Đại học Hoa Sen – HSU

Bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII:Thông qua Luật biển Việt Nam

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII chiều 21-6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên bế mạc ngày 21-6 – Ảnh: D.N.

 

Theo đó, nghị quyết yêu cầu tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời theo thông cáo số 23 kỳ họp thứ ba, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thông qua một số luật, nghị quyết và tiến hành phiên bế mạc kỳ họp. Trong đó có việc biểu quyết thông qua Luật biển VN…

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu các thành viên Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết trước Quốc hội.

Hạ nhiệt khiếu kiện đất đai, chấn chỉnh tập đoàn

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất; chính sách giá trong đền bù giải phóng mặt bằng; quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị; tình trạng sử dụng đất lãng phí; bảo đảm đến ngày 31-12-2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ tư. Quốc hội yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường phối hợp với tổng Thanh tra Chính phủ và chủ tịch UBND các cấp từ nay đến 31-12-2012 tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài và công bố kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện thể chế và cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung vào các vấn đề về đại diện chủ sở hữu; phân cấp và làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý tổng hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, cơ chế giám sát tài chính (bao gồm cả giám sát từ bên ngoài và giám sát nội bộ) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đặc biệt quan trọng là quy định về nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tăng cường giám sát, kiểm tra, cơ cấu lại, xử lý các tồn tại; xác định lộ trình thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính; bảo đảm để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát triển bền vững.

Vẫn theo nội dung nghị quyết, Quốc hội yêu cầu khẩn trương rà soát quy hoạch ngành điện và quy hoạch phát triển thủy điện; loại bỏ hoặc dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn các công trình thủy điện. Rà soát, giải quyết dứt điểm, bổ sung các chính sách hỗ trợ nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện, bảo đảm nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Miễn thuế thu nhập cá nhân (bậc 1) nửa cuối năm 2012

Trong chiều qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, Quốc hội quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1. Miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ, giá chăm sóc trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế – xã hội.

Tăng đầu tư cho “tam nông”

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo vốn năm năm sau cao gấp hai lần năm năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo…

Ngoài ra, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật quảng cáo và Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

LÊ KIÊN – V.V.THÀNH

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN

Ngày 21-6-2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

 

Kỳ họp tới, trình QH quy chế bỏ phiếu tín nhiệm

Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2012).

(trích nghị quyết của Quốc hội)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo