Chính sách nào thu hút nhân lực khoa học?
Chính sách đối với trí thức khoa học có lẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo tốn nhiều giấy mực nhất.
– Có ý kiến cho rằng, lương cho trí thức hiện nay quá thấp, phải trả cho trí thức theo một chế độ đặc biệt ưu đãi. Nhưng ưu đãi thế nào?
– Có ý kiến cho rằng, điều kiện sinh hoạt và làm việc của trí thức hiện còn rất nhiều khó khăn, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho họ. Vậy tháo gỡ khó khăn đó bằng cách nào?
– Có ý kiến cho rằng hiện nay các nhà lãnh đạo sử dụng trí thức không đúng thực tài, phải có chế độ để tự động sàng lọc nhân tài, lại có ý kiến là nhà nước phải có chính sách thu hút nhân tài. Vậy làm thế nào thu hút được và sử dụng được những trí thức có thực tài?
– Có ý kiến đòi hỏi phải có chế độ lương đặc đãi đối với lớp trí thức “cao cấp”, như là giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS)
– Vân vân và vân vân
Vì vậy, để Nghị định của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, sử dụng và trọng dụng nhà khoa học do Bộ KH&CN soạn thảo có tính khả thi, cần được thảo luận trong cộng đồng khoa học.
Cách đây mấy năm đã đưa bàn về chế độ lương “đặc đãi” cho GS/PGS ở Quốc hội, nhưng bàn đi bàn lại mãi, cuối cùng câu chuyện đành xếp lại vì chưa có sức thuyết phục trên các diễn đàn.
Lùi xa mấy thập niên về trước, từ đầu thập niên 1970, thế hệ chúng tôi đã được chứng kiến những cuộc tranh luận về các chế độ “đặc đãi” tương tự như thế. Đến năm 1976, Nhà nước quyết định phân phối nhà cho “cán bộ khoa học và kỹ thuật (KHKT)” để giải quyết bớt khó khăn trong sinh hoạt của anh chị em, để họ có thêm điều kiện làm nghiên cứu khoa học. Sau khi có quyết định thì mới xuất hiện khó khăn: Quỹ nhà để phân phối chỉ có mấy chục căn hộ, mà đối tượng gọi là “Cán bộ KHKT” thì có đến hàng ngàn. Vậy phân cho ai?. Sau khi bàn soạn rối bời thì đi đến quyết định, cái đối tượng gọi là “Cán bộ KHKT” được giới hạn trong nhóm gồm những người có bằng tiến sỹ và phó tiến sỹ (TS/PTS). Sau khi các TS/PTS được phân phối nhà, thì các kỹ sư bậc cao có ý kiến “Chúng tôi trực tiếp sản xuất còn quan trọng hơn TS/PTS”, thế là trong danh sách “Cán bộ KHKT” được nối dài thêm “Kỹ sư từ bậc 3 trở lên”. Sau khi kỹ sư 3 được giải quyết thì công nhân bậc 7 đòi quyền lợi. Họ nói: “Bọn kỹ sư là lý thuyết chỉ tay năm ngón, chúng tôi mới là người lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất”… thế là danh sách được bổ sung thêm “Công nhân từ bậc 6 trở lên”. Sau khi công nhân bậc 6 trở lên được đưa vào danh sách, thì các anh trung cấp kỹ thuật phản ứng: “Kỹ sư là anh lý thuyết chỉ tay năm ngón, công nhân là bọn chỉ biết làm theo quy trình… Đầu tắt mặt tối sớm khuya lăn lộn chỉ đạo quy trình sản xuất là chúng tôi. Hà cớ gì chúng tôi không được xem là cán bộ KHKT”… Quá trình phản ứng kéo dài tiếp cho đến bác sỹ… “Bọn họ chỉ trông coi máy móc, chúng tôi trông coi tính mạng con người”… Rồi đến cánh giáo viên… “Bác sỹ chỉ trông coi phần xác, chúng tôi mới chính là người chăm sóc phần hồn”…