Đại học Hoa Sen – HSU

​Cải cách giáo dục đại học: Những điều chưa nói đến

Sau nhiều tranh luận về những khuyến nghị từ bản “Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam” của Nhóm đối thoại giáo dục (VED) do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì, TTCT tiếp tục giới thiệu ý kiến của một tác giả “đã có gần 60 năm gắn bó với giáo dục từ phổ thông trung học đến bậc đại học” hiện đang sống tại Úc về những gì mà VED chưa đề cập.

Các trường đại học cần đào tạo lực lượng lao động mới có kỹ năng, cạnh tranh được ít nhất là trong ASEAN – Ảnh: T.T.D.

Lập quỹ quốc tế cho nghiên cứu

Nhóm VED ra hai nhận định cốt lõi: “khả năng nghiên cứu khoa học yếu kém” và “tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước còn dàn trải” và đưa ra nhiều khuyến nghị. Tôi đặc biệt chú ý tới hai khuyến nghị: “Thiết lập một số vị trí với điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt để tạo ra những đầu tàu trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng” và “Thiết lập cơ chế tài chính để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc”.

Theo tôi, “điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt” không những không tạo ra được các đầu tàu trong nghiên cứu mà qua kinh nghiệm ở Việt Nam nhiều lúc còn xây thêm thành lũy rất tai hại cho các hoạt động nghiên cứu, học thuật. Làm việc theo đội, nhóm nhắm đến các mục tiêu nghiên cứu đã được xác định sẽ xây dựng nên những nhà khoa học xuất sắc trong nhóm.

Như vậy, có lẽ không nên kêu gọi chính phủ thiết lập cơ chế để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc vì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong nghiên cứu, giáo dục, mà nên lập một quỹ quốc tế riêng ở ngoài Việt Nam nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam.

Theo đó, một quỹ quốc tế hỗ trợ nghiên cứu Việt Nam (International Fund for Vietnam Research) có thể gồm ba chức năng quan trọng liên quan đến phát triển nghiên cứu tại nước nhà.

Một là, lập chương trình gây quỹ hằng năm để giúp xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu tại Việt Nam. Hai là, tìm những nhà nghiên cứu lớn ở nước ngoài, đặc biệt là những vị sắp hay mới nghỉ hưu (Việt kiều và các nhà khoa học quốc tế) có những công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang cần và mời họ tham gia với chức vụ là những giáo sư hợp tác (Adjunct Professor). Ba là, điều phối các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ tài chính tượng trưng cho các giáo sư hợp tác.

Quỹ quốc tế hỗ trợ nghiên cứu Việt Nam còn có nhiều tác dụng khác như có thêm sự tham gia chặt chẽ giữa ba loại đối tác chiến lược: các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học trong nước, quốc tế, và các doanh nghiệp đa quốc gia và các cơ sở sản xuất trong nước. Như vậy, chúng ta sẽ có giáo dục, nghiên cứu và doanh nghiệp – ba trong một. Đó là nền tảng phát triển mà nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã phác thảo.

Chuẩn đầu ra và chuẩn bị cho TPP

Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản yêu cầu các trường đưa ra chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, nhưng có lẽ còn rất ít người quan tâm đúng mức đến chuẩn đầu ra của các chương trình này.

Tại nhiều nước, muốn xây dựng một chương trình đào tạo mới trong một khoa của trường, khoa phải thành lập một ban thiết kế chương trình mới. Ban này phải làm một cuộc nghiên cứu xem chương trình đó có cần thiết không rồi mới đi đến giai đoạn nghiên cứu kế tiếp là soạn thảo một chương trình với những môn học cần thiết cho văn bằng ấy. Khi soạn xong, phải so sánh xem các môn học ấy có tương tác với các chương trình tương tự ở các trường đại học khác trong nước (số môn học, giờ tham dự lớp, nội dung, lịch học, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, sách giáo khoa, sách tham khảo, năng lực và kinh nghiệm của giáo viên…) hoặc các trường tại những nước phát triển khác.

Một khi bộ chương trình soạn xong, để có thể được chấp thuận, chương trình ấy phải được một ban tư vấn gồm những người chuyên môn và đại diện giới doanh nghiệp thông qua. Theo đó, chỉ cần đọc tài liệu này là có thể thấy ngay chuẩn đầu ra hoặc những kỹ năng có được sau khi tốt nghiệp từ chương trình ấy. Ở Việt Nam, các trường đại học không có truyền thống xây dựng một chương trình mới như tại các nước phát triển, do đó nhiều người còn xa lạ với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.

…………………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Nguyễn Xuân Thu (Úc)
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 27/07/2015

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo