Chỗ đứng của triết học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Pháp
Sáng thứ tư, ngày 18/06/2015, 684.734 thí sinh lớp 12 trên toàn nước Pháp bước vào ngày thi môn triết, môn thi truyền thống đầu tiên trong kỳ thi tú tài hàng năm và là “môn vua” trong các môn mà học sinh phải thi.
Mấy ngày hôm nay báo đài tại Pháp thường xuyên đề cập về sự kiện quan trọng này, nhiều tờ báo mở chuyên mục đặc biệt về “tú tài triết” để đưa tin, bình luận.
Học sinh làm bài thi Triết học (baccalauréat exam) ở thành phố Strasbourg, Pháp
Dưới đây là 2 đề trong 3 đề thi của mỗi ban:
Các chủ đề thi
Ban Văn chương (Bac de Littérature)
Đề 1 : Tôn trọng tất cả những bản thể sống là một nghĩa vụ đạo đức ?
Đề 2 : Phải chăng tôi chính là thành phẩm của quá khứ bản thân ?
Liên quan đến đề thi trên, trang Web Pédagogique khuyên các thí sinh chọn đề 1 phải nắm vững các khái niệm như tôn trọng, đạo đức, sống ; ngoài ra thí sinh cũng phải phân biệt giữa đạo đức học và đạo đức. Liên quan đền đề 2, thí sinh được gợi ý là phải suy nghĩ về cái tôi chủ thể, về những gì tôi là, về quá trình hình thành cái tôi, hình thành căn tính bản thân.
Ban Khoa học (Bac Scientifique):
Đề 1 : Phải chăng một tác phẩm nghệ thuật luôn có cùng một ý nghĩa ?
Đề 2 : Phải chăng chính trị có thể thoát ly ra khỏi sự ràng buộc của chân lý ?
Ban Kinh tế và Xã hội (Bac Economique et Social):
Đề 1: Ý thức cá thể phải chăng chỉ là sự phản ánh của xã hội trong đó cá thể sống ?
Đề 2 : Phải chăng người nghệ sĩ đem ra điều gì đó để hiểu ?
Ban Kỹ thuật (Bac Technologique):
Đề 1 : Văn hoá có làm nên con người ?
Đề 2 : Chúng ta có thể hạnh phúc mà không cần tự do không ?
Tất cả các đề thi đều ở dạng mở, muốn làm bài tốt, các thí sinh được khuyên phải có kiến thức rộng về các triết gia và các khái niệm triết học trong các tác phẩm của họ, cũng như khả năng liên hệ giữa các khái niệm với nhau, giữa các khái niệm này và thực tại xã hội.
Tại sao triết học lại chiếm chỗ quan trọng trong nhà trường Pháp ?
Triết học là một trong những môn học khai phóng, có chỗ quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là ở bậc trung học phổ thông tại Pháp : Học sinh lớp 12 – Ban Văn Chương phải học 8 giờ/tuần ; Ban Kinh tế và Xã hội là 4 giờ/tuần ; Ban Khoa học là 3 giờ/tuần và Ban Kỹ thuật là 2 giờ/tuần.
Giảng dạy và thi cử triết học trong nhà trường liên quan đến lý tưởng của nền cộng hòa. Theo nhà báo Annabelle Laurent1 (2010) thì Napoleon đã lập ra môn thi này năm 1808 với mục đích là đào tạo các « công dân khai minh ». Triết học liên quan đến tự do tư tưởng, mà điều này lại được xem như một trong những phẩm chất của người công dân trong nền cộng hòa Pháp.
Trong một thông tư được ban hành ngày 26 tháng 9 năm 1922, môn triết học được định nghĩa như là «học về tự do thông qua thực hành suy tư », theo đó mục tiêu của việc giảng dạy môn này là tập cho học sinh « thể hiện các suy tư và phán đoán ». Thông tư này cũng nói rằng nhiệm vụ của triết học là chuẩn bị nơi các « công dân khai minh » tinh thần trách nhiệm.
Tóm lại, vai trò của việc giảng dạy triết học trong nhà trường là mở mang trí tuệ, rèn luyện kỹ năng lập luận, tranh biện, phương pháp tư duy, truy vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm cho học sinh. Nhờ vậy, nước Pháp luôn được đánh giá là đã nuôi dưỡng tốt văn hóa phản biện và giàu có về vốn trí tuệ trong dân chúng.
Những điều trên nằm trong truyền thống tinh thần của Socrates, triết gia đã sống cách chúng ta gần 24 thế kỷ và đã đưa ra một tuyên bố nổi tiếng «Cuộc sống không truy vấn là cuộc sống không xứng đáng với con người », tinh thần này của ông đã trở thành linh hồn của các nền giáo dục không những chỉ ở Pháp mà còn tại nhiều nước Phương Tây cho đến hôm nay (xem Martha C. Nussbaum, 2010 2).
Nguyễn Khánh Trung
(Nguồn: Tạp chí Tia Sáng, ngày 19/06/2015)
1 Pourquoi la France philosophe? Theo đường dẫn: http://www.slate.fr/story/23119/pourquoi-la-france-tient-tant-la-philo.
2 Martha C. Nussbaum. (2010). Vô vị lợi – Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn (dịch bởi Bùi Thanh Châu (2015). Tp. HCM : Nxb. Hồng Đức & ĐH Hoa Sen.