Bài giảng đầu năm dành cho tân sinh viên 2014: Học để trở thành người tự do
Với chủ đề thiết thực: “Học để làm gì”, bài giảng đầu năm của TS. Giáp Văn Dương dành cho tân sinh viên 2014 của Trường Đại học Hoa Sen vào ngày 3/10 vừa qua đã thu hút hơn 1000 sinh viên đăng ký tham gia.
Diễn giả TS.Giáp Văn Dương và TS.Bùi Trân Phượng trao đổi với nhau trước khi bắt đầu bài giảng
Mở đầu bài giảng, TS. Giáp Văn Dương đã đặt câu hỏi cho toàn bộ tân sinh viên: “Các bạn đã từng bao giờ tự mình đặt câu hỏi – Học để làm gì chưa?”. Vài cánh tay ít ỏi giơ lên cho thấy với các bạn tân sinh viên, việc học đang được xem như một quán tính: Học mẫu giáo xong vào cấp 1, hết cấp 1 thì lên cấp 2, xong cấp 2 lên cấp 3, tốt nghiệp cấp 3 lại thi vào đại học, ra trường rồi đi làm… Đa số các bạn trả lời học vì bạn bè đều đi học, học vì cha mẹ muốn.
TS. Giáp Văn Dương khuyên các bạn trẻ nên đọc sách với tinh thần tư duy phản biện
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, việc đặt nặng vấn đề thi cử đã làm sai lệch mục đích việc học của nhiều thế hệ. Học sinh học để thi và xem học thuộc lòng như một phương pháp học tập chính yếu, với sách giáo khoa là trọng tâm, thậm chí đến mức sử dụng văn mẫu là “chuẩn” hướng đến, giáo dục Việt Nam đã triệt tiêu tính sáng tạo, biến các học sinh trở thành công cụ chỉ biết nghe theo lời thầy cô mà không có tư duy độc lập, không phát huy tính chủ động của bản thân.Trong khi đó, mục tiêu của việc học với UNESCO, không hề có “Học để thi” như ở Việt Nam, mà là: Học để sống; Học để làm người; Học để hiểu biết; Học để làm việc. Học là trọng tâm của giáo dục với ba câu hỏi chính: Học cái gì? Học như thế nào? Học để làm gì? Trong đó “Học để làm gì?” là câu hỏi quan trọng nhất bởi việc học là một chặng đường dài, là tương lai cả đời nhưng đa số bản thân các bạn trẻ, các tân sinh viên chưa bao giờ tự mình đặt ra câu hỏi “Học để làm gì” và tự mình suy nghĩ một cách nghiêm túc về câu trả lời.
Tú Uyên, tân sinh viên ngành Marketing chia sẻ: “Chủ đề là một câu hỏi hay. Trước đó, em chưa bao giờ tự đặt câu hỏi này cho mình. Nghe thầy giảng thì biết thêm nhiều điều và tự đặt ra câu hỏi cho bản thân. Suy nghĩ của em hiện giờ là học để có kiến thức để sau này có việc làm tốt, để thăng tiến”.
TS. Bùi Trân Phượng chia sẻ với sinh viên về mục đích học tập và tự do học thuật của đại học phi lợi nhuận
Theo TS. Bùi Trân Phượng, để trả lời cho “Học để làm gì?”, các bạn trẻ hãy ước mơ lớn, có tầm nhìn lớn mới đi được đường dài. Học không chỉ cho bản thân mà còn để giúp đỡ người khác; học để kiến quốc
Nghĩa Nhân, tân sinh viên ngành Tài chính-Ngân hàng chia sẻ: “Sau khi nghe cô giảng, em biết thêm về truyền thống nhà trường, biết trường luôn đặt người học là trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, sinh viên thoải mái trao đổi với giảng viên, được tự do sáng tạo. Em cũng biết định hướng trường mình là vươn tới tầm quốc tế, là phát triển bền vững theo hướng phi lợi nhuận. Theo cảm nhận và hiểu biết hiện giờ của em thì phi lợi nhuận tốt hơn là vì lợi nhuận: Phi lợi nhuận sẽ được tự do học thuật, đặt sinh viên lên hàng đầu và lợi nhuận hoàn toàn dùng để tái đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên. Còn vì lợi nhuận thì dù ít nhiều gì người ta cũng mong muốn giữ lại một phần nào đó lợi nhuận, nên sẽ không được 100% tái đầu tư cho sinh viên”.
