vội thể chế hóa những thực nghiệm (có đúng và có sai) mà bộ đang tiến hành”.

Tương tự, GS Phạm Phụ cũng cho rằng phát triển ĐH ngoài công lập là vấn đề rất lớn phải làm rõ vấn đề lợi nhuận, không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận một phần. Trong luật hoàn toàn tránh né những vấn đề này. Cụ thể hơn trong vấn đề này khi nói hội đồng quản trị chỉ đề cập đại hội cổ đông, số cổ phần đóng góp chỉ nói đến ĐH tư thục vì lợi nhuận.

Theo PGS.TS Trần Cảnh Vinh, nhiều vấn đề về tài chính trong dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng. “Quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở GDĐH rất quan trọng, nhưng trong dự thảo luật không thấy quy định về việc này. Ngoài quy định về sử dụng nguồn học phí, nguồn ngân sách nhà nước phải đấu thầu công khai, minh bạch”.

TSKH Cao Văn Phường, hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, nhận định dự thảo Luật GDĐH viết quá dài, quá chi tiết nhưng lại quá chung chung, giao quá nhiều nhiệm vụ cho bộ trưởng và Thủ tướng, không tạo quyền tự chủ cho cơ sở. Những quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở GDĐH trong dự thảo luật có vẻ như “mở”, nhưng sau đó lại “trói” bằng quy định khác. Nếu như dự thảo Luật GDĐH được thông qua, các cơ sở giáo dục phải tiếp tục chờ nghị định, hướng dẫn và lại tiếp tục cơ chế xin – cho.

Bỏ ngỏ vấn đề bộ chủ quản

Dự thảo lần này cho thấy không có sự chuyển biến về việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản bởi “bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH theo thẩm quyền” (điều 70, khoản 3). Việc thừa nhận sự tồn tại của “bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT” thật sự là sự giẫm chân tại chỗ của các nhà soạn thảo, bởi trên thế giới hiện nay chỉ còn vài quốc gia duy trì hình thức bộ chủ quản.

Ngay cả Trung Quốc – một quốc gia vốn đề cao vai trò quản lý của nhà nước và các bộ chủ quản, cũng đã từ bỏ mô hình bộ chủ quản từ năm 1998. Phải chăng nếu hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, được phép quyết định về tài chính (mức học phí, tài sản), bổ nhiệm nhân sự cấp cao (hiệu trưởng, hiệu phó), chương trình đào tạo (mở ngành, liên kết đào tạo)… thì vai trò của bộ chủ quản sẽ dần mờ nhạt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nghị quyết 14/2005 của Chính phủ về việc xóa bỏ bộ chủ quản?

TS ĐÀO VĂN KHANH (ĐH Southern Cross, Úc)

Theo TRẦN HUỲNH

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Facebook Youtube Tiktok Zalo