Bộ môn Kinh doanh quốc tế giải đáp các thắc mắc về ngành học của sinh viên
Sáng ngày 20/3/2021, Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế & Quản trị đã tổ chức “Chương trình giải đáp thắc mắc của sinh viên về ngành Kinh doanh quốc tế, Logistics và Thương mại điện tử”. Chương trình đã thu hút đông đảo sự tham dự của hơn 200 bạn sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Logistics và ngành Thương mại Điện tử.
Ngoài ra, chương trình còn nhận được sự tham dự của ông Lại Đức Nhuận – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ ATALINK, ông Trương Công Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ MIDEAS, bà Đỗ Thanh Yến Nhi – Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Cà phê An Nhiên và ông Trần Ngọc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ & Vừa, Trưởng văn phòng miền Nam.
Khách mời và sinh viên tham gia chương trình giải đáp các thắc mắc của sinh viên về ngành Kinh doanh quốc tế, Logistics và Thương mại điện tử.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh – Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị cho biết, ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Logistics và ngành Thương mại điện tử được hình thành như một “kiềng ba chân” có tính liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã thúc đẩy ngành Kinh doanh quốc tế phát triển; cùng với đó, sự phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) hay công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Blockchain,… và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng sau dịch Covid-19 đã phần nào gia tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành Thương mại điện tử.
Ngành Kinh doanh quốc tế và Thương mại điện tử phát triển đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng trong nền kinh tế – với vai trò như chất xúc tác để nền kinh tế được vận hành một cách hiệu quả. Thông qua chương trình, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh – Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị mong muốn sinh viên sẽ có cơ hội hiểu thêm về ngành học, lựa chọn được vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; đồng thời, chương trình còn giúp giải đáp các thắc mắc mà sinh viên sẽ gặp phải trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.
PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Quản trị chia sẻ tại chương trình.
Tại chương trình, ThS. Lê Quyết Tâm – Điều phối chương trình ngành Thương mại điện tử, TS. Lâm Thanh Phi Quỳnh – Điều phối chương trình ngành Kinh doanh quốc tế và ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân – Điều phối chương trình ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng chia sẻ về triển vọng ngành nghề, một số môn học tiêu biểu và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, nội dung tọa đàm cùng doanh nghiệp với chủ đề: “Ngành Kinh doanh quốc tế, Logistics và Thương mại điện tử: Thách thức và cơ hội việc làm cho sinh viên” đã thu hút được phần lớn các bạn sinh viên đặt câu hỏi. Các câu hỏi xoay quanh kinh nghiệm của các doanh nghiệp về khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử và logistics; những kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần trang bị để khởi nghiệp kinh doanh thành công; triển vọng và xu hướng phát triển ngành Thương mại điện tử, Logistics tại Việt Nam…
Chia sẻ tại chương trình, ông Trương Công Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ MIDEAS cho rằng sinh viên cần phân biệt giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Sinh viên muốn khởi nghiệp thành công cần nghiên cứu tính mới khi phát triển sản phẩm. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, theo ông Lại Đức Nhuận – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ ATALINK, để thành công, sinh viên cần lựa chọn và trang bị cho bản thân 3 điều: (i) lựa chọn địa điểm mà mình muốn đến, (ii) lựa chọn bạn bè mà mình sẽ kết giao, và cuối cùng (iii) lựa chọn quyển sách mà mình sẽ đọc.
Dưới góc độ là đại diện doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ & Vừa, Trưởng văn phòng miền Nam nhìn nhận tầm quan trọng của tính liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, doanh nghiệp có thể phối hợp cùng cơ sở đào tạo để tổ chức ngày hội việc làm, lấy ý kiến tham vấn của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tiếp nhận sinh viên thực tập. Muốn nâng cao mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, cần có sự phối hợp, gắn trách nhiệm của hai bên, cơ chế rõ ràng và cụ thể.
Các diễn giả trao đổi với sinh viên HSU trong nội dung Tọa đàm cùng doanh nghiệp. BTC chương trình trao tặng hoa đến đại diện các doanh nghiệp.
Qua buổi tọa đàm, Ban Tổ chức Chương trình đã gửi những bó hoa tươi thắm thay cho lời cám ơn đến các doanh nghiệp đã dành thời gian tham gia Chương trình và mong nhận được sự gắn kết chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại Trường Đại học Hoa Sen nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nguồn: BM. KDQT