Bức tranh quyền lực thay đổi
Cuối tháng 6 này, đối với an ninh quốc phòng Mỹ có hai sự kiện: Robert Gates giã từ Lầu Năm Góc, chính quyền Mỹ tuyên bố chương trình rút quân khỏi Afghanistan theo giai đoạn. Các điều chỉnh quan trọng trên đây tác động trực tiếp đến việc tái cấu trúc quân sự toàn cầu của Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm các binh đoàn Mỹ ở Afghanistan ngày 6-6, trước khi ông về hưu vào cuối tháng 6 và lính Mỹ cũng sẽ rút quân khỏi nước này theo giai đoạn – Ảnh: Reuters
Giới học giả Trung Quốc gọi đây là “tái cân bằng an ninh”. Nó đi liền với “tái cân bằng kinh tế”, điều được Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh ngày 22-6 như thông điệp cốt lõi “đã đến lúc (Mỹ) phải tập trung vào việc xây dựng quốc gia ngay ở trong đất nước”.
Mỹ chuyển trọng tâm quân sự
Việc ông Gates kết thúc năm năm cầm quân dưới hai đời tổng tư lệnh George Bush và Barack Obama để lại phía sau nhiều dấu ấn thành công cùng các công việc dang dở. Điều ông Gates lo ngại nhất là việc cắt giảm mạnh mẽ ngân sách quốc phòng có thể ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh quốc gia và địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Trong hoàn cảnh thâm hụt ngân sách, mấy năm qua Mỹ đã hoán đổi việc bố trí sức mạnh quân sự từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương từ tỉ lệ 6/4 sang 4/6. Mỹ tăng cường bố trí các loại vũ khí tiên tiến nhất và khả năng tấn công tầm xa, đầu tư 8 tỉ USD nâng cấp căn cứ quân sự Guam. Bên cạnh đó, Mỹ còn tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh và đối tác, tích cực tham gia các hội nghị và đối thoại.
“Chúng tôi đã nêu rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ không có lập trường nào trong các vấn đề chủ quyền ở đây. Nhưng chúng tôi cũng có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định”
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương KURT CAMPBELL
|
Mục tiêu tái cấu trúc an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và đảm bảo quyền chủ đạo của Mỹ trong tình hình trật tự mới. Báo cáo hằng năm về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 16-8-2010 cho rằng việc xây dựng lực lượng quân sự của Trung Quốc đã vượt quá nhu cầu thông thường. Mỹ vẫn chưa coi Trung Quốc là kẻ thù hiện thực, mà là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và cần đề phòng. Đó là một kiểu “kiềm chế mềm”.
Nhưng một khi Trung Quốc thách thức trực tiếp các lợi ích cốt lõi của Mỹ, Washington sẽ phát động kiềm chế và đối phó toàn diện. Chính quyền Obama coi trọng học thuyết đa phương, phát triển “sức mạnh (ngoại giao) thông minh”, phối hợp với các biện pháp khác để đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nhằm bảo vệ địa vị chủ đạo của Mỹ.
Tại Afghanistan, tuy chủ trương rút 10.000 quân đợt đầu gắn với quá trình “Afghanistan hóa chiến tranh”, nhưng Mỹ sẽ không vội vã rời bỏ vị trí địa – chiến lược của nước này trong cuộc tranh quyền bá chủ siêu lục địa Á – Âu với Trung Quốc và Nga.
Theo giới nghiên cứu Đông phương học của Nga, Mỹ và NATO sẽ chuyển quân lên các tỉnh phía bắc Afghanistan và tiếp theo là chuyển sang các nước Trung Á. Mỹ và chính quyền Kaboul đang đàm phán thành lập các căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ trên lãnh thổ Afghanistan. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ mở rộng sự có mặt tại toàn bộ khu vực Trung Á và sẽ tìm cách hiện diện lâu dài ở đây.
Lấn sân, kiềm chế và cân bằng giữa các nước lớn
Trung Quốc đang tìm cách lập trục Trung Quốc – Pakistan – Afghanistan để sẵn sàng lấp khoảng trống quyền lực ở hai nước này một khi Mỹ rút đi. Trung Quốc xây dựng các đường cao tốc qua Pakistan, đến các cảng chiến lược của nước này nối với Ấn Độ Dương, đồng thời gia cố các căn cứ hải quân theo “chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ và mở rộng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương.
Trung – Nga tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ – NATO ở Trung Á, trong khi mỗi nước tìm cách lấn sân lẫn nhau.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào giữa tháng 6 vừa rồi thất bại trong việc ký kết thỏa thuận lịch sử về hợp tác năng lượng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ USD như phía Trung Quốc mong muốn. Bù lại, Trung Quốc thúc đẩy thực hiện đặt đường ống dẫn khí đốt tuyến Turkmenistan – Uzbekistan – Kazakhstan – Trung Quốc, có công suất vận chuyển mỗi năm khoảng 25 tỉ m3.
Tại Kazakhstan, Trung Quốc hiện có cổ phần ở 14 công ty khai thác khí đốt của nước này, trong đó bảy công ty 100% vốn Trung Quốc. Tại hội nghị thường niên vừa rồi, ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố cung cấp khoản vốn lãi suất thấp 12 tỉ USD cho các nước thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Giới lãnh đạo Nga cũng đang tích cực điều chỉnh chiến lược quốc phòng, chú trọng khu vực Viễn Đông nước Nga. Nga sẽ triển khai hai tàu sân bay Mistral đã ký kết mua của Pháp và một đơn vị thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 loại tiên tiến nhất của Nga, có thể đánh chặn tên lửa và máy bay đối phương. Đồng thời Nga cũng chú trọng đối phó cuộc “xâm lược mềm” của Trung Quốc dưới hình thức di dân và hôn nhân tại những khu vực thưa dân thuộc vùng Viễn Đông.
Theo Cơ quan nhập cư Nga, mỗi năm có khoảng 200.000-300.000 người Trung Quốc sang đây sinh sống.
Nga tăng cường quan hệ với Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc. Nga ủng hộ Ấn Độ tham gia SCO. Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố sẽ giúp Ấn Độ “trở thành nước có nền quốc phòng mạnh nhất châu Á”.
Trong lúc cân nhắc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cho Trung Quốc, cuối năm ngoái Tổng thống Dmitry Medvedev đã thỏa thuận với Ấn Độ cùng phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Ấn Độ sẽ chi trên 25 tỉ USD cho dự án chế tạo khoảng 250 máy bay chiến đấu thế hệ này.
Đây là dự án hợp tác quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay giữa Nga và Ấn Độ. Ấn Độ cũng đẩy mạnh chiến lược phá thế bao vây của Trung Quốc và đã thiết lập được căn cứ không quân đầu tiên tại Trung Á, trong lúc tích cực can dự vào Afghanistan.
Các nước lớn và Biển Đông
Trong khi Trung Quốc nỗ lực tập hợp lực lượng trong vấn đề biển Đông, theo mạng Văn Hối, con bài quan trọng nhất đối với Bắc Kinh trong cục diện nhạy cảm hiện nay là Nga. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hai bên ra tuyên bố chung khẳng định lập trường đồng nhất trên một loạt vấn đề quốc tế quan trọng, nhưng vấn đề biển Đông đã không được đề cập. Điều này cho thấy Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ Việt Nam vì có nhiều lợi ích quan trọng.
Tuy nhiên, cũng theo tờ báo mạng này, lợi ích Nga – Trung còn lớn hơn nhiều: kim ngạch thương mại hai nước trong 10 năm tới đạt 200 tỉ USD “là tiền vốn Bắc Kinh bỏ ra mua Matxcơva (!)”.
Mặc dù Trung Quốc tích cực thúc đẩy hòa hoãn với Mỹ và tìm cách “trung lập hóa”, nhưng những hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông vừa rồi đã buộc Mỹ một lần nữa bày tỏ quan điểm.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Kurt Campbell, trưởng đoàn Mỹ tại Tham vấn Mỹ – Trung về châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nói: “Chúng tôi đã nêu rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ không có lập trường nào trong các vấn đề chủ quyền ở đây. Nhưng chúng tôi cũng có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định”.
Sự phòng ngừa giữa các quốc gia bắt nguồn từ những nhận thức đối với dịch chuyển quyền lực căn bản do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đa dạng hóa, đối trọng và cân bằng quyền lực giữa các nước lớn là đặc trưng nổi bật, đem lại cơ hội, thách thức cho các quốc gia trong khu vực rộng lớn này của thế giới, đòi hỏi đổi mới tư duy và có đối sách linh hoạt.
(Nguồn: TTCT)