Đại học Hoa Sen – HSU

Báo cáo VN 2035: Ba trụ cột phải cải cách

Đến năm 2035, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (giữa) trong buổi họp báo công bố báo cáo Việt Nam 2035. Ảnh TG

Báo cáo Việt Nam 2035 gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường

Thứ nhất, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Có 3 nguyên nhân chính về vấn đề này:

(i) Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu: Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.

(ii) Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.

(iii) Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Thứ hai, phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam) cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Thứ ba, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp những kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này… nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

……………………….

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Tư Hoàng
(Nguồn: TheSaigontimes, ngày 23/02/2016)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo