Bảo vệ sự liêm khiết trong nghiên cứu khoa học
Có thể nói các hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học là những căn bệnh rất khó trị dứt, ngày nào nhân loại còn nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu thì những nguy cơ ấy vẫn còn.
Với câu lạc bộ “Vì một nền giáo dục sạch – FACE”, Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM đang cổ vũ, khuyến khích sinh viên tôn trọng bản quyền, chống đạo văn. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Hoa Sen tìm hiểu thông tin về hoạt động của câu lạc bộ FACE – Ảnh: Minh Đức
Để phòng tránh các tệ nạn học thuật, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ có một bộ phận trực thuộc mang tên “Phòng bảo vệ sự liêm khiết trong nghiên cứu khoa học” (ORI, www.ori.hhs.gov).
Công khai sai phạm
ORI cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho những người làm nghiên cứu như cách viết bài báo khoa học, quy định về các hành vi sai trái trong hoạt động khoa học, thông tin về quy trình bình duyệt của các tạp chí khoa học, hướng dẫn cách tránh đạo văn… Có một mục cực kỳ quan trọng là thông tin về quá trình điều tra và kết luận về các vụ đạo văn. Qua ORI, độc giả có thể tố giác các vụ đạo văn hay các hành vi sai trái trong khoa học mà họ phát hiện.
“Người thiếu liêm khiết trong khoa học là kẻ thù của nền khoa học nói chung, nhất là nền khoa học của cơ sở hay nước mà mình đại diện”. TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG (giáo sư danh dự và nguyên trưởng khoa cơ học phá hủy thuộc Đại học Liège, Bỉ) |
Mới đây, ngày 3-1-2012, ORI phát hiện một vụ đạo văn và một hành vi ngụy tạo dữ liệu của hai nhà y học. Thông tin đã được công bố công khai trên trang web của ORI và trên tờ Federal Register, www.gpo.gov, chuyên đăng tin về các trường hợp có hành vi sai trái trong hoạt động khoa học.
Trường hợp thứ nhất, GS Mahesh Visvanathan thuộc Đại học Kansas, người đang có dự án nghiên cứu được Viện Y tế quốc gia Mỹ tài trợ, đã cố tình sao chép phần lớn kết quả nghiên cứu trong ba công trình đã công bố của người khác. Trường hợp thứ hai là TS Jennifer Jamieson, cựu nghiên cứu sinh Đại học Liên bang New York. Người này đã ngụy tạo dữ liệu trong một hồ sơ xin tài trợ, trong một bài báo đang được bình duyệt và trong một số bài báo cáo.
Ở một số nước đang phát triển, có thể thấy mỗi đại học đều có phòng nghiên cứu khoa học, nhưng khi vào xem thì chẳng thấy thông tin gì. Nơi thì có vài thông tin về “thế nào là nghiên cứu khoa học” nhưng cũng chỉ là những cóp nhặt thiếu hệ thống, hay “công trình khoa học” nhưng thực tế không phải vậy. Ở một số đại học khác có danh sách bài báo quốc tế, có các đề tài khoa học, dự án khoa học… Tuy nhiên hầu như ít khi thấy thông tin về “giữ gìn sự liêm khiết trong nghiên cứu khoa học” một cách hệ thống.
Có thể không cần phải có một ORI, nhưng nếu có quyết tâm giữ gìn sự liêm khiết trong môi trường khoa học thì các trường nên có thông tin tương đối đầy đủ về cách viết bài báo khoa học, quy định về các hành vi sai trái trong hoạt động khoa học, thông tin về quy trình bình duyệt của các tạp chí khoa học, danh sách các tạp chí quốc tế, hướng dẫn cách tránh đạo văn… Những quy định này được áp dụng chung cho giới khoa học quốc tế nên việc hệ thống hóa tài liệu không phải là vấn đề khó khăn.
Trang web của khoa toán Đại học Cambrigde (Anh) có hẳn mục “cam kết của khoa toán đối với tệ đạo văn” với những nội dung như: thế nào là đạo văn, kiểm tra đạo văn, làm sao để tránh đạo văn… Hay trong trang web của Đại học Tilburg (Hà Lan) có mục “gian lận và đạo văn” quy định rất chi tiết về các hình thức gian lận trong học thuật, đạo văn trong nghiên cứu và các hình thức xử phạt. Với những quy định chặt chẽ như thế nên khi có dấu hiệu đạo văn, họ xử lý rất nhanh chóng và bài bản…
Thiếu liêm khiết – kẻ thù của khoa học
Chia sẻ với người viết, TS Phan Thanh Bình (phó giáo sư, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Đây là một nội dung mà tất cả đơn vị hoạt động khoa học đều phải hết sức quan tâm, nhất là các trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước đang phát triển. Vấn đề này có hai khía cạnh: cố ý đạo văn và sự đạo văn do thiếu hiểu biết, chưa có đủ độ chín về bản lĩnh và văn hóa nghiên cứu khoa học. Từ đó cần có nội dung triển khai phù hợp.
Ở Việt Nam, việc đạo văn trong nghiên cứu khoa học thể hiện đạo đức, văn hóa trong nghiên cứu khoa học, bị phê phán và lên án (thậm chí bị xử lý hành chính) một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên việc phổ biến và có quy trình chặt chẽ để kiểm tra vấn đề này tại các cơ sở khoa học chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, cụ thể”.
TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM), lên tiếng mạnh mẽ: “Bảo vệ sự liêm khiết trong nghiên cứu khoa học gắn với bảo vệ sự liêm khiết nói chung. Người có học càng cần phải là người ngay thẳng, trong sạch”.
TS Phượng cho biết câu lạc bộ FACE (Vì một nền giáo dục sạch), ra mắt cuối năm 2010, nhấn mạnh mục tiêu tái tạo niềm tin trong cộng đồng. FACE Hoa Sen sẽ mở cuộc vận động nhằm trang bị hiểu biết rõ ràng, cập nhật cho giảng viên, sinh viên, cấp quản lý về các khái niệm, quy định và biện pháp bảo đảm liêm khiết, tôn trọng tác quyền, chống đạo văn, trích dẫn đúng chuẩn mực… trước và cùng lúc với việc ban hành quy định xử lý của trường.
Việc trình bày một cách hệ thống các chuẩn mực về sự liêm khiết trong nghiên cứu khoa học trên trang web của mình là điều các đại học và các viện nghiên cứu nên làm, nhằm nhắc nhở và cảnh báo đội ngũ khoa học giữ gìn sự liêm khiết trong các hoạt động khoa học.
(Nguồn: Tuổi trẻ)