Đại học Hoa Sen – HSU

Châu bản thời vua Bảo Đại khắc ghi chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam (19/07/2011)

Nếu như các tờ châu bản thời vua Minh Mệnh và Thiệu Trị được viết bằng chữ Hán thì các tờ châu bản thời vua Bảo Đại được viết bằng chữ Quốc ngữ. Và một điều khác biệt nữa là trong thời điểm Nam triều thuộc Pháp bảo hộ này, có châu bản lại được sao dịch thêm một bản ngôn ngữ Pháp.

Bản sao châu bản sang tiếng Pháp do Thương tá Trần Đình Tùng soạn

Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu tới bạn đọc hai châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An công bố sau khi phát hiện ra nhiều tài liệu chữ Hán, Việt, Pháp… trong tủ sách tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại) tọa lạc tại 31 Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế). Sở dĩ nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm được và đứng ra công bố tài liệu châu bản quý vì công chúa Ngọc Sơn chính là bà nội của vợ ông. Trung quân đô thống, phò mã Nguyễn Hữu Tiến (chồng của công chúa Ngọc Sơn) – một vị quan có vai vế trong triều đình đã đưa về nhà cất giữ một tập châu bản với khoảng 70 văn bản có chữ phê, chữ ký của vua Bảo Đại. Trong quá trình nghiên cứu tập châu bản này, ông Phan Thuận An đã phát hiện hai châu bản có liên quan trực tiếp đến việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa. Hiện tại, hai châu bản này đã được bàn giao cho Bộ Ngoại giao để lưu trữ.

Hai tờ châu bản đều có kích cỡ giấy 21,5x31cm và đều có niên đại năm Bảo Đại thứ 13 (1939). Đây là loại giấy tốt, chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Bởi vậy, ở góc phía trên bên trái của mỗi tờ, ngoài hai hàng chữ Pháp “Palais Impérial” (Hoàng Cung) và “Cabinet Civil de Sa Majesté” (Ngự tiền Văn phòng), tờ nào cũng có in dòng chữ Hán “Ngự tiền Văn phòng dụng tiên”. “Tiên” là loại giấy có vẽ hình đẹp làm nền, ngày xưa thường dùng để viết thư, cũng thường gọi là giấy “hoa tiên”.

Tờ châu bản thứ nhất đề ngày 15-12 năm Bảo Đại thứ 13, tức là ngày 3-2-1939. Châu bản này không giống các châu bản khác ở chỗ có đến 2 văn bản khác nhau (một bản bằng tiếng Việt, một bản bằng tiếng Pháp), nhưng liên quan mật thiết với nhau. Văn bản tiếng Việt được soạn trước, có nội dung như sau: “Huế, ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3-2-1939). Ngự tiền Văn phòng kính tâu: Nay Văn phòng chúng tôi có tiếp tờ thơ số 68-sp ngày 2 – 2 -1939 của Quí Khâm sứ Đại thần Thương tá xin thưởng Tứ hạng Long tinh cho M. Fontan, Louis, Garde principal de 1ère classe de la Garde Indigène, vừa tạ thế ở nhà thương Huế; và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng đế ban chuẩn. Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung Kỳ đài thọ. Vậy chúng tôi xin sao nguyên thơ của Quí Khâm sứ Đại thần, phụng đính theo phiến nầy, kính tâu lên Hoàng đế tài định, hậu chỉ lục tuân. Nay kính tâu! Tổng lý Đại thần (ký tên: Phạm Quỳnh).

Châu bản ngày 3-2-1939

Văn bản tiếng Việt này đã được soạn lại thành một bản ngôn ngữ chữ Pháp để gửi tới Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đóng ở bờ nam sông Hương. Toàn văn bản dịch như sau: “Huế, ngày 2-2-1939 – Khâm sứ Trung Kỳ- Huân chương Bắc đẩu Bội tinh – Kính gửi Ngài Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, Huế. Thưa Ngài, Tôi kính nhờ Ngài vui lòng tâu lên Đức Kim thượng xin phê chuẩn cho một đề nghị là truy tặng Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan là Chánh Cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh, vừa tạ thế vào ngày hôm nay tại Nhà thương lớn ở Huế sau khi bị bệnh sốt “typhus” mà ông đã nhiễm phải trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa. Trong trường hợp lời đề nghị này được chấp nhận, tôi sẽ rất biết ơn Ngài nếu Ngài gửi thật gấp bằng khen và huy chương ấy cho tôi qua trương mục ngân sách địa phương. Ký tên: Graffeuil. Sao y nguyên bản. Thương tá Ngự tiền Văn phòng – Ký tên: Trần Đình Tùng”.

Văn bản chữ Việt và văn bản chữ Pháp của châu bản thứ nhất này có thể hiểu như sau: Vào ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời trong ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian ra công tác tại đây ông đã bị nhiễm phải một loại bệnh sốt rét rất nguy hiểm và chết tại Nhà thương lớn ở Huế. Sau khi nhận được văn thư này, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thương tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên nhà vua. Ngày 3-2-1939, nghĩa là chỉ 1 hôm sau, tờ phiến và bản sao văn thư ấy được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Trong tờ phiến, ông Tổng lý tuy không nhắc lại nguyên nhân cái chết của ông Fontan (vì đã có nói rõ ở văn thư đính kèm rồi), nhưng đề nghị ban thưởng “Tứ hạng Long tinh” cho viên chức người Pháp ấy. Đây là thái độ của triều Nguyễn coi trọng công lao của những người thuộc chính quyền Bảo hộ có công phòng thủ đảo Hoàng Sa. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, vua Bảo Đại chấp nhận ngay những lời đề nghị và đã ngự phê hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” (Bảo Đại) bằng viết chì màu đỏ”.

Châu bản ngày 15-2-1939 có chữ châu phê của vua Bảo Đại

Châu bản thứ hai cách châu bản thứ nhất kể trên ít ngày. Nội dung châu bản ghi: “Huế, ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13. (15 Février 1939). Ngự tiền Văn phòng kính tâu: Nay Văn phòng chúng tôi có tiếp thơ số 177s-sp, ngày 10 tháng 2 năm 1939 của quí Khâm sứ Đại thần thương rằng ngạch binh thanh khố Trung Kỳ có nhiều công lao trong việc dẹp yên các miền man di dấy loạn và lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa, nghĩ nên thưởng Ngũ hạng Long tinh cho hiệu kỳ ngạch ấy và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng đế ban chuẩn. Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung Kỳ đài thọ. Chúng tôi có phụng nghĩ dạng bản dụ ngữ ban chuẩn huy chương ấy cho ngạch binh thanh khố Trung Kỳ, kính tâu lên Hoàng đế tài định, như mông du doản, hậu chỉ lục tuân. Nay kính tâu. Tổng lý đại thần, Thần: (ký tên: Trần Đình Tùng)”. Bên lề trái của văn bản, vua Bảo Đại có phê chữ “Chuẩn” và ký tắt hai chữ “BĐ”. Vì cách nay đã gần trăm năm nên ngôn ngữ có phần thay đổi. Nội dung có thể hiểu như sau: Ngày 10-2-1939, Tòa Khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, do có công… lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15-2-1939, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Trần Đình Tùng dâng lên Hoàng đế Bảo Đại tờ “tấu” xin nhà vua duyệt y. Chi phí về thưởng cấp huy chương do Tòa khâm sứ Trung Kỳ đài thọ. Qua hai châu bản này, chúng ta thấy trong khoảng thời gian ngắn (cách nhau hơn ngày), đã có tới hai châu bản liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa. Mặc dù thời điểm đó, Nam triều đang thuộc sự bảo hộ của Pháp nhưng những người lính đi nghĩa vụ ở Hoàng Sa về đều được trọng thưởng. Thậm chí khi những người Pháp làm suất đội hay chỉ đơn thuần là lính Hoàng Sa mà mất đi thì cũng được xét truy tặng.

Điều này chứng tỏ vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam dù đang lâm vào thế yếu vẫn tìm mọi cách để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong hải giới của Việt Nam. Và kể cả người đề nghị cũng như người đồng ý tặng thưởng đều đánh giá cao việc đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa. Từ hai châu bản này, chứng tỏ cho đến trước một tháng quân Nhật tuyên bố đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (31-3-1939), thì quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền và quyền kiểm soát liên tục của Việt Nam.

(Nguồn: daidoanket.vn)

Facebook Youtube Tiktok Zalo