Câu chuyện về tính tiết kiệm của Bác
Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần được nghe những câu chuyện về Bác Hồ, bản thân tôi cũng vậy. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua thầy, cô và các phương tiện thông tin đại chúng tôi cũng đã được nghe rất nhiều những câu chuyện về Bác; tuy nhiên những câu chuyện về tính tiết kiệm của Bác luôn đọng lại trong tâm trí tôi. Bác sống thật sự rất cần, kiệm, giản dị, không coi trọng sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức sang trọng. Suốt đời, Người sống vì dân, vì nước. Người đã đề ra những chuẩn mực về tư cách người cách mạng cho cán bộ đảng viên phấn đấu và tự mình gương mẫu thực hiện. Điều này càng thể hiện rõ hơn qua một số câu chuyện ngắn về Bác.
Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng:
Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Học tập Bác đức tính giản dị, tiết kiệm. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.
Bà nói: “Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên”. Bà còn kể rằng:
Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:
– Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhỏm dậy bảo bà:
– Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Quả thật Bác tiết kiệm kể từ những cái rất nhỏ nhặt như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân, ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dung một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”.
Qua những câu chuyện trên khiến tôi cảm thấy xúc động và thương Bác vô cùng. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu.
Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người. Nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang mở cuộc vận động : “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, câu chuyện nhỏ trên đây chính là một nét đẹp về đạo đức Bác Hồ để chúng ta học tập. Qua những điều trên, ta có thể tự hào rằng dân tộc Việt Nam đã có được một vị lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân của thế giới với những phẩm chất, đạo đức cao quý. Người sẽ là một huyền thoại sống mãi trong lòng mọi người, tấm gương về đạo đức của Người sẽ là tấm gương học tập và làm theo cho các thế hệ người dân Việt Nam sau này.
Bác là một vị lãnh tụ lớn nhưng lúc nào Bác cũng sống tiết kiệm, chắt chiu như thế thì không có lý do gì mà những người dân nhỏ bé như chúng ta lại sống một cách lãng phí. Bản thân tôi, những câu chuyện về Bác luôn nhắc nhở tôi phải sống tiết kiệm, là nhân viên Trường Đại Học Hoa Sen tôi luôn sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hợp lý. Ví dụ: Khi in ấn tài liệu tôi luôn cân nhắc xem cái nào cần dùng giấy hai mặt, cái nào chỉ cần in giấy một mặt, nội dung nào trên mail chỉ cần đọc thì sẽ không in ra để tránh lãng phí. Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ cần tiết kiệm, có những cái tuy rất nhỏ nhặt như tờ giấy, cây bút nhưng nếu mỗi người chúng ta có ý thức tiết kiệm thì nó có thể trở thành một con số đáng kể. Qua những câu chuyện về Bác, Tôi muốn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp rằng hãy luôn sống một cách “Cần – kiệm – liêm – chính ” như tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đinh Thị Hải Yến
Trung Tâm Đào Tạo Hoa Sen – Chi nhánh Bình Thạnh