Ngọc Linh, tân sinh viên ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống chia sẻ: “Trước đây em cũng từng suy nghĩ học cho bản thân, học để biết, học để làm quản lý. Em còn mong muốn mở nhà hàng riêng vì em thích ẩm thực và để có thể chủ động, làm điều mình thích mà không bị gò bó, hạn chế hay bị kiểm soát. Trước đây em cũng có theo dõi một số bài báo viết về trường ĐH Hoa Sen, lợi nhuận – phi lợi nhuận nhưng em không hiểu lắm. Sau khi nghe cô hiệu trưởng giảng, em thấy thích và lựa chọn phi lợi nhuận vì em cảm nhận nó tốt cho sinh viên tụi em”.
Phần giao lưu với diễn giả diễn ra sôi động đến tận phút cuối cùng. Nhiều câu hỏi được đưa ra và đều được các diễn giả trả lời thỏa đáng. TS. Giáp Văn Dương và TS. Bùi Trân Phượng khuyến khích các bạn trẻ cứ mạnh dạn làm điều mình muốn.
Các bạn trẻ nếu muốn làm gì đó, hãy bắt tay vào hành động ngay, rồi sẽ thành công, cho dù có thất bại nhiều lần
Bài giảng đầu năm 2014 khép lại, nhưng hứa hẹn sẽ khơi nguồn cảm hứng học tập biết bao điều mới lạ cho các bạn tân sinh viên tại Trường Đại học Hoa Sen như chia sẻ của tân sinh viên Bùi Thị Linh Chi, ngành Ngôn ngữ Anh, đại diện cho các tân sinh viên phát biểu vào lúc kết thúc phần giao lưu với diễn giả: “Tham gia buổi hôm nay, em thu được một lượng kiến thức rất lớn, nhiều hơn bất cứ buổi học, hội thảo nào mà em tham gia từ trước tới nay. Bài giảng hôm nay đã khai mở cho em nhiều thứ”.
Tân sinh viên chụp hình lưu niệm với diễn giả TS. Giáp Văn Dương và TS. Bùi Trân Phượng
Hy vọng rằng các tân sinh viên Hoa Sen sẽ xác lập được mục tiêu học tập tốt như lời của TS. Giáp Văn Dương: “Con người tự do là đích đến của giáo dục, làm triết lý giáo dục để mình theo đuổi. Như thế, học để làm gì, theo tôi, chính là để trở thành con người tự do”.
Bài giảng đầu năm là một truyền thống tại Đại học Hoa Sen trong nhiều năm qua, đó là dịp trao đổi thân mật giữa sinh viên nhà trường cùng đại diện Ban giám hiệu cũng như các học giả chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong các năm qua, trường đã mời được những học giả, các trí thức Việt Nam trong và ngoài nước như: TS. Vũ Minh Khương, TS. Nguyễn Xuân Xanh, GS.Trần Văn Thọ ….đến và chia sẻ với các em tân sinh viên về những đề tài khác nhau, nhằm giúp các em mở rộng chân trời tri thức. |
Phong Lan
Xem thêm:
- Năm học 2014 – 2015: Đại học Hoa Sen chào đón hơn 2500 sinh viên
- Bài giảng đầu năm dành cho tân sinh viên 2014: Học để làm gì?
- Lịch sinh hoạt đầu khóa dành cho Tân Sinh viên 2014
- Ngày hội các câu lạc bộ và giao lưu tân sinh viên 2014