Bộ GD-ĐT: Chỉ tiêu khối ngành Kinh tế quá nhiều
Ba năm trở lại đây, tuyển sinh khối ngành Kinh tế luôn sôi động nhất vì chỉ tiêu hàng năm nhiều nhất, số lượng thí sinh dự thi đông nhất, ngành này có nhiều trường đào tạo nhất… Điều này liệu có dẫn đến dư thừa nguồn nhân lực khối ngành Kinh tế?
Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành nghề.
59,62% trường ĐH, CĐ tuyển sinh ngành kinh tế
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2012 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã thừa nhận rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 vẫn còn một số hạn chế, bất cập về mất cân đối ngành tuyển sinh và đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh không hợp lý giữa các ngành đào tạo.
Cụ thể, tuyển sinh 2011, theo thống kê 416 trường (197 trường đại học, 219 trường cao đẳng) thì có 248 trường (121 trường đại học, 127 trường cao đẳng) tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường. Chỉ còn 76 trường đại học và 92 trường cao đẳng không tuyển sinh các ngành trên là các trường thuộc khối Y Dược, Năng khiếu – Nghệ thuật và một số trường Sư phạm.
Cũng theo lãnh đạo Bộ, thống kê báo cáo của các trường, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phân bổ cho các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu, chỉ còn lại 62% chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo khác. Vì số trường có tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh bình quân trong 3 năm (2009 – 2011) vào 4 ngành này chiếm xấp xỉ 41% với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Chính tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, tuyển sinh những năm qua có hơn 40% thí sinh thi vào ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, có quá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành đào tạo về Kinh tế trong khi nhu cầu nhân lực có thật sự cần thiết hay không, có làm mất cân đối hay không… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cần chỉ rõ.
Xác định chỉ tiêu không tính đến quy hoạch nguồn nhân lực
Mặc dù thống kê và thừa nhận chỉ tiêu ngành Kinh tế chiếm quá nhiều nhưng năm 2012, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giao nhiều chỉ tiêu cho khối ngành Kinh tế. Dự kiến tổng chỉ tiêu là 576.000 chỉ tiêu, trong đó khối ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng chiếm tới 184.300 chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, trong việc qui định xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2012, Bộ GD-ĐT khẳng định rằng: Mục tiêu đổi mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh là đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở điều kiện thực tế của từng trường, chấm dứt tình trạng tăng qui mô vượt quá năng lực đào tạo trong toàn hệ thống. Các trường tập trung củng cố chất lượng theo chuẩn đầu ra đã công bố, giảm dần qui mô các hệ đào tạo không chính qui. Và việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ chỉ căn cứ trên tiêu chí tỷ lệ sinh sinh/giảng viên cơ hữu và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo chứ bộ không tính đến vấn đề qui hoạch nguồn nhân lực.
Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính băn khoăn: “Khi phân bổ chỉ tiêu, cơ quan quản lý cần cân đối xem xét lại chứ không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành Kinh tế, Tài chính – ngân hàng. Bởi hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này cũng đã dư thừa, nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc”.
Theo công bố thông số nhân lực cuối năm 2010 của Vietnamworks – nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến thì nhu cầu của ngành Ngân hàng giảm 14%. Vietnamworks dự báo các nhóm ngành khối Kinh tế, Ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm nữa. Lúc ấy, ngành này sẽ cần nhân lực chất lượng cao là chính.
(Nguồn: Dân Trí)