Đại học Hoa Sen – HSU

Bởi chúng ta không hiện hữu trong đời, bởi cuộc đời thật vắng bóng

Ngày 10/03/2021, seminar học thuật định kỳ của Bộ môn Triết học trường ĐH Hoa Sen với chủ đề “Tồn tại hay là Sống?” dưới sự trình bày của diễn giả Hoàng Phú Phương – Tổng biên tập Công ty sách Vanlangbooks đã thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo khán giả yêu thích Triết học. Nhân đây, Ban biên tập xin trích đăng nguyên văn bài chia sẻ của một khán giả đồng thời là nhà báo – Chị Ngân Hà tham gia Seminar của Bộ Môn Triết học đã giúp lan tỏa sự quan tâm trong cộng đồng. 


Nhà báo Ngân Hà chia sẻ tại Seminar học thuật với chủ đề “Tồn tại hay là Sống?

Một buổi chiều ở quán rượu trên con đường có hàng cây tuyệt đẹp ở Sài Gòn, tôi ngồi với một họa sĩ đã rất thành danh, anh kể lại câu chuyện “đi bụi” của mình và xác quyết rằng chính những năm tháng đó đã cho anh thấy rõ giữa sự tồn tại và “Sống” thật sự khác nhau thế nào. “Năm 18 tuổi, anh quyết tâm rời bỏ gia đình và cả sự kỳ vọng của cha mẹ để… ra đi, để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán ngày ngày ra vô nhà với bó lúa, đào khoai và cả nghe tiếng em nhỏ rên rỉ suốt. Đúng nghĩa một kẻ lãng du: đi mà không biết được mình sẽ đến đâu, chỉ là giải quyết ngay cho bản thân sự ham muốn tột cùng: Phải đi. Đến khi ra khỏi nhà, sau nhiều quãng đường dài hết lương thực, anh biết rằng việc đầu tiên là phải kiếm ăn để tồn tại cái đã. Và cũng chính những năm tháng đó anh hiểu rất rõ giá trị của con người lao động không ngừng để có thể tự nuôi sống mình. Cho đến một ngày, anh lại tự hỏi: Sống vậy mà là sống sao? Mục đích của đời mình là gì? Mình ra đi để tìm kiếm điều gì ở đời sống này hay chỉ đơn giản là kiếm miếng ăn?”.

Anh làm tôi nhớ đến nhà thơ Rimbaud rời quê hương ở tuổi 16 với sự mạnh mẽ và quyết liệt gớm ghê. Nhà thơ có lẽ cũng trải qua cảm nghiệm đó, từ một đứa trẻ mà mẹ ông hồi tưởng về: “Nó ngoan ngoãn làm sao và thường lặng lẽ làm sao” hay người thầy của ông nhận xét: “với móng tay sạch sẽ, tập vở không vết mực, bài làm đúng đắn một cách đáng kinh ngạc”… nhưng như những gì dịch giả Huỳnh Phan Anh đã viết “Và khuôn mặt thiên thần nổi loạn, nhẫn tâm, không chịu nổi cuộc sống tù túng, đơn điệu, nhàm chán từ gia đình tới nhà trường, từ bầu trời và mặt đất tỉnh lỵ buồn thiu… tất cả như siết chặt quanh chàng đến nghẹt thở, chỉ muốn phế bỏ thực tại cùng trật tự mình đang sống”… vì vậy khi quyết định đến Paris, Arthur Rimbaud đã trải qua đúng cảm giác này: “Chúng ta không hiện hữu trong đời, bởi cuộc đời thật vắng bóng”.

Diễn giả Hoàng Phú Phương
Diễn giả ​Hoàng Phú Phương

Hoàng Phú Phương, diễn giả trong buổi tọa đàm có tên “Tồn tại hay là Sống” do Bộ môn Triết học trường Đại học Hoa Sen tổ chức vào tuần đầu tháng 3 vừa qua ở Sài Gòn đã nói về sự trải nghiệm để phân biệt được giữa tồn tại và sống, theo anh “tồn tại” là khái niệm triết học biểu thị mọi cái tồn tại, gồm cả con người. Song con người là một loại tồn tại đặc biệt, khác với mọi cái tồn tại khác ở chỗ nó biết đặt câu hỏi về bản thân, về những cái tồn tại khác và về ý nghĩa cuộc đời của chính nó. Và anh Phương cũng đặt câu hỏi: “Sống để làm gì? Đâu là ý nghĩa cuộc đời mà ta cần theo đuổi? Cuộc đời có ý nghĩa không? Nếu có, thì cái gì tạo nên nó? Nếu không, ta phải làm gì để sống chứ không chỉ tồn tại như vạn vật?”

Tôi thì có một trải nghiệm về sống như sau: kinh nghiệm cho ta thấy sống thực sự không (chỉ) dành cho sự hưởng thụ, an nhàn (dù chúng ta mơ về điều đó như một mục đích thường thấy của bất kỳ ai) mà phải tranh đấu, từ đó có thể suy ra, kẻ yếu phải chấp nhận bị khuất phục, hoặc làm nô lệ cho người khác hoặc tự cầm tù mình. Sống là một sự đào thải, và vì thế nó cũng mang tính đào thoát, vượt bỏ. Nó không dành cho sự bạc nhược, an nhàn.


Triết gia Gabriel Marcel- ông tổ của thuyết hiện sinh

Vấn đề là sự lựa chọn. Và sự lựa chọn này tùy thuộc vào “sức khỏe” thể chất lẫn tinh thần của bạn. Bạn khác con thú cưng, chính là ở sự tranh đấu để chọn lựa cho mình một cuộc đời có ý nghĩa đối với chính mình.

