Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong hội nhập
Nghi lễ rước trong hội đình làng Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Đang có một thực tế rất đáng lo ngại là nhiều người thuộc thế hệ trẻ hiện nay không nói được tiếng nói của dân tộc mình. Một số ít dân tộc có chữ viết riêng như: Tày, Nùng, Thái, Dao… đang có nguy cơ thất truyền, vì không được tổ chức truyền dạy và lớp trẻ hiện nay cũng không hào hứng học.
Tiếng nói và chữ viết là những yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi trao truyền hồn cốt của một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở một khía cạnh nào đó có thể coi ngôn ngữ là lịch sử của một dân tộc. Cho nên thế hệ cha anh có nghĩa vụ truyền dạy lại cho các lớp cháu con. Và ở nơi có đông đồng bào dân tộc cần khuyến khích giao tiếp bằng tiếng dân tộc (kể cả trong nhà trường).
Đối với những dân tộc ít người có chữ viết, cần dạy song ngữ trong nhà trường (ít nhất là ở cấp tiểu học). Có một thời gian người ta tranh luận với nhau là các nhà văn dân tộc thiểu số nên sáng tác bằng tiếng phổ thông hoặc tiếng dân tộc. Sở dĩ có sự tranh luận này vì có không ít nhà văn đã không còn thông thạo tiếng dân tộc mình, họ sáng tác không chỉ bằng tiếng phổ thông mà còn bằng tâm thế của người Kinh. Điều này là không thể chấp nhận được.
Theo chúng tôi, nhà văn của dân tộc nào phải sáng tạo theo tâm lý, bản sắc, tập quán của dân tộc đó, nếu dân tộc ấy có chữ viết thì nhà văn phải sáng tạo thành thạo cả bằng chữ dân tộc và bằng chữ phổ thông. Tôi không biết các nhà văn, nhà thơ: Y Phương, Cao Duy Sơn, Pờ Sào Mìn… có sáng tác bằng tiếng dân tộc của họ hay không, nhưng điều quan trọng nhất là qua tác phẩm của họ; ta thấy hiện lên bản sắc, điệu tâm hồn của dân tộc ấy.
Có một thời, lên miền núi chúng ta nhận ra ngay các dân tộc qua cách ăn mặc của họ. Đến nay tình hình đã khác trước, không ít người đã chối bỏ trang phục của dân tộc mình – đặc biệt là nam giới. Có một thực tế là ngay từ xa xưa, trang phục của nam giới người dân tộc đã rất đơn giản và có nhiều yếu tố giống nhau giữa các dân tộc. Không biết có phải điều này đã khiến nam giới dễ dàng từ bỏ y phục của dân tộc mình?
Trong khi đó, trang phục của phụ nữ dân tộc thường hết sức cầu kỳ, có sự khác biệt rất lớn giữa các dân tộc khác nhau. Có thể nói trang phục của chị em phụ nữ các dân tộc là một công trình nghệ thuật. Chả thế mà một trong những công trình khoa học để đời của nhà dân tộc học Từ Chi là tác phẩm ông nghiên cứu về văn học trên cạp váy của phụ nữ Mường.
Điều đáng mừng là hiện nay người phụ nữ các dân tộc có thể không mặc trang phục dân tộc mình trong cuộc sống hàng ngày (vì nhiều lý do chủ quan và khách quan), nhưng vẫn có những bộ trang phục đậm bản sắc dân tộc và được sử dụng trong những dịp lễ, tết quan trọng của dân tộc mình (điều mà nhiều nam giới không làm được).
Tôi nghĩ cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về vấn đề này. Chúng ta đều biết trên thế giới có những đất nước rất phát triển, nhưng trong những ngày lễ, tết họ đều mặc trang phục dân tộc, có những nguyên thủ quốc gia khi tiếp khách vẫn mặc váy, vì đấy là trang phục truyền thống của họ.
Ngày xưa đồng bào dân tộc ở trên nhà sàn để tránh thú dữ, lũ lụt… và dần dần trở thành bản sắc riêng, nét văn hóa độc đáo của họ. Bây giờ trong nhịp điệu mới của cuộc sống, không thể bắt tất cả các dân tộc đều ở nhà sàn, nhưng nên khuyến khích, động viên đồng bào ở những vùng có điều kiện tương đồng như xưa nên ở nhà sàn, không chỉ tiện trong sinh hoạt mà còn như một cách lưu giữ truyền thống văn hóa.
Còn những nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con, như: nhà rông, nhà dài… tôi nghĩ cần hết sức tạo điều kiện cho bà con bảo tồn trong những điều kiện có thể. Nhiều nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng chúng ta xây dựng theo kiểu hiện đại, đã không được bà con chấp nhận, trong nhiều nguyên nhân, người viết nghĩ có nguyên nhân chúng ta đã áp đặt một kiến trúc xa lạ vào sinh hoạt cộng đồng của họ.
Nhưng điều quan trọng nhất để một dân tộc còn là mình, ấy là khi phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội văn hóa, sinh hoạt tâm linh… của họ vẫn được bảo tồn. Điều này có một thời gian chúng ta không coi trọng bởi tư tưởng giáo điều, ấu trĩ (kể cả với dân tộc Kinh). Nhiều lễ hội sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào đã bị cấm đoán, hoặc bóp méo, theo mô hình của dân tộc Kinh hoặc theo những nội dung mà chúng ta mong muốn.
Do vậy nhiều lễ hội như: lồng tồng, đâm trâu, hát then, thường rang, sinh hoạt cồng chiêng, chợ tình… hoặc không phát triển như ý muốn của đồng bào, hoặc lồng ghép những nội dung mới một cách sống sượng hoặc bị quy là mê tín dị đoan một cách vô lối.
Điều đáng mừng là những sai lầm này đã được sửa chữa một cách mạnh mẽ khi chúng ta hội nhập. Càng ngày chúng ta càng nhận thấy để hòa nhập mà không hòa tan, chúng ta phải có nét riêng, độc đáo của mình.
Do vậy mà không gian văn hóa cồng chiêng, văn hóa hát Then đàn tính (đang được đề nghị UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại), rồi các sinh hoạt động đồng như: Xòe Thái, cồng Mường, nhiều câu lạc bộ dân ca, dân vũ của các dân tộc đã được thành lập ở khắp nơi với hình thức xã hội hóa…
Có những câu lạc bộ được thành lập với nhu cầu của sự phát triển (như phục vụ khách du lịch chẳng hạn). Điều này là đúng và cần khuyến khích, vì đây là một trong những lý do để những sinh hoạt này tồn tại bền vững, lâu dài. Nhưng theo tôi cần có quan niệm thật rạch ròi: Có những lễ hội, những sinh hoạt cần được bảo tồn nguyên dạng, vì nó là hồn cốt, bản sắc của dân tộc, nó là tiêu chí định dạng của từng dân tộc. Nội dung này cần được giữ vững, bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Có những lễ hội, sinh hoạt văn hóa chỉ cần bảo tồn ở mức độ nào đó, vì có những nội dung không còn phù hợp với cuộc sống mới, vả lại phải phục vụ cho sự phát triển của xã hội, để có điều kiện tồn tại lâu dài.
Nhưng về cơ bản, cần phải quan niệm, cái ta có là gì trước khi học tập cái thiên hạ có, hoặc là phát triển trên cơ sở bản sắc của mình để hòa nhập mà không hòa tan. Và chúng ta luôn tâm niệm lời dạy của Bác trong bảo tồn và phát triển là “chớ có gieo vừng ra ngô”.
Nguồn: Trần Bảo Hưng/Đại Đoàn Kết