Đại học Hoa Sen – HSU

Cạnh tranh

Chắc chắn là không thể hiểu được hoạt động của một hệ thống sản xuất bất kì mà không qui chiếu về khái niệm cạnh tranh. Chính vì thế điều đặc biệt quan trọng là phải có được một định nghĩa và một lí thuyết về cạnh tranh càng thoả đáng nhất có thể. Thế mà lí thuyết truyền thống về cạnh tranh, một lí thuyết tạo thành điểm qui chiếu thống trị, theo quan điểm của phân tích kinh tế cũng như trong những ứng dụng thực tiễn của phân tích này, là đáng bị phê phán vì nhiều lí do. Cần thay thế lí thuyết này bằng một cách tiếp cận khác, thuộc về một cách nhìn động.

Lí thuyết truyền thống: cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo

Trong việc tìm hiểu những cấu trúc thị trường, chuẩn được chấp nhận theo truyền thống được biết dưới tên “cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo” trong kinh văn. Mối quan tâm nằm sau lí thuyết này là tìm xem, trên một thị trường nhất định, có nhà sản xuất hay một nhóm nhỏ nhà sản xuất nào, một cách có ý thức, có khả năng tác động đến giá của sản phẩm ấy hay không. Nếu có thì trường hợp này được gọi là không có cạnh tranh. Ngược lại, một tình thế được xem là cạnh tranh khi một nhà sản xuất nhất định có một quy mô tương đối quá nhỏ so với những nhà sản xuất khác để có thể có bất kì tác động nào đến thị trường, đặc biệt là trên giá các sản phẩm.

Để có được “cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo” thì phải hội đủ một số điều kiện. Danh sách những điều kiện thay đổi tuỳ theo các tác giả, nhưng thường gồm những yếu tố sau: sự tồn tại của một số lớn người mua và người bán, mỗi tác nhân có một quy mô kinh tế tương đối yếu, một sản phẩm đồng nhất và chia nhỏ được, thông tin hoàn hảo. Tất nhiên điều kiện về quy mô tương đối của những tác nhân là cơ bản, những điều kiện khác coi như  là thứ yếu: thật thế, nếu một sản phẩm không phải là đồng nhất – ví dụ do tầm quan trọng của một nhãn hiệu đối với người mua (vả lại chính vì lí do này mà những người bảo vệ lí thuyết truyền thống cảnh giác đối với quảng cáo, một yếu tố phân biệt hoá) – thì mỗi nhà sản xuất sản xuất ra một sản phẩm không hoàn toàn thay thế được cho sản phẩm của những nhà sản xuất khác, khiến cho nhà sản xuất này là nhà sản xuất độc nhất của sản phẩm đặc biệt ấy. Tương tự như thế, nếu điều kiện chia nhỏ không được thoả mãn – ví dụ, vì sản phẩm được xem xét là một nhà máy điện nguyên tử – thì khó mà hình dung là có một số lớn những nhà sản xuất. Còn thông tin hoàn hảo cũng kéo theo là không thể có việc phân khúc thị trường của một sản phẩm thành từng thị trường nhỏ được định vị và có đặc thù. Do đó tất cả các điều kiện hội tụ về một mối quan tâm duy nhất: xác định những tình thế trong đó một nhà sản xuất không thể tự mình khác biệt hoá đối với vô số những nhà sản xuất khác.

Mặt khác, điều nổi bật là ta nhận thấy rằng có một điều kiện nữa được đưa thêm vào danh sách trên, tức là việc tự do gia nhập một thị trường. Nhưng trái với cách kiến giải của chúng tôi sẽ được trình bày dưới đây thì, trong khuôn khổ của lí thuyết truyền thống, bản thân điều kiện này chỉ nhằm cho phép việc thực hiện mục đích cuối cùng, tức là sự tồn tại của một số lớn những nhà sản xuất. Thật vậy, khả năng càng lớn là sự thể sẽ là như vậy khi sự tự do gia nhập thị trường càng lớn. Do đó không phải là sai khi tóm tắt lí thuyết truyền thống về cạnh tranh bằng cách xác định một đặc điểm duy nhất của lí thuyết này là sự tồn tại của một số lớn nhà sản xuất cho cùng một sản phẩm. Nếu quả thật như thế thì đối với người cung cũng như người cầu, giá là do “thị trường” cho trước và những người sản xuất không có khả năng tác động đến giá. Nói cách khác, cách tiếp cận truyền thống định nghĩa cạnh tranh từ kết quả hoạt động của các thị trường (theo khái niệm những cấu trúc sản xuất). Một cách tiếp cận khác – được xem xét dưới đây – nhằm xác định cạnh tranh từ quá trình thị trường, bất kể kết quả của diễn tiến cuộc cạnh tranh này là như thế nào đi nữa.

Những hệ quả của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo

Nếu có một số lớn những nhà sản xuất của một sản phẩm nhất định thì giá của sản phẩm này là một dữ liệu đối với mỗi một nhà sản xuất. Bởi thế, nếu một nhà sản xuất tăng sản lượng của mình thêm một đơn vị thì doanh thu cận biên vẫn không đổi (hơn nữa điều này có nghĩa là doanh thu cận biên bằng với doanh thu trung bình). Thế thì chi phí cận biên phải gánh chịu để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm này là như thế nào? Theo truyền thống đường chi phí cận biên – nghĩa là đường thể hiện quan hệ giữa chi phí cận biên và những số lượng sản xuất – được xem là có hình chữ U, ít ra là trong ngắn hạn nghĩa là trong một khoảng thời gian mà ta không thể thay đổi những nhân tố sản xuất được. Bất kể những biện minh cho dạng đường này là như thế nào thì cũng chính đáng khi cho rằng nhà sản xuất tất yếu sẽ nằm trên phần đường mà chi phí cận biên là tăng dần: thật thế, nếu có một vùng mà trong đó chi phí cận biên giảm dần thì quyền lợi của nhà sản xuất là tăng sản lượng vì tiền lời cận biên là tăng dần (do được đo bằng hiệu giữa doanh thu cận biên – không đổi – và chi phí cận biên mà trong trường hợp này là giảm dần). Thế mà nếu ta có thể nghi ngờ ý tuởng theo đó có một đoạn của đường chi phí cận biên trên đấy chi phí này giảm dần, thì ta tất yếu phải thừa nhận là có một đoạn trên đấy chi phí này là tăng dần. Thật vậy đây là kết quả của giả thiết theo đó một nhà sản xuất là một người duy lí và trước tiên sử dụng những nhân tố sản xuất nào có khả năng nhất để sản xuất sản phẩm trước khi dùng đến những nhân tố ngày càng ít hiệu quả hơn. Do đó có một điểm tại đấy chi phí cận biên – chi phí tăng dần – gặp doanh thu cận biên – doanh thu không đổi. Tại điểm này, lợi nhuận cận biên bằng không, nghĩa là quyền lợi của nhà sản xuất là không nên sản xuất thêm nữa (mỗi đơn vị sản xuất thêm cho ra một lợi nhuận cận biên âm).

…………………………….

>> xem thêm chi tiết bài viết

Theo Nguyễn Đôn Phước dịch
(Nguồn: phantichkinhte123.com, ngày 08/03/2016)

Facebook Youtube Tiktok Zalo