Đại học Hoa Sen – HSU

“Các giá trị và căn tính ở châu Á qua lăng kính lịch sử có kết nối”

Vào ngày 03/09/2015, Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã hội (GAS) – trường đại học Hoa Sen đã tổ chức hội thảo: “Các giá trị và căn tính ở châu Á”/ “Values and Identities in Asia” do Phó giáo sư Claire Trần Thị Liên, giảng viên của Đại học Paris Diderot – Paris 7 trình bày.

Mục đích của bài thuyết trình này là xem xét ý tưởng về các giá trị và căn tính châu Á đang được phục hồi tại châu Á vào thập niên 1990. Xuất phát từ các bài diễn ngôn theo chủ nghĩa dân tộc ở thế kỷ 19 tìm kiếm con đường  ban đầu dẫn tới hiện đại, người ta có ý tưởng này khi có sự tăng trưởng ngoạn mục của nhiều nền kinh tế châu Á trong suốt 20 năm qua. Nhiều giá trị đặc thù của châu Á đã đối đầu với các mô hình và chuẩn mực quốc tế được các quốc gia phương Tây coi như phổ quát trên toàn thế giới.

Hoi thao cua trung tam nghien cuu gioi va xa hoi

Phó GS Trần Thị Liên giới thiệu tài liệu tham khảo: các cuốn sách của Kishore Mahbubani, chẳng hạn như : “Can Asians think?” của nhà xuất bản Marshall Cavendish, 4th Edition, 2011.

Bài thuyết trình này, trước hết, nhấn mạnh vào bối cảnh “quá trình lâu dài” dựng nước của các quốc gia châu Á, từ sự khẳng định căn tính/ bản sắc dân tộc khi đối mặt với sự thống trị của phương Tây đến chính sách hiện đại hóa theo các mô hình của phương Tây (xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa) và trong bối cảnh gần đây hơn với bài diễn ngôn về các giá trị châu Á đã và đang nổi lên tại châu Á. Sau đó, tác giả triển khai luận điểm của những người biện hộ cho «các giá trị châu Á» như là khái niệm chủ yếu trong tiến trình hiện đại hóa của các nước châu Á.

Đặc biệt, tác giả cũng nhấn mạnh vào học thuyết Khổng Tử và vai trò giả định của học thuyết này trong khái niệm về quyền lực/ sức mạnh và trong sự nảy sinh một mô hình kinh tế cụ thể, nền tảng của điều kỳ diệu về kinh tế của Đông Á. Cuối cùng, tác giả đề cập đến sự tranh luận mà học thuyết Không Tử đã  khơi lên và tác giả đưa ra kết luận về sự cần thiết đối với những người châu Á và phương Tây nhằm vượt qua tầm nhìn nhị nguyên đơn giản hóa sự «khác biệt giữa Đông và Tây» và nhằm xem xét lại tầm nhìn ở quá khứ, hiện tại và tương lai như một thế giới có kết nối được đặc trưng hóa bởi sự lưu thông liên tục từ xưa đến nay của những con người, ý tưởng và hàng hóa. 

Đôi nét về diễn giả

Claire Trần Thị Liên là Phó giáo sư về Lịch sử tại trường đại học Paris Diderot- Paris 7. Bà là thành viên của trung tâm nghiên cứu Cessma (Centre d’Etudes en Sciences Sociales sur les Mondes Africains, Americains et Asiatiques), bà phụ trách mảng  nghiên cứu về Các chuẩn mực, sự lưu thông và các tác nhân  (Norms, Circulations, Actors) và nhóm nghiên cứu về châu Á (Các chuẩn mực, sự lưu thông và quản trị  tại Châu Á/ Norms, circulations, governance in Asia).

Là nhà sử học, bà giảng dạy Lịch sử Đông Nam Á. Các nghiên cứu và tác phẩm xuất bản của bà tập trung vào lịch sử Viêt Nam thời hiện đại, lịch sử của giới thượng lưu, lịch sử báo chí, lịch sử phụ nữ và quan hệ quốc tế. Bà cũng là nguyên Chủ tịch của Hiệp hội Pháp nghiên cứu về Đông Nam Á (Association Française pour la Recherche sur l’Asie du Sud Est Afrase) từ năm 2008 đến 2012.

(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội – Trường Đại học Hoa Sen)

Facebook Youtube Tiktok Zalo