Tuy nhiên, khi chúng ta trở thành một kẻ tranh đấu cho tự do và sự trưởng thành của mình, chúng ta cũng có những giới hạn từ giá trị con người- đó là giá trị chung của cộng đồng sống với nhau tôn trọng và công bằng. Nó khác với việc bằng mọi giá chà đạp tất cả để vươn lên. Bởi khi đó phần lớn đồng loại sẽ khẩn cầu làm thế nào cho kẻ quá khích này chỉ cần ngồi yên thôi cũng là thế giới đã có hòa bình rồi. Vì vậy, giới hạn của sự vượt bỏ chính là ta đừng để mình bị tha hóa, vong thân hoặc trở thành kẻ suy đồi do chính sức mạnh tàn sát của mình đối với đồng loại.


Cuốn sách nổi tiếng của Triết gia Gabriel Marcel

Người được xem là trưởng thành khi người đó ý thức về sự hèn kém sẽ chỉ đem lại những đau khổ hoặc gây tổn thương cho kẻ khác.

Anh Hoàng Phú Phương nói về ba lý thuyết về “sống” như sau: Thuyết siêu nhiên đặt trọng tâm vào Thượng đế cho rằng suối nguồn của ý nghĩa cuộc đời là đến từ Thượng đế, vì thế ta phải sống theo lời Ngài; thuyết siêu nhiên đặt trọng tâm vào linh hồn bất tử cho rằng cần phải có linh hồn bất tử để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời qua việc thường trực tạo ra sự khác biệt cho thế giới.

Thuyết duy nhiên chủ quan xem ý nghĩa biến đổi đa dạng từ người này đến người khác, tuỳ theo trạng thái tinh thần của họ. Càng đạt được các mục tiêu do mình đặt ra, thì cuộc đời họ càng có ý nghĩa. Thuyết duy nhiên khác quan nhấn mạnh vào các giá trị khách quan như chân, thiện, mỹ như một phần nguồn suối của ý nghĩa cuộc đời.

Chủ nghĩa hư vô cho rằng không có cái gì tạo nên ý nghĩa cuộc đời cả, và có thứ gì đó cố hữu trong con người ngăn cản họ tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống.

Theo chủ nghĩa hiện sinh, đối với con người thì hiện hữu đi trước bản chất.

Lý do: Con người ý thức đầy đủ về chính mình. Chất lượng hiện hữu của con người phụ thuộc vào họ làm cho cuộc sống của mình trở nên trọn vẹn bằng các hoạt động và ý nghĩa mà họ có được. Sinh ra rồi chết đi, sống trong sự bất an, khuấy động không ngừng →  tìm kiếm mục đích, tạo ra ý nghĩa cuộc đời cho cuộc đời

Con người bị kết án tự do. Kết án vì không phải mình tạo ra mình, và tự do vì bị ném vào thế giới này, phải chịu trách nhiệm cho mọi việc mình làm => tự cho quyết định một thái độ cho bất kỳ hoàn cảnh nào. Trốn tránh tự do cũng là tự do và phải chịu trách nhiệm.

Tự do ban cho con người cơ hội sáng tạo, mở ra khả thể mới. Con người là một quá trình trở thành.

Tự do có thể dẫn con người sống một cuộc đời ý nghĩa ở cấp độ cao, song cũng có thể khiến con người bị cầm tù trong những giới hạn hạ thấp sự hiện hữu của con người tùy theo loại giá trị mà họ chọn sử dụng.

Vì thế, ý nghĩa cuộc đời chính là do con người tạo ra mọi lúc mọi nơi thông qua sự tự do lựa chọn, quyết định và chịu trách nhiệm. Đây cũng là phương cách Sống đích thực của con người.


Triết gia Soren Kierkegaard

Một bạn trẻ hỏi: “Ông Alfred Nobel, người tạo ra giải Nobel được mọi người nhìn nhận là cuộc đời của ông có ý nghĩa, nhưng cũng có tranh luận chính những giải thưởng đó khiến những thành tựu xứng đáng khác bị che khuất nếu không được vinh danh. Vậy nên nhìn nhận thế nào cho đúng?

Theo anh Phương, thật ra, ý nghĩa cuộc đời, trong tiếng anh có hai từ “meaning of life” và “meaning on live”. Tôi dùng “meaning of life”- ý nghĩa cuộc đời xét theo sự toàn diện, đối với Nobel, người đã vinh danh những người tạo ra giá trị mới cho thế giới này và việc này thậm chí cũng ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhân loại. Hệ quả của việc này có thể gây tổn thương đến cuộc sống, nhưng mỗi học thuyết có góc nhìn khác nhau. Với tôi, anh tạo ra cái mới của cuộc sống thì anh đã tạo ra ý nghĩa cuộc đời, còn việc ứng dụng cái mới đó cho cuộc sống gây ra điều gì thì không ai có thể lường trước được.

Bởi vì mọi thứ xuất hiện trên đời đều biến thành phương tiện vì thế Kant nói hãy sống theo mệnh lệnh nhất quyết: Hãy là những gì theo lý trí xác quyết của bạn”.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đừng bao giờ xem con người như một người máy.

Một bạn sinh viên nữ hỏi: “Sống là gì nếu không có mục đích? Em thấy mình sống chẳng có ý nghĩa gì hết. Ba mẹ cho phép em muốn làm gì thì làm, có khi em thấy rất chán nhưng em cũng chẳng muốn chết, vật em đang tồn tại hay là sống?

Một câu hỏi rất hay khiến tôi muốn trả lời ngay, nhưng…

(còn tiếp)

Ngân Hà

Facebook Youtube Tiktok Zalo